Đề nghị ‘nói thật hết những góc khuất’ của ngành tôm

Cho rằng ngành nuôi tôm Việt Nam đang thiếu, yếu và giấu nhiều góc khuất nên để tôm Việt cùng “đường đua” với các nước là bài toán lớn đặt ra. Đi tiên phong trong giải pháp khắc phục là lấy con giống làm mục tiêu đầu tiên.

Ngành tôm Việt Nam gặp nhiều thách thức, VASEP tổ chức hội nghị “Vì một ngành tôm phát triển bền vững” để tìm giải pháp, sự hợp sức – Ảnh: T.THƯƠNG

Ngày 24-5, Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản (VASEP) tổ chức hội nghị “Vì một ngành tôm phát triển bền vững” để xây dựng ngành tôm phát triển bền vững, tìm sự hợp sức các khâu trong chuỗi sản xuất chế biến xuất khẩu.

Nhìn ngành tôm Việt Nam từ góc độ chế biến và xuất khẩu, ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký VASEP, cho rằng mục tiêu xuất khẩu đặt ra với tôm là 10 tỉ USD, nhưng đầu năm đến giờ chỉ xuất khẩu hơn 2 tỉ USD. Do thách thức vốn vay, khó khăn về giá, suy giảm thị trường… đặc biệt về vấn đề tôm giống.

“Ta có sản lượng tôm giống lớn, hơn 2.000 trại giống nuôi sản xuất và nuôi dưỡng, chỉ có 200 cơ sở cấp giấy đầy đủ. Có 65 công ty ở Ninh Thuận nhập khẩu tôm thẻ giống từ Hawaii”, ông Hòe thông tin.

Còn nhìn thực trạng ngành tôm ở góc độ người nuôi, ông Hồ Quốc Lực, chủ tịch HĐQT Công ty Fimex Việt Nam, nhìn nhận các hộ nuôi tôm ở ta căn bản nhỏ lẻ; không đủ chuẩn diện tích; chứng nhận ASC – sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm rất thấp; tỉ lệ nuôi thành công “thắt nút cổ chai”…

Thu hoạch tôm tại Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong khi đó, thêm một góc nhìn hoàn thiện bức tranh tổng thể ngành tôm Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Anh, chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận, đề nghị hội nghị “nói thật hết những góc khuất” để giải “cục máu đông”, để làm sao nâng cao tỉ lệ thành công trong nuôi tôm.

“Chúng ta ngồi đây để nói hết sự thật để Việt Nam đừng đi như Thái Lan, thuận lợi như nấm mọc sau mưa rồi đóng cửa. Tôi có bạn bè nhập khoảng 60-80% tôm Ecuador về chế biến vì tôm Việt cạnh tranh không kịp. Chúng ta đem tiền đi mua tôm khi không có giải pháp là điều rất đau. Làm sao để giữ giá trị con tôm Việt Nam?”, ông Hoàng Anh đặt câu hỏi với hội nghị.

Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận kiến nghị VASEP tiên phong lấy con giống làm mục tiêu đầu tiên. Để làm được điều này, ông Hoàng Anh nói thêm góc khuất về con giống:

“Thật ra các chi cục thống kê con số chưa đúng, số lượng con giống chưa đúng. Ví dụ, tôm bố mẹ đẻ ra, kiểm dịch 1 triệu con nâu rồi xuất về Bạc Liêu. Về Bạc Liêu ghi lần nữa, lên 1,5 triệu con. Rồi số quy đổi tôm bố mẹ, bình quân 50%, 50% này quy đổi nó không đồng nhất nữa. Cái này cũng chưa đúng.

Từ con giống chưa chính xác, nên Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Thuận ai cũng nói sản xuất giống tốt nhưng chua chát là con số quá trừu tượng. Chỗ nào cũng nói tốt, tại sao ngành tôm ngay địa phương thất bại? Tất cả do sai số lượng tôm giống, nhận định sản xuất tốt xấu, chuyển thành quy hoạch tôm giống tràn lan”, ông Hoàng Anh nhấn mạnh.

Thảo Thương

Báo Tuổi Trẻ

Đề xuất đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành tôm Việt Nam

Ông Lê Văn Quang – giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú – nhận định tôm giống ở Việt Nam nhiều hộ không đạt chuẩn, vẫn phân phối ra thị trường. “Vua tôm” nói về giải pháp:

“Giảm giá thành tôm bằng Ấn Độ, Ecuador thì chuỗi nuôi tôm mới phát triển và bền vững được. Cần làm đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành tôm Việt Nam. Mong muốn cộng tác với tất cả doanh nghiệp, làm đề án gồm: sản xuất giá thành thấp, tôm giống, tôm bố mẹ, gia hóa con tôm; sản xuất con giống chất lượng cao; phải có khu sản xuất tôm giống đạt chuẩn; và có thức ăn tôm sạch.

Còn muốn làm giá thành nuôi phải có quy trình nuôi, khu nuôi tập trung (Việt Nam nuôi nhỏ lẻ, bình quân chỉ 1-3ha/hộ) không có kênh cấp, thoát riêng, mà làm cùng kênh thì dịch bệnh lây tràn lan, phải xây dựng khu sản xuất nuôi tôm tập trung cùng công nghệ nuôi phù hợp.

Tin mới nhất

T6,22/11/2024