Hiệu quả áp dụng cải tiến trong nuôi tôm

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án nuôi tôm áp dụng các biện pháp cải tiến, mang lại hiệu quả cao cao như sử dụng cơ giới cải tạo đất trong nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) 02 giai đoạn; nuôi tôm thích với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ Biofloc, Semi-Biofloc trong nuôi tôm; ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm gia hóa,…Trong đó, mô hình nuôi tôm sú giống gia hóa QCCT 02 giai đoạn, tại ấp Tràm Thẻ, xã Tân Phú, huyện Thới Bình giúp tăng năng suất, sản lượng cho người nuôi.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, ấp Tràm Thẻ, xã Tân Phú, huyện Thới Bình thực hiện mô hình giúp tăng năng suất gấp 2 lần so với trước đây.

Những năm gần đây, trên cơ sở những dự án, đề tài, chương trình khuyến nông đã giúp nhiều hộ dân ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào loại hình nuôi tôm quảng canh cải tiến QCCT 02 giai đoạn từ đó nâng cao năng suất tôm nuôi. Theo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, qua rà soát, nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật năng suất có thể đạt khoảng 350-500kg/ha/năm.  Ngoài các yếu tố trong nuôi tôm QCCT 02 giai đoạn là cải tạo, thuốc cá, sên vét, bón vôi, phơi đầm, sử dụng vi sinh đúng định kỳ, thì con giống đảm báo chất lượng có tính quyết định.

Đầu năm 2023, có 12 hộ dân tại ấp Tràm Thẻ, xã Tân Phú, huyện Thới Bình triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm sú giống gia hóa QCCT 02 giai đoạn trên diện tích 30 ha theo Dự án nuôi tôm sú giống gia hóa QCCT 02 giai đoạn của Trung tâm thông tin và ứng dụng khoa học công nghệ Cà Mau. Theo đó, loại giống được chọn là giống tôm sú gia hóa (Moana), được thả với mật độ 5 con/m2. Tôm sú giống gia hóa là giống tôm được lai tạo cải tiến gen di truyền để có những đặc tính tốt hơn như tăng cường khả năng sinh trưởng, kháng bệnh, tăng năng suất. Kết quả theo dõi giai đoạn ương tôm giống cho thấy, tôm giống thích nghi tốt với môi trường (môi trường nước khu vực triển khai mô hình hiện tại pH từ 7.5-8.5; độ mặn 15-16‰; độ kiềm 125-150mg/l). Tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh (gần gấp đôi giống tôm sú thông thường); tỷ lệ sống cao (ước tính tỷ lệ sống giai đoạn ương dao động từ 35-75%). Trong thời gian 4 tháng, trọng lượng tôm thu hoạch đạt từ 25-30 con/kg, năng suất bình quân từ 400 – 450kg/ha/vụ.

Gia đình anh Đoàn Công Sự, là một trong những hộ thực hiện nuôi theo mô hình của ấp Tràm Thẻ, xã Tân Phú. Trên diện tích tích 3ha đất sản xuất của gia đình, trước đây anh thả nuôi tôm theo hình thức quảng canh truyền thống, năng suất không cao, có chiều hướng ngày một giảm dần, tôm nuôi dễ bị tác động bởi các yếu tố môi trường. Từ khi tham gia thực hiện mô hình thí điểm của xã, năng suất tăng hơn so với trước đây từ 1,5 đến 2 lần.

Mô hình nuôi tôm sú giống gia hóa QCCT 02 giai đoạn rút ngắn thời gian nuôi, trọng lượng tôm thu hoạch có thể đạt từ 25-30 con/kg, năng suất bình quân từ 400 – 450kg/ha/vụ.

Anh Sự đánh giá: “Nuôi tôm theo hình thức này cho thấy hiệu quả rõ rệt. Tôi tiến hành nâng cao bờ bao, xới đất cải tạo đáy ao, bố trí thêm ao dèo ương dưỡng con giống trước khi thả nuôi vào ao lớn. Điểm khác biệt đó là con giống và sử dụng chế phẩm sinh học trong khi nuôi. Chưa tới 4 tháng tôm có thể đạt hơn 20 con/kg. Hiệu quả nhanh và cao hơn so với trước đây gấp 2 lần. Tuy nhiên, mô hình này vẫn có thể gặp rủi ro khi thời tiết thay đổi, lượng mưa tăng đột ngột làm giảm độ mặn trong ao nuôi, tôm chậm lớn, nhưng nếu tính toán hợp lý thời gian thả con giống vẫn có thể khắc phục được và đảm bảo đạt năng suất”.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, ở ấp Tràm Thẻ, xã Tân Phú, huyện Thới Bình cho biết: “Trên diện tích 2ha đất nuôi tôm của gia đình, tôi tiến hành thả nuôi giống sú gia hóa và thực hiện quy trình nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Khi nuôi có sử dụng chế phẩm sinh học nên tạo được nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm. Sau vụ đầu tiên tôi thấy tốc độ lớn của giống này nhanh hơn so với các con giống trước đây tôi từng thả, tỷ lệ đạt trên 75%. Tôi đang tiếp tục cuốc đất, đắp bờ, cải tạo lại ao nuôi để chuẩn bị tiến hành thả nuôi vụ tiếp theo”.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú, huyện Thới Bình Trần Duy Hảo cho biết: “Mô hình nuôi tôm sú giống gia hóa theo hình thức QCCT 02 giai đoạn đã mang lại hiệu quả cao cho các hộ nuôi thí điểm trên địa bàn xã. Đây được xem là một trong những mô hình triển vọng được chọn để phát triển và nhân rộng. Thời gian tới, UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy trình kỹ thuật, hướng dẫn, hỗ trợ để các hộ nuôi mạnh dạn áp dụng thực hiện mô hình này trong sản xuất”.

Bích Ngọc
Báo Cà Mau

Tin mới nhất

T6,22/11/2024