Đường xuất khẩu gặp ghềnh của con tôm

[Người nuôi tôm] –  Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiếu hụt nguồn vốn, sản xuất nhỏ lẻ… khiến nông dân nuôi tôm Việt Nam khó bước vào các thị trường khó tính.

Anh Trần Trung Kha bật chiếc điện thoại thông minh, hình ảnh hiện lên những cánh đồng lúa được ngăn cách với nhau bởi các ao nước. Theo anh, mô hình nuôi tôm lúa áp dụng vài năm trở lại đây tại quê hương (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) mang lại giá trị cao.

Với đặc điểm vùng đất cù lao sáu tháng nước mặn và sáu tháng nước ngọt nên khi cho tôm ăn, thức ăn rải xuống phân hủy thì có thể tận dụng để trồng lúa mà không cần dùng đến phân bón hóa học. Ngược lại, khi lúa trồng xong, nước mặn về ,nông dân lấy để xử lý nuôi tôm. Tất cả như một chu trình và hai hình thức nông nghiệp hỗ trợ qua lại, giảm thiểu tác động môi trường và mang lại hệ sinh thái bền vững.

Đường xuất khẩu gập ghềnh của con tôm

Cách đây 4 năm, anh Kha quyết định chuyển canh tác chủ lực từ lúa sang tôm bởi nhìn thấy giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, dù lúa không mang lại năng suất cao, anh vẫn giữ lại một ít để tái tạo nền đất phục vụ cho quá trình nuôi tôm. Đến nay, sau tám vụ nuôi, nông dân này lãi đến bảy và chỉ hòa vốn một vụ. Riêng vụ của năm ngoái, anh Kha lời được gần một tỷ đồng.

“Ở đây có người nuôi một hồ 4.000 m2 mà thu nhập trên 2 tỷ đồng», anh nói.

Tuy nhiên, xuất khẩu tôm thương phẩm ra thị trường nước ngoài lại là một câu chuyện khác. Đó là một trong những câu chuyện về sự hấp dẫn của nghề nuôi tôm. Con số thu nhập một đến hai tỷ đồng mỗi năm khiến nuôi tôm có thể biến một nông dân bình thường trở thành đại gia chỉ trong một thời gian ngắn.

Rào cản “sân khách”

Seafood Watch – tổ chức được bộ Thương mại Mỹ ủy quyền trong việc kiểm định, giám sát, đánh giá chất lượng thủy sản trước khi xuất khẩu vào thị trường này triển khai công việc của mình tại khắp các quốc gia. Vì bảo vệ quyền lợi cho người tiêu  dùng  Mỹ,  họ  thực  hiện  việc  đánh giá độc lập dù có được mời hay không. Bảng xếp hạng là căn cứ để người tiêu dùng đánh giá độ an toàn của thủy sản và đưa ra các quyết định mua hàng. Các mức đánh giá được hiển thị theo màu, với mức độ từ thấp đến cao gồm đỏ, vàng và xanh. Trong đó, màu đỏ được khuyến cao nên tránh, màu vàng tương ứng với tốt và màu xanh được xem là lựa chọn tốt nhất.

Vào năm 2018, Seafood Watch tiến hành khảo sát 214 đối tác doanh nghiệp Mỹ để hiểu rõ hơn lý do họ cam kết sử dụng hải sản bền vững. Kết quả cho thấy mong muốn của khách hàng là lý do chính. Kỳ vọng này dựa trên phản hồi tự nhiên của khách hàng và mạng xã hội chứ không phải từ việc đo lường một cách có hệ thống nhu cầu khách hàng.

Theo ông Josh Madeira – Phụ trách chính sách bảo tồn biển, Monterey Bay Aquarium từ Seafood Watch, trên 90% thị trường bán lẻ Bắc Mỹ và 75% thị trường bán lẻ châu Âu yêu cầu hải sản bền vững với môi trường.

Tài liệu về tiêu chuẩn tôm được Hợp tác cải thiện thủy sản châu Á xây dựng cho thấy, tiêu chuẩn tại trại tôm bao gồm khả năng truy xuất nguồn gốc, quản lý sức khỏe tôm, nguồn lợi thủy sản, nguồn thức ăn – quản lý thức ăn và quản lý tác động môi trường.

Cụ thể, khả năng truy xuất nguồn gốc là khả năng theo dõi sự di chuyển tôm sau khi thu hoạch hoặc khả năng theo dõi vật tư đầu vào như thức ăn và con giống qua mỗi giai đoạn sản xuất cụ thể. Đây là hợp phần rất quan trọng khi thực hiện các hoạt động nâng cao tính bền vững. Quản lý sức khỏe tôm chú trọng tối ưu hóa sức khỏe, giảm thiểu căng thẳng, giảm nguy cơ nhiễm bệnh cho tôm và duy trì môi trường nuôi lành mạnh ở tất cả các giai đoạn của chu kỳ để giảm thiểu tác động của bệnh đến môi trường.

Nguồn lợi thủy sản đề cập tới việc sử dụng các loài tôm trong sản xuất và đảm bảo rằng tôm được sử dụng là loài có nguồn bền vững. Nguồn thức ăn và quản lý thức ăn chú trọng đến tính bền vững và hiệu quả sử dụng nguồn cá tự nhiên trong thức ăn nuôi tôm có thể xác minh được tại trại nuôi. Ngoài ra, tiêu chuẩn cũng quản lý các tác động đến đa dạng sinh học do vận hành trại nuôi tôm có thể gây nên do các hoạt động như thiết lập trại nuôi, kiểm soát động vật ăn thịt hoặc chất lượng nước xả thải.

Hầu hết các thị trường lớn và trọng điểm về nhập khẩu tôm đều chú trọng các yếu tố này. Tuy nhiên, đa phần nông dân Việt Nam đều khá mơ hồ về các tiêu chuẩn. Hiện nay, nhiều người bắt đầu rút lui khỏi ngành tôm do những tác động vài năm trở lại đây của biến đổi khí hậu và giá cả trồi sụt. Điệp khúc “được giá mất mùa, được mùa mất giá” thường xuyên nhắc đi nhắc lại trong các cuộc bàn luận và hiến kế để tôm Việt bứt phá.

Tìm hướng phát triển bền vững

Ông Trần Hữu Mai thả nuôi tôm từ năm 2001 tại xã Lưu Tú, huyện Trần Đề, (Sóc Trăng). Thời trước, có vụ ông thu vài tỷ đồng là chuyện thường nhưng bây giờ lại đối mặt với khoản nợ vài tỷ đồng cũng từ nuôi tôm. Trong gần hai thập kỷ theo đuổi ngành này, ông chứng kiến nhiều biến động của thị trường. Năm 2004, Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng điều tra áp thuế chống bán phá giá với tôm đông lạnh của Việt Nam, nhiều nông dân lao đao bởi không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu mà giá tôm trong nước sụt xuống còn 50.000-70.000 đồng một kg trong khi trước đó có thời điểm trên 130.000 đồng một kg.

Năm 2008, khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến các ngân hàng đồng loạt nâng lãi suất, có thời điểm lên đến 17-20% một năm. Những năm tiếp theo liên tục xảy ra các dịch bệnh, nông dân phải chuyển sang nuôi tôm thẻ thay vì tôm sú nhưng mất gần 7-8 năm để nắm quy trình và nuôi thành công. Những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tiếp nối thách thức với người nuôi tôm.

“Nếu thành công thì lời nhiều nhưng rủi ro thì rất cao. Trong khi đó, nếu ứng dụng công nghệ thì phải đầu tư đến hàng tỷ đồng, không phải ai cũng có tiền mà bỏ ra”, ông Mai nói.

Cũng như nhiều nông hộ khác, ông dùng thuốc cho người để chữa bệnh cho tôm vì không tin tưởng những loại thuốc cho thủy sản. Mỗi ngày người nông dân này chi đến 20 triệu đồng tiền thức ăn cho tôm, các chi phí khác cộng dồn đội lên trong khi giờ đây chỉ hoàn toàn bơi bằng vốn tự thân, vì vậy dẫn đến những khoản nợ chất chồng.

Bài toán của người nông dân không dừng lại ở những yếu tố về thời tiết, môi trường hay thị trường tài chính, nguồn vốn… mà còn đến từ nguồn vật tư đầu vào và xuyên suốt quá trình nuôi tôm. Ông Quách Hồng Phong, Tổng giám đốc công ty TNHH nuôi tôm Vĩnh Thuận, tỉnh Sóc Trăng cũng cho rằng thức ăn, con giống… ở Việt Nam hiện có giá cao và chưa có sự đồng nhất. Trong khi đó, trên thị trường vẫn xuất hiện nhan nhản các loại thức ăn, con giống và thuốc giả, khiến nhiều nông dân lao đao.

Tại hội thảo vừa tổ chức tại tỉnh Cà Mau, một đại biểu cho biết cái khó của ngành tôm là kinh phí, nguồn vốn phục vụ cho sản xuất bởi rất ít ngân hàng cho vay. Mặt khác, việc nuôi tôm hiện nay dừng ở mức manh mún và nhỏ lẻ.

Ông Lê Văn Quang – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết giá tôm Việt luôn cao hơn các quốc gia cạnh tranh trên thị trường như Ấn Độ, Indonesia hay Ecuador. Theo ông, muốn bán được hàng phải truy xuất nguồn gốc và có số lượng lớn. Tuy nhiên, để thâm nhập các thị trường nước ngoài phải đạt được chứng nhận trong khi mỗi thị trường có một chứng nhận riêng, cần phải có nguồn kinh phí lớn để thực hiện các đánh giá này.

Một trong các giải pháp được Seafood Watch khuyến cáo là mô hình chuỗi tôm với sự tham gia của tất cả các doanh nghiệp trong ngành. Ở đó, khách hàng tạo nhu cầu thị trường, doanh nghiệp mua hàng từ nguồn cung đảm bảo bền vững môi trường, nhà sản xuất cải thiện quy trình và Chính phủ hoàn thiện quy định. Tổ chức từ Mỹ gợi ý không nhất thiết cả ngành tôm của một quốc gia phải tham dự thì mới đạt hiệu quả mà điều này có thể thực hiện trong phạm vi nhóm nhỏ những đơn vị cam kết với các tiêu chuẩn bền vững.

Tuy nhiên, mỗi ngày mới của nhiều người nông dân như ông Mai hiện nay bắt đầu bằng câu hỏi “Làm sao để có tiền mua thức ăn cho tôm”, biến đổi khí hậu và dịch bệnh là nỗi lo thường trực. Một khi nông dân còn đau đáu những câu hỏi ấy thì bài toán lớn của cả một nền nông nghiệp khi tôm Việt  đang  xếp  hạng  thấp  nhất  với màu đỏ từ Seafood Watch không phải là mối quan tâm hàng đầu.

T.S

Tin mới nhất

T5,21/11/2024