Đi tìm giá thành tôm nuôi Việt

Trong Tạp chí Người Nuôi Tôm số tháng 3+4/2019 đã có bài viết với tiêu đề về Chi phí nuôi tôm của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới: Vì sao lại thế?

Tạp chí Người Nuôi Tôm số tháng 5+6/2019 xin gửi tới bạn đọc những chia sẻ của ông Hồ Quốc Lực – Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN về vấn đề này.

Đi tìm giá thành tôm nuôi Việt

Nhiều thông tin cho rằng giá thành tôm nuôi Việt cao, cao lắm, thậm chí có người cho là cao nhất thế giới! Có phải vậy? Tôi đi tìm lý giải, tìm ra mọi biện luận để trả sự công bằng cho người nuôi tôm thẻ chân trắng chúng ta.

Giá thành tôm nuôi phụ thuộc nhiều yếu tố. Yếu tố dễ nhìn ngay là giá cả đầu vào gồm con giống, thức ăn, khoáng chất, điện, vật tư…Yếu tố sâu xa không thể không tính đến là tỉ lệ thu hồi tôm trên từng ao, tỉ lệ ao đạt trong số ao đã đầu tư của từng hộ, từng trang trại.

Cơ cấu giá thành từng hộ nuôi khác nhau do quy trình nuôi, do mật độ thả nuôi, do cỡ con thu hoạch… Nuôi quảng canh cải tiến có giá thành thấp nhất vì cơ bản chỉ đầu tư con giống, nhưng lợi nhuận chung có hạn. Nuôi thâm canh giá thành cao, tỉ suất lợi nhuận thấp hơn nhưng tổng lợi nhuận nhiều hơn. Nếu nuôi thu cỡ con nhỏ 70-100 con/kg thì tỉ lệ thức ăn thấp trong cơ cấu giá thành, bởi hệ số thức ăn (FCR) giai đoạn này chỉ là 1, và khoảng tôm lớn sau đó FCR có thể tới 1,5. Cho nên nói giá thành tôm nuôi Việt ra sao và so sánh thế nào với giá thành tôm nuôi một số nước khác vô cùng phức tạp, đâu phải dễ nhìn.

Tuy nhiên, tôi lấy cơ cấu giá thành của một trang trại ở Sóc Trăng, trong điều kiện nuôi trúng, tỉ lệ thu hồi trên ao, tỉ lệ đạt ao trên trang trại đều trên 80%, làm tiền để để nhận xét và tìm giải pháp giảm giá thành. Quy trình nuôi ở đây là thâm canh, thức ăn chiếm 41%, con giống 7%, điện 7%, nhân công 8%. Quy trình này thay nước liên tục nên khoáng và hóa chất chiếm 11%. Nhìn cơ cấu này, sẽ thấy tiết kiệm thức ăn sẽ mang lại lợi ích nhiều nhất. Tuy nhiên hệ số FCR ở đây chỉ 1,3. Với hệ số này và tôm thu trung bình 50-55 con thì hợp lý. Cũng có thể tiết kiệm thức ăn nhưng chắc chắn không quá 5% để không ảnh hưởng sức lớn của đàn tôm. Yếu tố chú ý tiếp theo là điện. Có thể tiết kiệm điện qua nuôi hai giai đoạn đến 2 tháng, mức tiết kiệm có thể tới 30% tổng chi phí, như vậy sẽ tiết kiệm khoảng 2% giá thành so nuôi chỉ một giai đoạn. Khi nuôi hai giai đoạn kéo theo tiết kiệm một phần khoáng hóa chất (xử lý nước), có thể tiết kiệm 2%. Trong các yếu tố còn lại hình thành giá thành khó tiết kiệm hơn.

Do thức ăn chiếm tỉ trọng cao gần phân nữa giá thành, tập trung phân tích yếu tố này. Nhìn các nước nuôi tôm chung quanh ta, giá thức ăn tôm xoay quanh 1USD mỗi kg. Mua trả tiền ngay có thể rẻ hơn 10-15%. Giá thức ăn tôm ở VN cũng quanh quẩn giá này. Nếu đại lý cấp I, còn rẻ hơn khoảng 10% sau khi khấu trừ các nguồn thưởng. Đa phần các hộ nuôi tôm Việt thiếu vốn, mua thức ăn tôm qua thương lái, ứng trước. So giá gốc, bị đội lên 20-30%. Như vậy, chỉ yếu tố thức ăn làm giá thành tôm Việt cao khoảng 15% rồi.

Một chuyên gia nuôi tôm giỏi tổng kết các yếu tố tác động kết quả nuôi Nhất giống, nhì môi, tam mồi, tứ kỹ! Một đồng nghiệp tôi cũng khá am tường nuôi tôm cho rằng Nhất giống, nhì quy, tam tài, tứ chính! Tôi không phân tích chi tiết, chỉ chú trọng là cả hai đều cho rằng con giống là yếu tố quyết định nhất cho vụ nuôi thành công. Dân gian không biết lấy gì làm số thống kê cũng kháo nhau là con giống quyết định trên 50% thành công ao nuôi. Chỉ chiếm 7% giá thành, nhưng con giống lại  tác động bậc nhất trong ao nuôi. Cho nên, nếu suy nghĩ sâu xa, đây là yếu tố quyết định làm giảm giá thành tôm nuôi mạnh nhất. Thí dụ tôm giống chất lượng trung bình, đạt tỉ lệ thu hồi 50%, số ao đạt cũng 50%. Nếu tôm giống chất lượng cao tất cả đạt 70% thì rõ ràng giá thành chung của hộ hoặc trang trại nuôi tôm đó giảm hơn 20%.

Trên mạng tôi đọc một thông tin giá thành tôm thẻ chân trắng cỡ 40 con của Ấn Độ khoảng 4USD/kg. Kỳ lạ là giá bán của các nhà máy chế biến Ấn Độ cũng chỉ tăng nhẹ so giá đó (chứng tỏ người nuôi ở Ấn Độ có lợi nhuận thấp). Ấn Độ nuôi mật độ thưa và tỉ lệ tôm trúng khá cao. Tôi lấy giá thành nuôi tôm của ta, ở trang trại Sóc Trăng nói trên. Giá thành tôm diễn tiến ở mức 100 con/ 70 con/ 40 con là khoảng 90.000 đồng/ 70.000 đồng/ 60.000 đồng. Giá mua của các cơ sở chế biến ta đang phổ biến 81.000/ 86.000/ 123.000. Như vậy, nuôi tôm cỡ càng lớn, giá thành tôm càng rẻ và giá bán càng cao. Tôm Việt, nếu nuôi trúng đạt tỉ lệ từ 70%, gía thành sẽ không cao, thậm chí còn thấp hơn Ấn Độ.

Tóm lại, diễn biến thời gian qua đầy phức tạp. Một thời tôm nuôi đạt đầu con thì một lời một. Nhưng khoảng thời gian dài (2010-2015) tôm nuôi Việt bị dịch bệnh EMS làm thiệt hại trầm trọng, đa phần người nuôi mất vốn. Từ đó, họ mua vật tư gối đầu từ thương lái, chi phí đội giá ít ra 15% (con giống, thức ăn) trên tổng giá thành. Con giống chất lượng cao chưa phủ nhu cầu cộng với nguồn nước cấp đầy rẫy rủi ro khiến tỉ lệ thu hồi thấp. Dù chưa thống kê đầy đủ, nhưng chắc tính chung chỉ đạt khoảng 50%. Tất cả làm cho giá thành tôm nuôi Viêt bị đội giá quá nhiều. Để chuyển đổi tình hình này:

+ Con giống chất lượng cao là yếu tố tác động lớn nhất, cần có sự lo toan, cung ứng tốt hơn.

+ Vốn cho người nuôi tôm: Chính phủ sao có chính sách linh hoạt gỡ điểm thắt này nhằm giúp người nuôi giảm thiểu chi phí.

+ Giải pháp kỹ thuật cho tiết giảm điện, khoáng hóa chất thông qua quy trình nuôi nhiều giai đoạn. Và cố gắng nuôi tôm thu ở cỡ con càng lớn càng hiệu quả.

Bài viết này, chắc chắn còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, chỉ muốn nêu lên cái nhìn qua góc nhìn riêng có thời gian dài gắn bó con tôm. Mong mọi sự góp ý.

Hồ Quốc Lực

Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Tin mới nhất

T4,09/10/2024