Con tôm và khí nhà kính

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu nhưng nuôi trồng thủy sản cũng chính là một trong những thủ phạm gây ra biến đổi khí hậu, do phát thải ra môi trường một lượng lớn khí nhà kính. Do đó, việc nghiên cứu phát thải khí nhà kính từ ao nuôi thủy sản là vấn đề cần quan tâm để có biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc.

Kết quả giám sát phát thải khí nhà kính trong ao nuôi tôm do Dự án “Chuyển đổi năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long” thực hiện từ các ao nuôi tôm tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu cho thấy, mô hình nuôi tôm thâm canh phát thải khí nhà kính gấp 15 lần so với nuôi tôm quảng canh. Trong khi mật độ nuôi, nạo vét ao và vèo nuôi là những yếu tố chính quyết định đến lượng khí nhà kính phát thải từ các ao nuôi tôm quảng canh thì trong mô hình nuôi tôm thâm canh, điện và thức ăn là hai nguồn phát thải chính. Trong đó, lượng điện tiêu thụ đóng góp 82% và thức ăn đóng góp 17% vào tổng lượng khí nhà kính phát thải.

Các bên liên quan trong chuỗi giá trị ngành tôm thảo luận tìm giải pháp và ký kết thỏa thuận cùng nhau giảm phát thải, thúc đẩy tuần hoàn và phát triển xanh cho ngành tôm trong thời gian tới. Ảnh: TÍCH CHU

Liên quan đến nguồn phát thải góp phần làm tăng hiệu ứng nhà kính, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Nam Sơn (Trường Đại học Cần Thơ), trong chuỗi giá trị ngành hàng tôm, có khá nhiều công đoạn gây phát thải khí nhà kính, như: xăng, dầu, điện, cho đến các loại vật tư đầu vào phục vụ quá trình nuôi, như: vôi, phân bón, thức ăn, chế phẩm sinh học… đều gây ra phát thải và lượng phát thải khí nhà kính có sự khác nhau trong từng mô hình. Theo đó, lượng phát thải khí nhà kính mà nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ đo được (kgCO2/kg tôm tươi) đối với mô hình nuôi thâm canh là 9,3, nuôi siêu thâm canh là 11,7, nuôi siêu thâm canh theo ASC là 12,5. Riêng lượng phát thải ở các mô hình nuôi tôm theo hướng xanh, như: tôm rừng chỉ có 0,8, tôm rừng hữu cơ chỉ 0,3, quảng canh cải tiến chỉ 0,7; lúa – tôm chỉ 1,3, tức tiệm cận mức Net – Zero như kỳ vọng.

Hướng tới thực thi cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26 là đưa phát thải về “net zero” vào năm 2050, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Nam Sơn cho rằng, ngành hàng tôm cần phải chuyển đổi sang mô hình sản xuất kinh tế tuần hoàn: Đầu vào “xanh” – Tái sử dụng tất cả các nguồn “thải” cho một quy trình sản xuất khác. Theo đó, ông Sơn khuyến cáo các nông hộ, trang trại nuôi tôm nên chuyển đổi theo hướng tuần hoàn khép kín, nuôi đa loài trong một ao, trang trại sản xuất kết hợp (tôm + đối tượng nuôi khác), sử dụng các đầu vào “xanh” như: dùng điện mặt trời hoặc sử dụng năng lượng xanh, ngừng sử dụng phân bón hóa chất, nuôi thêm các loài hấp thu hữu cơ (chất lơ lửng), nuôi kèm các loài hấp thu vô cơ…

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn – đại diện nhóm nghiên cứu của Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, ngành tôm cần chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo trong quá trình nuôi (biogas, điện mặt trời); quản lý tốt cách cho ăn và quản lý sử dụng thức ăn nhằm giảm thiểu hệ số thức ăn; sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm và áp dụng mô hình nuôi tôm hai giai đoạn, trong đó tập trung vào giai đoạn vèo. Ngoài ra, việc đo lượng khí nhà kính phát thải từ ao nuôi tôm, từ đó xác định được các nguồn phát thải chính và đưa ra những biện pháp can thiệp phù hợp, giúp giảm lượng khí nhà kính phát thải trong quá trình nuôi trồng thủy sản là cần thiết và cần được nhân rộng trong thời gian sắp tới.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, việc chuyển đổi hệ thống lương thực của Việt Nam nói chung và chuỗi giá trị thủy sản nói riêng đang theo hướng xanh, các bon thấp, bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu. Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch – trách nhiệm – bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng của khoảng 100 triệu dân Việt Nam và góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới. Việc tham gia các cam kết và sáng kiến quốc tế tạo ra sự chuyển biến lớn về cách tiếp cận phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững hơn. Mục tiêu của chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến 2050 cũng nhấn mạnh xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại.

Mới đây, ngày 26/12, Liên minh Tôm sạch và Bền vững Việt Nam (VSSA) cũng vừa tổ chức hội thảo chuyên đề về giảm phát thải, thúc đẩy tuần hoàn và phát triển xanh trong nuôi tôm. Theo ông Lê Đình Huynh – Tổng Thư ký VSSA, thách thức dài hạn của ngành tôm chính là những yêu cầu mới từ thị trường, trong đó, có các quy định về giảm phát thải, tăng tuần hoàn và phát triển xanh. Vì vậy, theo ông Huynh, ngành tôm cần có sự chuẩn bị sớm nếu không đến khi những thách thức này được dựng lên thành rào cản thì sẽ rất khó. Ông Huynh đề xuất: “Để tăng tính cạnh tranh của ngành tôm và đạt mục tiêu phát triển bền vững, sản xuất tôm tới đây cần có sự chung tay của tất cả các bên theo hướng giảm phát thải, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển xanh”.

Tích Chu

Báo Sóc Trăng

Tin mới nhất

T6,03/05/2024