“Đôi bạn cùng tiến” có lợi cho nuôi tôm?

Trong bối cảnh dịch bệnh trên các ao nuôi tôm thường bùng phát và lây lan qua đường nước thì cách nào để kiểm soát được tình trạng này? Nhóm nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản đã phân tích mạng lưới xã hội để tìm câu trả lời.

ĐBSCL là vùng nuôi tôm lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: Thu Quỳnh

Trong hai thập kỷ qua, lĩnh vực nuôi tôm của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thế giới. Ngành tôm đóng góp 4,4% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2018, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngành. Tuy nhiên, một trong những thách thức tồn tại dai dẳng trong nuôi tôm là tần suất xuất hiện của các đợt bùng phát bệnh tật, bởi “lịch sử của nuôi trồng thủy sản là một chuỗi những chiến thắng bệnh dịch luôn tiếp nối bằng các thách thức mới”. Nguyên nhân dẫn đến bệnh thường khó duy dấu do kiểm soát nước kém, mật độ nuôi cao, độc canh.

Thông thường, sự rủi ro dịch bệnh trong nuôi tôm thường do hiệu ứng tràn thông qua các kênh dẫn nước, đầu tiên là tràn nước ô nhiễm chứa mầm bệnh và chất thải nuôi tôm, sau là tràn của các thực hành nuôi trồng tương tự nhau (hiệu ứng ngang hàng). Hiểu được sự hiện diện và cơ chế của hiệu ứng tràn sẽ giúp xác định được cách giảm thiểu sự bùng phát dịch bệnh ở hộ nuôi tôm nhỏ.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra xem liệu hiệu ứng tràn giữa các hộ có phải là yếu tố quan trọng dẫn đến sự xuất hiện của dịch bệnh hay không thông qua ba vấn đề mấu chốt: 1) định lượng sự tồn tại của hiệu ứng tràn theo không gian giữa các hộ nuôi tôm; 2) xác nhận hiệu ứng thuần túy của hiệu ứng tràn nước ô nhiễm lên các cơn bùng phát bệnh dịch và hiệu ứng tràn ngang hàng do áp dụng một số phương pháp thực hành nuôi trồng; 3) các thực hành nuôi và kiến thức đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu nguy cơ bùng phát bệnh tật.

Họ đã thực địa ở Cà Mau, một tỉnh nuôi tôm lớn nhất Việt Nam. Qua khảo sát, họ nhận thấy, một số đặc điểm đáng chú ý của những hộ không có bùng phát dịch bệnh là thường có trình độ hiểu biết cao hơn; các thực hành ghi chép, theo dõi có hệ thống các khía cạnh khác nhau của quá trình nuôi, chẳng hạn như các thông số về chất lượng nước, sử dụng giống và nguyên liệu đầu vào, lịch trình cho ăn, giá bán và khối lượng bán; áp dụng thiết bị bao gồm việc sử dụng, bảo trì và quản lý cơ sở hạ tầng như máy sục khí, máy bơm, khay cho ăn và hệ thống tuần hoàn nước.

Với việc phân tích dữ liệu và sử dụng các mô hình tính toán, các nhà nghiên cứu phát hiện ra, nếu kích thước của ao có liên quan đến khả năng bùng phát dịch bệnh thì kiến ​​thức nuôi tôm là một yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu sự lây lan dịch bệnh. Các ao lớn hơn có thể gặp nhiều đợt bùng phát dịch bệnh hơn, trong khi các ao nhỏ hơn được chăm sóc nhiều hơn. Mỗi hộ cứ tăng diện tích ao thêm 1 ha sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh lên 22%, trong khi nếu ao của một hộ và ao láng giềng cùng tăng sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh lên 28–36%. Hơn nữa, việc tăng kiến ​​thức nuôi tôm của mỗi hộ sẽ làm giảm khả năng mắc bệnh xuống 2,1–2,6%, trong khi các ao lân cận cũng tăng kiến thức sẽ làm giảm bệnh xuống 0,7–1,2%. Có điểm đáng chú ý khác là việc áp dụng ghi chép của mỗi hộ làm giảm khả năng bùng phát dịch bệnh 16–18%, và hiệu ứng tương tự từ những người hàng xóm làm giảm khả năng mắc bệnh 5–9%, tổng cộng giảm 23–26% nếu tất cả các hộ đều ghi chép. Trong khi đó, nếu một hộ có đầy đủ thiết bị sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh xuống từ 28–33%, và hiệu ứng gián tiếp từ các ao lân cận làm giảm bệnh 9–16%.

Qua đây có thể thấy, thực hành nuôi trồng của các hộ hàng xóm có ý nghĩa đáng kể, cho thấy hiệu ứng ngang hàng mạnh trong việc định hình các hoạt động nuôi. Ngoài hiệu ứng ngang hàng, trình độ học vấn, kiến ​​thức về tôm, tham gia hợp tác xã nuôi tôm dẫn đến việc nuôi tốt hơn. Tất cả cho thấy tầm quan trọng của việc kiểm soát dịch bệnh ở các ao lân cận và nhu cầu phối hợp kiểm soát dịch bệnh giữa các hộ lân cận.

Anh Vũ

Nguồn: https://tiasang.com.vn/

Kết quả được nêu trong bài báo “Contaminated water spillovers or peer effects? Determinants of disease outbreaks in shrimp farming in Vietnam”, xuất bản trên Agricultural Economics, tạp chí của Hiệp hội Kinh tế nông nghiệp quốc tế (IAAE).

Tin mới nhất

T7,17/05/2025