Giá tôm sú giảm, chi phí ‘ăn mòn’ lợi nhuận của người nuôi

Sau một thời gian “sốt” giá hồi đầu năm, hiện giá tôm sú đã giảm nhẹ trong khi tôm thẻ vẫn duy trì giá tốt. Tuy nhiên nhiều nông dân lo lắng nguy cơ giá thức ăn chăn nuôi tăng “ăn mòn” lợi nhuận.

Theo ông Dương Văn Sẻn, nông dân nuôi tôm ở xã Hòa Tú 1 (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), từ đầu tháng 3, giá tôm sú đã giảm trở lại ở mức 10.000 – 20.000 đồng/kg tùy loại. Cụ thể như tôm loại 40 con/kg giá khoảng 180.000 đồng/kg. Các thương lái báo giá giảm là do hàng xuất đầu ra không tốt. Trong khi đó, tôm thẻ các loại giá vẫn đang duy trì ở mức cao khoảng 100.000 – 110.000 đồng/kg với tôm loại 100 con/kg. Mức giá này cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 20.000 đồng/kg. Tôm thẻ ngoài xuất khẩu, thị trường nội địa vẫn đang tiêu thụ tốt.


Nông dân nuôi tôm lo không kịp chốt lời trong vụ mùa đang được giá

Nhiều người nuôi tôm ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu cho biết: Với mức giá hiện tại, người nuôi tôm vẫn có lãi. Tuy nhiên những hộ còn khoảng 3 tuần đến một tháng nữa mới vào vụ thu hoạch vừa lo giá tôm giảm vừa lo giá thức ăn tăng. Ông Nguyễn Văn Biên, ngụ cùng xã Hòa Tú, cho biết: Năm rồi giá thức ăn chăn nuôi tăng mấy lần vào đầu năm và cả cuối năm, tới giờ vẫn duy trì mức cao. Thức ăn tôm thẻ loại thường 610.000 – 620.000 đồng/bao hay 20 kg tùy loại, thức ăn tăng trọng lên tới 820.00 – 830.000 đồng/kg. Với giá xăng dầu, nguyên liệu thức ăn nhập khẩu gần đây tăng cao, sợ rằng giá thức ăn thủy sản sẽ nhanh chóng tăng theo. Người nuôi tôm chưa kịp chốt lời đã lại lỗ vốn.

Không chỉ nông dân Việt Nam, mà đó là lo ngại chung của người chăn nuôi thế giới. Ông Steve Hart, Phó chủ tịch phụ trách phát triển thị trường của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu, nhận định: Xung đột Nga – Ukraine có thể sẽ đẩy giá thành vốn đã rất cao đối với một số thành phần thức ăn thủy sản, tiếp tục tăng. Ngay cả trước khi xảy ra chiến sự, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tăng giá do chi phí tăng, theo đó, giá gluten ngô tăng từ 600 USD/tấn lên hơn 850 USD/tấn trong vài năm qua. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng có thể ảnh hưởng đến giá các nguyên liệu khác, chẳng hạn như phụ phẩm động vật và đậu nành.

Theo ông Hart, giá lúa mì của Mỹ tăng 6% và dấu hiệu cho thấy điều đó gần như hoàn toàn do những gì đã xảy ra ở Ukraine vì tất cả các cảng của Ukraine đều bị đóng cửa. Lúa mì được các nhà sản xuất thức ăn thủy sản sử dụng để kết dính các viên thức ăn thủy sản với nhau, trong khi gluten ngô giúp tăng hàm lượng protein trong thức ăn thủy sản cho cá có chế độ ăn giàu protein.

Chí Nhân

Thanhnien.vn