Hà Tĩnh: Tăng cường quản lý, chỉ đạo sản xuất tôm nước lợ

Hiện nay đã bước vào chính vụ nuôi  tôm, các địa phương đã và đang triển khai công tác chuẩn bị, cải tạo ao và thả giống cho vụ nuôi năm 2024. Dự báo từ tháng 5 đến cuối năm 2024 thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi.

Để chủ động ổn định sản xuất, tận dụng các cơ hội thị trường đảm bảo kế hoạch tăng trưởng năm 2024 trong bối cảnh diễn biến thời tiết khí hậu cực đoan đồng thời phát sinh bệnh mới (TPD) và một số bệnh nguy hiểm trên tôm diễn biến phức tạp;  Ngày 10/5/2024, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh có văn bản số 201/TS-NTTS về việc “Tăng cường quản lý, chỉ đạo sản xuất tôm nước lợ” theo đó, ngành chuyên môn đã lưu ý các địa phương/cơ sở thực hiện một số nội dung sau:

  1. Tổ chức triển khai thực hiện tốt Đề án Nuôi trồng thủy sản, Khung lịch thời vụ năm 2024 và các nội dung chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thủy sản đã được nêu tại các văn bản: số 279/SNN-TS ngày 26/01/2024 về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng, kiểm soát an toàn sinh học trong sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ, số 858/SNN-TS ngày 26/3/2024 về việc triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2024; số 186/TS-NTTS ngày 06/01/2024 về tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản trong điều kiện nắng nóng, mưa bão và hạn hán xâm nhập mặn 2024…
  2. Phổ biến, hướng dẫn về các quy định của Luật Thuỷ sản 2017; Triển khai ngay các quy định của Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 04/4/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2019/NĐ-CP và Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 05/4/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản, (Đặc biệt là quy định đăng ký nuôi đối tượng thủy sản chủ lực đối với tôm sú, tôm chân trắng). Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về nuôi trồng thuỷ sản theo đúng quy định của pháp luật.
  3. Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện quy trình nuôi đảm bảo kỹ thuật, chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Một số nội dung trọng tâm như sau:

a, Chuẩn bị đầy đủ ao lắng, lọc; Đối với những nơi thả lại giống sau thu hoạch cần quản lý kỹ chất thải đáy ao, chất thải trong quá trình nuôi phải được thu gom, đưa ra ngoài khu vực nuôi để xử lý, phơi khô. Vệ sinh sạch bạt lót, phơi khô và khử trùng triệt để.

b. Thực hiện lấy nước qua hệ thống lọc để loại bỏ vật chủ trung gian truyền bệnh cũng như ngăn chặn các loài thủy sinh khác xâm nhập vào cơ sở. Thực hiện xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi (lắng, diệt khuẩn các tác nhân gây bệnh cũng như loại thủy sản khác, gây màu nước…) theo quy định.

c. Sử dụng tôm giống khỏe mạnh, nguồn gốc rõ ràng và đã được kiểm dịch, đảm bảo không nhiễm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm để thả nuôi; Không lạm dụng kháng sinh, sử dụng thuốc kháng sinh theo đúng quy định và hướng dẫn của cơ quan quản lý thú y trong quá trình nuôi tôm.

d. Căn cứ trình độ kỹ thuật, điều kiện hạ tầng và thiết bị…của cơ sở để quyết định mật độ thả nuôi hợp lý; Đảm bảo thời gian thả nuôi và thu hoạch phù hợp với lịch thời vụ thả giống trên địa bàn; Khuyến cáo nuôi tôm nhiều giai đoạn, thả giống lớn; Duy trì ổn định và thực hiện các biện pháp tăng năng suất đối với hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiếnđể phát huy lợi thế tôm sú; Tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng tại những vùng có đủ điều kiện hạ tầng và kiểm soát tốt các khâu sản xuất.

đ) Thường xuyên theo dõi, quản lý chất lượng môi trường nước ao nuôi và sức khoẻ tôm nuôi để kịp thời xử lý. Đồng thời áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học để quản lý ao nuôi như: hạn chế cho người lạ ra vào khu vực nuôi, thực hiện khử trùng dụng cụ ngay sau khi sử dụng, nguồn nước thay/bổ sung vào ao nuôi phải được khử trùng.

  1. Tổ chức liên kết sản xuất, giảm các khâu trung gian trong cung ứng con giống, thức ăn, vật tư đầu vào (quản lý tốt sản xuất và lưu thông thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường và giống tôm đảm bảo chất lượng, giảm giá thành và tăng hiệu quả sản xuất); Doanh nghiệp, người nuôi tôm cần cải tiến kỹ thuật để tăng tỷ lệ sống và giảm hệ số chuyển đổi thức ăn, giảm chi phí sản xuất. Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất, tổ chức nuôi tôm theo hình thức cộng đồng nhằm quản lý tốt chất lượng con giống, xả thải và dịch bệnh.
  2. Đa dạng hoá hình thức tuyên truyền cho tập thể, cá nhân các hộ nuôi tôm thực hiện “3 không” không giấu dịch, không xả nước thải chưa qua xử lý và không xả bỏ tôm chết, tôm bệnh ra ngoài môi trường; Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp trong công tác quản lý nuôi trồng thủy sản và phòng chống dịch bệnh chủ động trên tôm nuôi./.

Sỹ Công – Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh