“Điểm mặt” thủ phạm gây bệnh trên tôm

Nhóm sinh viên của Viện Công nghệ sinh học và Môi trường, Trường Đại học Nha Trang vừa hoàn thành đề tài về gen độc và đánh giá tính kháng kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh trên tôm nuôi tại Khánh Hòa. Qua đó, khuyến cáo việc sử dụng kháng sinh đối với nuôi tôm hiện nay.

Sử dụng các thiết bị tiên tiến để nghiên cứu gen

 

Phân lập 26 chủng vi khuẩn

Theo sinh viên Lê Mai Nhả – sinh viên năm thứ 4, Trưởng nhóm nghiên cứu, người nuôi tôm rất sợ hiện tượng tôm chết hàng loạt. Các nhà khoa học đã xác định được vi khuẩn Vibrio Parahaemolyticus (VP) chứa độc tố gây bệnh chính là thủ phạm gây bệnh hoại tử gan tụy cấp khiến tôm chết sớm. Hiện nay, các trang trại nuôi tôm chủ yếu sử dụng kháng sinh để chống lại tình trạng tôm nhiễm bệnh. Tuy nhiên, VP đã bắt đầu kháng kháng sinh nên việc kiểm soát bệnh trên tôm trở nên khó khăn hơn. Việc vi khuẩn kháng thuốc không chỉ làm tổn thất về mặt kinh tế mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Vì thế, nhóm nghiên cứu chọn thực hiện đề tài khảo sát gen chứa độc tố gây bệnh và đánh giá tính kháng kháng sinh của VP trên tôm thẻ nuôi. Nghiên cứu của nhóm tập trung vào việc thu mẫu tôm thẻ chân trắng được nuôi trên địa bàn tỉnh; đồng thời ghi nhận tình hình sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm để cung cấp thông tin phục vụ cho nghiên cứu khác cũng như kiểm soát việc sử dụng kháng sinh trên tôm hiện nay.

Sau 12 tháng nghiên cứu (từ tháng 9-2021 đến tháng 9-2022), nhóm sử dụng nhiều phương pháp xác định gen và các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh trên 10 loại kháng sinh khác nhau. Nhóm cũng đã áp dụng nhiều phương pháp tiên tiến được ứng dụng trong quá trình nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm bộ môn Công nghệ sinh học, Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường.

Kết quả nghiên cứu đã xác định được 26 chủng vi khuẩn VP, trong đó có 4/26 chủng mang 2 loại gen chứa độc tố gây bệnh và 9/26 chủng mang 1 gen chứa độc tố gây bệnh. Về tính kháng kháng sinh, gần 90% vi khuẩn có khả năng kháng từ một loại kháng sinh trở lên. Trong số đó, có nhiều chủng kháng từ 2 đến 5 loại kháng sinh, thậm chí có 1 chủng đặc biệt có khả năng kháng tới 6 loại kháng sinh. Trong khi đó, hiệu quả của kháng sinh đối với các chủng VP cũng khác nhau. Dòng kháng sinh mạnh nhất có khả năng ức chế sự phát triển của VP  lên đến 96,15%; dòng thấp nhất là 84,62%.

Cần cân nhắc khi sử dụng kháng sinh

Nhóm nghiên cứu đề xuất, các chủng VP có độc tính thu được sau nghiên cứu có thể lưu giữ để phát triển cho các nghiên cứu tiếp theo về đánh giá độc lực của chủng bằng thực nghiệm trên động vật hay khảo sát các chất có khả năng ức chế VP mang gen chứa độc tố gây bệnh. Nhóm khuyến nghị các trang trại nuôi tôm cân nhắc kỹ khi sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh ở tôm để tránh gây ra hiện tượng kháng kháng sinh. Đồng thời, các nhà quản lý cần có biện pháp kiểm soát tình trạng sử dụng kháng sinh ở các trang trại nuôi tôm hiện nay. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần có sự chọn lựa cẩn thận nguồn thực phẩm để đảm bảo sức khỏe.

Thạc sĩ Văn Hồng Cầm – giáo viên hướng dẫn nhóm nghiên cứu cho biết, đề tài có ý nghĩa lớn đối với nghề nuôi tôm hiện nay, khi hiện tượng kháng kháng sinh của VP ngày càng phổ biến gây tác hại xấu đến phòng, chống dịch bệnh và môi trường; gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm nói riêng cũng như kinh tế thủy sản nói chung. Việc hiểu rõ về tác nhân gây bệnh ở mức phân tử và tính kháng kháng sinh của VP mang gen chứa độc tố sẽ giúp ích rất nhiều cho người nuôi tôm và các nhà quản lý. Đề tài còn khuyến khích sinh viên nghiên cứu sâu hơn về sinh học phân tử. Kết quả đề tài còn mở ra nhiều hướng học tập, nghiên cứu của sinh viên khóa sau…

V.L

Báo Khánh Hòa điện tử

 

Tin mới nhất

T7,23/11/2024