Có 53 lô hàng tôm bị cảnh báo trong 11 tháng đầu năm 2021

[Người Nuôi Tôm] – Theo báo cáo của Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, tính đến thời điểm hiện tại (năm 2021), đã có 53 lô hàng tôm bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo về an toàn chất lượng…

 

(Ảnh minh họa: Diệu Lữ)

Trong đó đáng chú ý là cảnh bảo về các chỉ tiêu phosphate 25 lô, chiếm 47%; dịch bệnh 13 lô, chiếm 24,5%; vi sinh 5 lô, chiếm 9,4%; kim loại nặng 1 lô, chiếm 1,88%; ghi nhãn 1 lô, chiếm 1,88%. Riêng về tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm có 8 lô, chiếm 15,1% giảm so với tỷ lệ cảnh báo năm 2020 đối với nhóm chỉ tiêu này, 10 lô bị cảnh báo liên quan đến hóa chất, kháng sinh chiếm 28,3% tổng số lô hàng bị cảnh báo.

Theo ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, tính đến thời điểm hiện tại, thực hiện kế hoạch được phê duyệt, Cục đã thực hiện lấy 1620 mẫu tôm nuôi (thẻ, sú) tại 111 vùng nuôi tôm tập trung để phân tích dư lượng hóa chất, kháng sinh. Kết quả phát hiện 10 mẫu tôm vi phạm liên quan đến các chỉ tiêu hóa chất kháng sinh.

“Mặc dù đây không phải là một con số quá lớn, nhưng so sánh với ngành cá tra, tỷ lệ tôm nhiễm kháng sinh được phát hiện cảnh báo là cao hơn. Đây là một điểm chúng ta cần hết sức lưu ý và tìm biện pháp khắc phục phù hợp”, ông Lê Bá Anh cho biết. Kết quả trên cho thấy xu hướng các cơ sở nuôi tôm lạm dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong quá trình nuôi trồng tăng cao. Tuy nhiên, những trường hợp phát hiện vi phạm đều được điều tra, xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, vấn đề tạp chất trong tôm nguyên liệu vẫn còn được phát hiện tại nhiều địa phương trọng điểm ngành tôm. “Tính đến hết 10 tháng đầu năm 2021, 04 tỉnh trọng điểm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tổng số 49 cơ sở, phát hiện 34 cơ sở vi phạm, tịch thu 3,838.4 (kg) tang vật vi phạm với tổng số tiền xử phạt từ các cơ sở vi phạm là trên 1 tỷ VNĐ”, ông Bá Anh nói.

Theo quy định hiện hành, các cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản nói chung và các cơ sở chế biến tôm nuôi nói riêng đều phải xây dựng và thực hiện Chương trình đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm theo nguyên tắc HACCP. Theo đó, các cơ sở sơ chế, chế biến tôm nuôi phải nhận diện và kiểm soát các mối nguy an toàn thực phẩm (đặc biệt là đối với mối nguy hóa chất, kháng sinh) trong nguyên liệu. Việc tự kiểm soát của cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản nuôi chủ yếu được thực hiện thông qua hoạt động lấy mẫu thẩm tra nguyên liệu (tại ao nuôi trước khi thu hoạch hoặc tại công đoạn tiếp nhận nguyên liệu của cơ sở chế biến) nhằm làm giảm rủi ro tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm sản xuất tại cơ sở.

Trong năm 2022 tới, ông Bá Anh cho biết, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản sẽ tiếp tục triển khai Chương trình giám sát dư lượng quốc gia đối với động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi. Theo dõi, cập nhật tình hình các lô hàng bị cảnh báo hóa chất kháng sinh để kịp thời cảnh báo doanh nghiệp và áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp. Đồng thời, phối hợp với Cục Thú y, Tổng cục Thủy sản trong việc đánh giá, đàm phán với thị trường để giảm tối đa yêu cầu kiểm dịch, các yêu cầu kiểm dịch phải dựa trên đánh giá rủi ro, phù hợp qui định OIE và thông lệ quốc tế, đảm bảo lợi ích song phương. Tiếp tục kiểm tra, kiểm soát tạp chất trong tôm theo chỉ đạo của Chính phủ.

Phạm Huệ

 

Tính đến 11 tháng đầu năm 2021, các Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng trực thuộc Cục đã thẩm định, cấp chứng thư cho tổng số 333,005 (tấn) sản phẩm tôm (gấp 2 lần so với 166,670 tấn của cả năm 2020) vào gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Cơ quan thẩm quyền có yêu cầu Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thẩm định, cấp chứng thư.

Tin mới nhất

T6,22/11/2024