Cơ hội và thách thức đối với sự phát triển nghề nuôi cá hồ chứa ở Việt Nam

Những năm qua, nghề nuôi cá hồ chứa có tốc độ phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, chặng đường phát triển trong tương lai, có những cơ hội và thách thức nào đặt ra đối với sự phát triển của nghề nuôi cá hồ chứa ở Việt nam – Đó cũng là chủ đề được TS. Phan Đình Phúc, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản III đề cập đến trong chương trình hội thảo Triển lãm thuỷ sản Aquaculture 2019 vừa qua.

Thể tích của các hồ nuôi cá ở Việt Nam được phân làm 3 loại, tính theo dung tích tương ứng với mực nước dâng bình thường, hồ chứa lớn > 20.000.000 m3, hồ chứa vừa 3.000.000 – 20.000.000 m3 và hồ chứa nhỏ < 3.000.000 m3. Tương ứng với năng suất của các hồ lần lượt là hồ chứa lớn ≤ 200 kg/ ha/ năm, hồ chứa vừa ≤ 700 kg/ ha/ năm và hồ chứa nhỏ ≤ 1.500 kg/ ha/ năm.

Trong năm 2008, diện tích nuôi trồng thuỷ sản hồ chứa là 120.742ha, tương ứng với sản lượng là 69.291 tấn. Tốc độ tăng trưởng trung bình về sản lượng NTTS hồ chứa là 11.73%/ năm, trong giai đoạn từ 2001 – 2008, và từ năm 2008 đến nay vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh.

  1. Phan Đình Phúc cho biết, nghề nuôi cá lồng trải qua nhiều giai đoạn, thay đổi nhiều hình thức canh tác. Nhưng giai đoạn từ 2006 đến nay, mô hình nuôi cá hồ chứa có kiểm soát (CBF), quy mô nhỏ tiếp tục phát triển mạnh và đạt hiệu quả tốt. Nghề nuôi cá lồng phát triển rộng khắp các vùng trong cả nước, quy mô sản xuất được nâng cao, đối tượng nuôi đa dạng. Các hồ chứa lớn đã bắt đầu thả cá, tái tạo nguồn lợi một số loài bản địa.

Xét về tình hình tổng quan, hiện nay Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ nghề nuôi cá hồ chứa như diện tích mặt nước hồ chứa khá lớn, có thể gia tăng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản hồ chứa lên nhiều lần, đồng thời đa dạng các loại đối tượng nuôi. Điều kiện khí hậu phù hợp, có thể phát triển nghề nuôi cá ở khắp nơi trên toàn đất nước, quy trình nuôi ổn định.

Tuy nhiên, trong dài hạn, để hướng đến nghề nuôi cá hồ chứa phát triển bền vững nhất, mang lại nguồn thu ổn định thì vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra. Khó khăn nổi bật nhất hiện nay chính là cơ sở hạ tầng còn yếu chưa đồng bộ, cùng với trình độ công nghệ trong nuôi và chế biến sản phẩm thuỷ sản hồ chứa còn lạc hậu dẫn đến năng suất và hiệu quả kinh tế vẫn còn thấp. Cơ quan chức năng chưa có quy hoạch chi tiết về những vùng nuôi lồng trên các hồ chứa lớn và vừa. Hồ chứa không ưu tiên cho phát triển nghề cá mà ưu tiên phát triển mục đích chính là thuỷ điện và thuỷ lợi – TS.Phan Đình Phúc đặt vấn đề.

Trước xu thế phát triển hiện nay và khó khăn còn tồn tại, trong bài trình bày với chủ đề “Cơ hội và thách thức đối với sự phát triển nghề nuôi cá hồ chứa ở Việt Nam” TS. Phan Đình Phúc cũng nêu ra một số định hướng chiến lược, cụ thể:

1/ Phát triển nghề nuôi cá hồ chứa nhỏ và vừa, gắn với việc thả cá thường xuyên, quản lý chăm sóc tốt ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa góp phần xoá đói, giảm nghèo và cung cấp thực phẩm cho người dân.

2/ Đẩy mạnh việc nuôi cá lồng ở các hồ chứa vừa và lớn với các loài thuỷ đặc sản gắn với vùng miền, những loài có giá trị phục vụ xuất khẩu và du lịch.

3/ Phát triển nghề nuôi cá hồ chứa (trọng tâm là nghề nuôi cá lồng ở các hồ chứa lớn) theo hướng sản xuất hàng hoá hiệu quả và bền vững.

4/ Chế biến các phụ phẩm thành các loại thực phẩm chức năng, phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu, chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm… để gia tăng giá trị sản phẩm.

Hiện nay, phát triển bền vững nuôi cá hồ chứa là một trong những nhiệm vụ hàng đầu cần được quan tâm. Có rất nhiều dự án, đề tài hội thảo chuyên đề lấy việc nuôi cá hồ chứa làm chủ điểm nhằm bóc tách những vấn đề then chốt phục vụ phát triển tương lai, điển hình như đề tài “Nghiên cứu giải pháp phát triển nuôi trồng thuỷ sản tại các hồ chứa lớn theo hướng sản xuất hàng hoá hiệu quả và bền vững” do Viện Kinh tế và quy hoạch thuỷ sản chủ trì, thực hiện giai đoạn 2018 – 2021. Bên cạnh đó có khoảng 10 dự án thuộc chương trình Nông thôn miền núi về nuôi cá lồng trên hồ chứa do doanh nghiệp thực hiện từ 2009 đến nay – TS. Phan Đình Phúc cho hay.

Tin mới nhất

CN,10/11/2024