Dịch bệnh thủy sản giảm mạnh so với năm 2018

Năm 2019, tất cả các loại dịch bệnh trên thủy sản đều được kiểm soát tốt. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của cả nước bị thiệt hại là trên 23.670 ha, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2018.

Chủ động giám sát, khống chế các loại dịch bệnh

Trước tình hình dịch bệnh trên các loại thủy sản có diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu, năm 2019, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Cục Thú y đã thành lập các đoàn công tác trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và phối hợp tổ chức phòng, chống dịch bệnh thủy sản tại một số tỉnh trọng điểm về nuôi trồng thủy sản và đã đạt được kết quả tốt.

Theo Cục Thú y, tính đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại của các tỉnh là hơn 23.670 ha, giảm 38% so với cùng kỳ của năm 2018 (tổng diện tích bị thiệt hại năm 2018 là 38.182 ha).

Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là hơn 21.986 ha, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2018 (tổng diện tích bị thiệt hại năm 2018 là 34.916 ha) và chiếm 3,08% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước (số liệu diện tích thả nuôi cập nhật đến ngày 22/10/2019 của Tổng cục Thủy sản là 713.402 ha).

Trong đó diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh bị thiệt hại 8.828 ha, quảng canh, quảng canh cải tiến 12.064 ha, còn lại là tôm lúa và các hình thức nuôi khác (1.094 ha).

Diện tích tôm nuôi bị bệnh là 6.265 ha, giảm 49,3% so với cùng kỳ năm 2018 (có tổng diện tích bị bệnh năm 2018 là 12.359 ha); không xác định nguyên nhân 10.899 ha, còn lại là do biến đổi môi trường, thời tiết (4.822 ha).

Trong năm 2019, thiệt hại trên cá tra xảy ra tại 35 xã của 13 huyện tại 3 tỉnh, thành phố gồm: Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp với tổng diện tích bị thiệt hại 68,37 ha, chủ yếu do cá mắc một số bệnh như: xuất huyết, ký sinh trùng, gan thận. Tổng diện tích cá tra bị thiệt hại 68,37 ha, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 1,08% tổng diện tích nuôi cá tra của cả nước (6.329 ha).

Năm 2019, Cục Thú y cũng phát hiện có vi rút gây bệnh hoại tử cơ quan tạo máu – IHNV (là bệnh mới chưa từng xuất hiện tại Việt Nam) trên đàn cá hồi nuôi khoảng 4,8 vạn con với 1,8 vạn cá 6 tháng tuổi và 3 vạn cá hồi con (đã chết khoảng 5.000 con). Sau đó, Cục cử đoàn công tác đến làm việc với tỉnh Yên Bái tổ chức điều tra tại 3/3 cơ sở nuôi cá hồi trên địa bàn huyện Mù Cang Chải và tiến hành thu 17 mẫu cá để xét nghiệm.

Kết quả cho thấy, bệnh IHNV trên cá hồi mới chỉ xảy ra tại 6/15 ao nuôi của 1/3 cơ sở nuôi cá trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, tỷ lệ cá hồi chết là khoảng 30-40% trong ao bị bệnh. Kết quả xét nghiệm và giải trình tự gen cũng khẳng định do vi rút gây bệnh là IHNV. Cục Thú y đã phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương tổ chức xử lý ổ dịch.

Năm 2019, bệnh hoại tử gan tụy cấp – bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi nước lợ xảy ra tại 163 xã của 53 huyện, thị xã thuộc 18 tỉnh, thành phố, gồm: Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Tổng diện tích bị bệnh là 2.657,2 ha.

Đến giữa tháng 11/2019 số cá chết đã giảm còn 15-20 con/ngày. Đến nay không còn có hiện tượng cá chết và ổ dịch đã cơ bản được kiểm soát.

Đối với các loài thủy sản khác bị thiệt hại hơn 1.615 ha, chủ yếu là diện tích nuôi ngao/nghêu và một số loài nuôi biển.  

Xây dựng vùng, chuỗi an toàn dịch bệnh thủy sản

Cục Thú y chủ động hướng dẫn, đôn đốc các địa phương có kế hoạch cụ thể thực hiện xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB) theo quy định để chủ động phòng chống dịch bệnh trên thủy sản, đáp ứng được yêu cầu của các nước nhập khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên cả nước, Cục Thú y đánh giá và cấp chứng nhận ATDB cho 3 cơ sở nuôi cá chép Koi tại TP Hồ Chí Minh đối với bệnh vi rút mùa xuân trên cá (SVC), trong đó có 1 cơ sở được công nhận ATDB với bệnh KHV và 1 cơ sở sản xuất tôm giống của Công ty Cổ phần Việt – Úc Bạc Liêu đáp ứng các tiêu chí về ATDB theo khuyến cáo của Tổ chức thú y thế giới (OIE) đối với 5 bệnh trên tôm; 1 cơ sở sản xuất tôm giống của Công ty TNHH MTV sản xuất giống thủy sản Hoàng Danh tại Ninh Thuận được công nhận ATDB đối với 3 bệnh trên tôm kể từ ngày 25/10/2019.

Hiện nay có 4 cơ sở đăng ký với Cục Thú y để xây dựng cơ sở ATDB trên tôm theo quy định của Việt Nam và OIE phục vụ xuất khẩu, bao gồm: Tập đoàn Việt Úc, Công ty Cổ phần thực phẩm Trung Sơn, Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung, Công ty TNHH thủy sản Đắc Lộc. Cục Thú y đã cử các cán bộ kỹ thuật đến hỗ trợ khảo sát và hướng dẫn Công ty xây dựng các kế hoạch an toàn sinh học và giám sát dịch bệnh. 

Hạn chế kháng sinh, tăng cường vi sinh

Cuối tháng 11, tại Trường Đại học Cần Thơ diễn ra hội nghị “Phòng trị bệnh tôm theo mô hình an toàn sinh học” có nhiều nhà khoa học hàng đầu về nghiên cứu tôm và doanh nghiệp nuôi tôm tham dự.

Các nghiên cứu cho biết, quá trình phát triển nuôi tôm tăng thải ra môi trường cùng biến đổi thời tiết đã làm chất lượng nguồn nước suy giảm, dịch bệnh nhiều khi không kiểm soát được.

Khi tôm bị bệnh, việc sử dụng kháng sinh để phòng và trị bệnh thời gian dài làm tăng mức độ kháng thuốc của vi khuẩn có trong hệ tiêu hóa, càng gây bất lợi cho môi trường, an toàn thực phẩm.

Qua thực tiễn và nghiên cứu cho thấy, ứng dụng chế phẩm sinh học (chất vi sinh) trong nuôi tôm đưa đến nhiều kết quả tích cực, đã góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, phát triển bền vững ngành nuôi tôm.

Chế phẩm có hai nhóm: xử lý nước ao nuôi và hỗ trợ hệ tiêu hóa cho tôm. Chế phẩm sinh học đưa vào cơ thể tôm qua bổ sung thức ăn và ngâm, bổ sung vào ao nuôi; còn xử lý ao nuôi để tăng cường phân hủy sinh học, tạo môi trường thân thiện, tăng khả năng sống cho tôm.

Các nghiên cứu khẳng định, chế phẩm sinh học mang lại lợi ích trong nuôi tôm là điều chắc chắn, không những cải thiện chất lượng nước mà còn cải thiện hệ số thức ăn, giảm mầm bệnh nên tăng tỷ lệ tôm sống, tăng năng suất nuôi.

Tuy nhiên, chế phẩm sinh học chỉ có kết quả tốt và đạt kỳ vọng khi ao nuôi được quản lý tốt và dùng các chủng vi sinh vật đã thông qua chọn lọc kỹ lưỡng, phù hợp với môi trường bản địa.

Cũng cuối tháng 11, hội nghị “Nâng cao giá trị tôm Việt Nam thông qua đổi mới công nghệ sản xuất” do Tổng cục Thủy sản tổ chức ở Cần Thơ, Tiến sỹ Trần Hữu Lộc ở Minh Phu AquaMekong khẳng định: “Nuôi tôm không kháng sinh là khả thi khi sử dụng thức ăn ngừa bệnh, vi sinh, chất bổ sung ngừa bệnh đúng cách”.

Tiến sỹ Phan Thanh Lâm cùng cộng sự ở Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 có nghiên cứu về “Quản lý quy trình nuôi tôm giảm hóa chất và kháng sinh”.

Trong đó, đưa ra các quy trình chi tiết việc bổ sung chế phẩm sinh học chứa các nhóm vi khuẩn có lợi để lấn át vi khuẩn có hại và phòng trị bệnh cho cho tôm trong nuôi thâm canh tôm sú cũng như tôm thẻ chân trắng.

THANH HẢI

Tin mới nhất

T4,09/10/2024