Chuyên gia hiến kế ngành tôm vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh

Trong bối cảnh cơ hội đi kèm thách thức, ngành tôm Việt trong năm 2024 cần đẩy mạnh chế biến hàng giá trị gia tăng, tập trung vào khâu nuôi nhiều hơn để tăng được sức cạnh tranh với các quốc gia khác.

Đẩy mạnh chế biến hàng giá trị gia tăng

Xuất khẩu tôm Việt Nam khép lại năm 2023 với giá trị xuất khẩu đạt 3,4 tỷ USD, giảm 22% so với năm 2022.

Lạm phát tăng cao tại các thị trường chính khiến nhu cầu nhập khẩu giảm. Sản lượng tôm toàn cầu tăng, sản xuất và xuất khẩu tôm của Ecuador tăng trưởng bùng nổ, gây dư cung và giá tôm thế giới giảm mạnh. Đây được coi là những nguyên nhân chính khiến xuất khẩu tôm sụt giảm trong năm 2023.

Những tháng cuối năm 2023, Mỹ đã khởi xướng điều tra chống trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh, trong đó có tôm Việt Nam. Kinh tế thế giới đã thoát đáy nhưng phục hồi chậm, chiến tranh Nga-Ukraine vẫn kéo dài, xung đột Israel – Hamas đang tiếp diễn, căng thẳng Biển Đỏ khiến cước vận tải biển tăng.

Tôm Việt tiếp tục cạnh tranh khốc liệt với Ecuador, Ấn Độ về giá và nguồn cung, giá tôm thế giới chưa thể phục hồi nhanh do tồn kho còn nhiều. Chi phí thức ăn nuôi tôm lớn và tăng cao, đồng thời dịch bệnh trên tôm nuôi chưa kiểm soát.

“Đây là những thách thức đặt ra cho ngành tôm Việt Nam năm 2024. Trên chặng đường vượt khó, ngành tôm cần phải tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Một trong những giải pháp được xác định đó là đẩy mạnh chế biến hàng giá trị gia tăng và tập trung nhiều hơn cho khâu nuôi”, bà Kim Thu – chuyên gia thị trường tôm thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) nhận định.

Ngành tôm được khuyến nghị đẩy mạnh chế biến hàng giá trị gia tăng và tập trung nhiều hơn cho khâu nuôi để nâng cao sức cạnh tranh.

Sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng hiện chiếm 40-45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm. Với công nghệ chế biến ngày càng phát triển, nhu cầu từ các thị trường gia tăng, việc phát triển các sản phẩm tôm giá trị gia tăng sẽ ngày càng được thúc đẩy theo chủ trương của Chính phủ và Bộ NN&PTNT.

Ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1408 phê duyệt Đề án phát triển ngành Chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu của Đề án là phát triển chế biến thủy sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.

Theo chuyên gia Kim Thu, trình độ chế biến chung của các doanh nghiệp tôm Việt thuộc mức cao trên thế giới và đây là một lợi thế cạnh tranh lớn.

Các sản phẩm tôm giá trị gia tăng nổi bật của Việt Nam có thể kể đến như tôm bao bột, tôm chiên, tôm tẩm gia vị, tôm xẻ bướm, tôm xiên que, tôm tempura, tôm nobashi, há cảo tôm, sủi cảo tôm gừng, tôm thẻ thịt duỗi tẩm bột chiên đông lạnh, tôm thẻ xiên que đông lạnh…

Năm 2023 đầy khó khăn, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm tôm giá trị gia tăng mới cũng là một trong những sách lược giúp các doanh nghiệp trụ vững. Người tiêu dùng ngày càng tiết kiệm thời gian nên các sản phẩm tiện lợi, dễ chế biến ngày càng được chú ý.

Khi tăng trưởng sản lượng nuôi trồng chỉ có giới hạn, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng là xu thế, giúp đạt được các mục tiêu về kim ngạch XK trong tương lai.

Cần tập trung vào khâu nuôi

Chuyên gia Kim Thu cho rằng, trong năm 2024, ngành tôm Việt cần tập trung vào khâu nuôi nhiều hơn để tăng được sức cạnh tranh với các nước khác.

So với Ecuador, giá thành nuôi thấp, diện tích nuôi lớn, tập trung, tỷ lệ thành công cao lên tới trên 80%. Tôm nuôi của Việt Nam có tỷ lệ thành công không cao, chất lượng giống thấp, giá thành sản xuất cao hơn từ 20-35% so với Ecuador do giá thức ăn, giá điện và các chi phí đầu vào khác tăng cao.

Ngày 9/1 vừa qua,VASEP có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả sản xuất xuất khẩu thuỷ sản năm 2023: thách thức và cơ hội trong năm 2024. Đồng thời kiến nghị giải pháp củng cố, gia tăng năng lực cạnh tranh ngành hàng.

Trong đó, VASEP phản ánh về thực trạng giá thức ăn đang cao, tác động rất lớn đến hoạt động nuôi và giá thành nguyên liệu. Đây là một trong những nhân tố chính khiến sản phẩm thủy sản nuôi của Việt Nam đang rất khó cạnh tranh với các quốc gia khác như Ecuador, Ấn Độ…

VASEP kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chính sách kiểm soát về giá thức ăn nhằm ổn định giá thành nguyên liệu, tăng sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam.

Chi phí thức ăn nuôi tôm chỉ chiếm 30-40% chi phí nuôi. Do giá thức ăn tôm cao, hơn 30.000đ/kg nên khi tăng 3.000 – 5.000đ/kg tương đương tăng 10-15%.

Ngoài chi phí thức ăn, chi phí điện tăng đáng kể (chiếm 10% chi phí nuôi tôm, đặc biệt đối với nuôi công nghệ cao). Tuy nhiên, giá điện nuôi tôm hiện nay được tính theo giá điện dịch vụ và theo nhiều mức giá khác nhau nên ảnh hưởng đến giá thành nuôi nguyên liệu. VASEP xin kiến nghị tính điện 1 giá cho cơ sở nuôi tôm.

Một mấu chốt quan trọng của mặt hàng tôm nuôi là vấn đề giống. Nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất đạt chất lượng, giảm giá thành sản xuất, VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT tăng cường kiểm soát chất lượng con giống tôm nuôi, bảo đảm không có con giống kém chất lượng, dịch bệnh ra thị trường.

Theo bà Kim Thu, nắm bắt cơ hội, nhưng thách thức không ít, ngành tôm cần sự chung tay của Chính phủ, chính quyền địa phương, các mắt xích trong toàn chuỗi.

Ngành chế biến phải không ngừng tiếp cận xu thế người tiêu dùng, thị trường để có sản phẩm mới đáp ứng kịp thời nhất.

Ngành nuôi cần có sự căn cơ hơn, tổ chức sản xuất quy mô lớn hơn nhằm có nền tảng quy hoạch tổng thể khu nuôi mang tính khoa học, hợp lý cũng như thuận lợi trong việc đầu tư trang bị các thành quả khoa học kỹ thuật để nâng cao tính chủ động, giảm thiểu rủi ro, nâng cao năng suất.

“Với sự cạnh tranh mạnh từ các nước sản xuất đối thủ, hiện tại ngành tôm nên tập trung vào khâu nuôi nhiều hơn để chất lượng và giá thành ổn định, giúp tăng khả năng cạnh tranh của con tôm Việt”, chuyên gia khuyến nghị.

Nguyệt Minh

Tin mới nhất

T5,21/11/2024