Giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 và triển khai chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành thông báo về ý kiến kết luận của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tại Hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 và triển khai Quyết định số339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đánh giá năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù có nhiều khó khăn và thách thức đối với ngành nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nước lợ nói riêng; tuy nhiên, có sự chỉ đạo tập trung và sự quyết tâm của Chính phủ, Bộ, ngành, chính quyền địa phương, các thành phần tham gia chuỗi sản xuất tôm nước lợ, ngành tôm đã đạt được kết quả rất khả quan.

Sáu tháng đầu năm 2021, sản lượng tôm nước lợ đạt 371 nghìn tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản lượng tôm sú đạt 113 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 258 nghìn tấn; giá trị xuất khẩu tôm đạt 1,5 tỷ USD.

Trong 6 tháng cuối năm 2021, ngành tôm Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hạn hán, xâm nhập mặn; thời tiết khí hậu bất thường, tiềm ẩn  rủi ro, nguy cơ phát sinh dịch bệnh; diễn biến dịch bệnh Covid-19 và cạnh tranh thương mại quốc tế khó lường. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, thách thức, ngành tôm nước ta đang có cơ hội với nền tảng về tiềm năng, lợi thế tự nhiên,…

Để khai thác tốt nhất cơ hội, hạn chế rủi ro, vượt qua thách thức, phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu tôm từ 3,8 đến 4,0 tỷ USD năm 2021, đồng thời để triển  khai  quyết liệt, hiệu quả Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,  Bộ đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người nuôi tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Đối với các đơn vị thuộc Bộ: Tổng cục Thủy sản chỉ đạo các địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả sản xuất tôm nước lợ. Tổ chức  thực hiện và chỉ đạo các địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, quan trắc môi trường  nuôi trồng  thủy sản; tổng hợp và nhân rộng các mô hình nuôi tôm an toàn, thân thiện với môi trường, thúc đẩy chuyển giao công nghệ mới để giảm rủi ro, giảm giá thành sản xuất.

Thanh  tra Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương tổ chức thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định của pháp luật về điều kiện sản xuất, lưu thông, chất lượng giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, kháng sinh, chất cấm trong nuôi tôm.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chủ động, thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp, kịp thời thông tin, tuyên truyền để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Cục Thú y thực hiện và chỉ đạo hệ thống thú y cơ sở tổ chức kiểm dịch và kiểm soát dịch bệnh trên tôm nước lợ để có biện pháp xử lý phù hợp, hạn chế thiệt hại cho người nuôi. Đồng thời, thực hiện tốt công tác kiểm dịch và hướng dẫn các địa phương xây dựng, phát triển cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi tôm an toàn dịch bệnh.

Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản kiểm soát tốt chất lượng,  an toàn thực phẩm thủy sản nguyên liệu và kiểm soát tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng  sinh trong sản phẩm tôm nhằm  nâng cao chất lượng. Mặt khác, cùng phối hợp các đơn vị liên quan để truy xuất, đánh giá, có giải pháp để giảm số lượng các lô hàng bị cảnh báo.

Vụ Hợp tác quốc tế kịp thời thông tin, phối hợp xử lý các rào cản từ thị trường nhập khẩu tôm; phối hợp để chia sẻ thông tin về tình hình sản xuất, sản lượng và các  thông tin của thị trường nước cạnh tranh xuất khẩu và thị trường nhập khẩu.

Các viện nghiên cứu, trường đại học khẩn trương triển khai các nhiệm vụ khoa  học công nghệ về chọn tạo tôm giống, xây dựng các quy trình công nghệ mới hiệu quả, thân thiện với môi trường để người dân, doanh nghiệp áp dụng.

Đối với các Hội, Hiệp hội về thủy sản: Vận động, tuyên truyền các hội viên  thực hiện nghiêm các quy định tại Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn; tích cực  áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất; đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân  rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật.

Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển: Bám sát quan điểm, định hướng, mục tiêu của Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất thủy sản tại địa phương theo đúng chủ trương, định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiệt kế hoạch sản xuất tôm nước lợ năm 2021; chỉ đạo thực hiện các quy định về điều kiện nuôi, cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản cho cơ sở nuôi tôm nước lợ.

Ngoài ra, thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường để kịp thời khuyến cáo, cảnh báo cho người nuôi; hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật để nuôi tôm hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi. Tăng cường thông tin, tuyên  truyền, chuyển  giao khoa học kỹ thuật để nhân rộng các mô hình nuôi 2, 3 giai đoạn, nuôi sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn  khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi công nghệ cao,…  và các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả giúp người nuôi, doanh nghiệp giảm thiệt hại và chủ động sản xuất.

Tổ chức kiểm tra, kiểm soát, thanh tra điều kiện cơ sở sản xuất và chất lượng giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Kịp thời phát  hiện các sản phẩm kém chất lượng, phối hợp với Tổng cục Thủy sản và các địa phương quản lý cơ sở sản xuất sản phẩm vi phạm để xử lý tận gốc; Thường xuyên báo cáo diễn biến tình hình sản xuất và tiêu thụ thủy sản về Tổng cục Thủy sản để phối hợp chỉ đạo sản xuất.

Đối với các doanh nghiệp, người nuôi tôm: Cần khẩn trương tiến hành việc thực hiện đăng ký để được cấp mã số xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản theo quy định nhằm đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của các thị trường nhập khẩu.

Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận: VietGAP, GlobalGAP, ASC, … để nâng cao giá trị sản phẩm và tăng cường xúc tiến thương mại đối với tiêu thụ nội địa và các thị trường mới. Tuân thủ các quy định về sử dụng chất cấm, thuốc, hóa chất trong nuôi tôm, nâng cao chất lượng sản phẩm; đảm bảo truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, người dân đoàn kết, chung tay phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Tận dụng cơ hội từ thị trường, tiềm năng, lợi thế sẵn có để đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ tôm nước lợ đảm bảo hoàn thành mục tiêu, kế hoạch tăng trưởng ngành năm 2021.

Nguồn tin: Tổng cục thủy sản