‘Chìa khoá’ thành công của tỷ phú nuôi tôm Nghệ An – Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã giúp ông Cường trở thành tỷ phú miền cát bạc, mở ra hướng nuôi tôm tiên tiến cho người dân địa phương.

Ông Nguyễn Cường – Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024. Ảnh: T.P

Gian nan thử sức

Tôi tìm gặp ông Nguyễn Cường (SN 1970, chủ mô hình nuôi tôm có thu nhập 25 tỷ đồng/năm, là đại diện duy nhất của Nghệ An được tôn vinh là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 khi ông đang cùng công nhân thăm từng ao tôm, che chắn lại những tấm màng bị bung dây dưới nắng nóng cực điểm giữa tháng 8.

Mới hiểu thêm, với những dòng báo cáo thành tích ngắn gọn gửi hội đồng bình chọn “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024”: “Tổng thu nhập mỗi năm 25 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương”, để có được thành quả như hôm nay, ông Cường phải “lận đận” với con tôm biển hơn 20 năm. Có lúc, tưởng chừng như đứt vốn, trắng tay…

Ông Cường kể, năm 2002, khi đó, ông đang làm chủ một doanh nghiệp xây dựng uy tín ở huyện Diễn Châu, có mức thu nhập nhiều người mơ ước thì ông lại nung nấu ý định nuôi tôm sú, tôm thẻ. Từ vùng cát bạc hoang hóa ven biển, ông dốc vốn cải tạo thành ao, đầm để nuôi tôm.

Là tỷ phú nuôi tôm công nghệ cao nhưng ông Cường chăm chỉ làm việc, bám sát đầm tôm, luôn học hỏi, mày mò tìm hiểu để phát triển bền vững nghề nuôi tôm. Ảnh: T.P

Đầu tiên, ông nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh, nhưng chịu nhiều tác động của thời tiết, nên năng suất không cao, lợi nhuận thấp. Sau đó, ông chuyển dần sang nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng. Nhưng con tôm thẻ cũng không phải “dễ ăn”, ban đầu, nuôi theo phương pháp truyền thống, nguồn nước không đảm bảo, có những năm tôm chết nhiều, bao nhiêu tiền của, công sức cũng đổ sông, đổ bể. Ông Cường nhớ lại, năm 2016, dịch bệnh hoành hành, 1 ha tôm thẻ đã đạt trọng lượng 50 con/kg thì nhiễm bệnh, chết nổi trắng đầm, phải thuê nhân công vớt lên, tiêu hủy và xử lý ao, hồ. Vụ tôm năm đó, ông trắng tay.

Xác định “ngã ở đâu đứng lên ở đó”, ông tiếp tục vay mượn đầu tư vào con tôm, và với những lứa tôm thành công, mang về cho ông bạc tỷ. Nhưng rồi, chỉ vài năm sau, thời điểm năm 2021, dịch bệnh Covid-19 khiến thị trường “đóng băng”, giá tôm thương phẩm chạm đáy, thậm chí không thể tiêu thụ, lại khiến ông lỗ hàng tỷ đồng.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Cường. Ảnh: T.P

“Sau mỗi lần thất bại, tôi lại kiểm điểm lại chính mình, từ việc chọn giống đến việc lựa chọn thức ăn và quan trọng nhất là quy trình nuôi. Sau mỗi vụ nuôi tôm gia đình tôi phải dành thời gian cả tháng trời để phơi ao, xử lý mầm bệnh; chờ chọn được thời điểm nước biển sạch mới đưa vào ao, nên mỗi năm gia đình tôi chỉ nuôi được 2 vụ. Đầu tư lớn, chăm sóc công phu nhưng lợi nhuận không cao, gặp năm dịch bệnh là trắng tay. Điều đó khiến tôi trăn trở đến mất ăn, mất ngủ”, ông Nguyễn Cường chia sẻ.

 

Chìa khóa thành công

Sau khi học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình nuôi tôm thẻ thành công trong cả nước, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật về nuôi tôm cùng với kinh nghiệm tích luỹ được, năm 2022, ông Cường dốc toàn bộ vốn liếng 20 năm nuôi tôm tích góp được để cải tạo khu vực nuôi tôm, chuyển từ nuôi tôm trên ao lót bạt sang nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao.

Ông đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1,7 ha sang xây dựng 2 bể ương gièo, mỗi bể có diện tích 200m2 và 9 ao nuôi, mỗi ao có diện tích trên 1.000m2 cùng với hệ thống ao chứa, lắng, xả thải để nuôi theo quy trình công nghệ siêu thâm canh nhiều giai đoạn; xây dựng nhà kín với đầy đủ trang thiết bị áp dụng nuôi tôm theo công nghệ nuôi an toàn sinh học.

Ông Cường kiểm tra tôm giống do mình tự ương nuôi. Ảnh: T.P

“Khi ứng dụng công nghệ cao vào ao nuôi tôm khép kín 3 giai đoạn, có mái che tự động điều hòa nhiệt độ, tôi đã nuôi được 4 vụ/năm. Nhờ thâm canh gối vụ nên trong đầm lúc nào cũng có tôm để bán và không rơi vào tình trạng được mùa mất giá như trước đây. Đặc biệt, nuôi công nghệ cao nên ít công chăm sóc, ít phải sử dụng kháng sinh cho tôm và đảm bảo an toàn dịch bệnh”, ông Cường cho hay.

Ông Cường thử nghiệm với 1,2 triệu con giống thả nuôi, ở giai đoạn 1 tôm được ương trong bể ương gièo với mật độ lên đến 4.000 con/m2 trong 30 ngày, sau đó chuyển sang nuôi giai đoạn 2 ở ao nuôi với mật độ 600 con/m2 trong 1 tháng, và cuối cùng là chuyển sang ao nuôi giai đoạn 3 đến khi thu hoạch. Sau một thời gian ngắn, ông đã thắng lợi ngay vụ thu hoạch đầu tiên với 14 tấn tôm thương phẩm, kích cỡ trung bình 70 con/kg, lợi nhuận đạt gần 900 triệu đồng.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Cường đã mở ra hướng đi mới, thay đổi tư duy, phương thức nuôi tôm của người dân địa phương. Ảnh: T.P

Từ thành công đó, đến nay, ông mở rộng diện tích lên 20 ao nuôi tôm, 6 ao nuôi áp dụng mô hình công nghệ khép kín, 2 ao ương, 3 ao xử lý chất thải. Sản lượng xuất bán tôm thương phẩm đạt 150 tấn/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, với mức thu nhập 8-10 triệu đồng/người/tháng.

 

“Buôn có bạn, bán có phường”

Việc áp dụng công nghệ mới vào quy trình nuôi tôm siêu thâm canh đã đem lại nhiều lợi ích rõ rệt: việc chăm sóc và quản lý ao nuôi dễ dàng hơn; giảm mức độ nguy cơ tôm mắc bệnh; giảm thiểu chi phí sản xuất; tăng năng suất và hiệu quả kinh tế; bảo vệ môi trường ao nuôi, từ đó đem lại lợi nhuận cao hơn.

Ông Cường tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: T.P

Nhận thấy hiệu quả từ việc đầu tư vào mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, ông Cường đã vận động các hộ nuôi trong vùng từng bước chuyển đổi theo. Quá trình đó, ông luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn các hộ chi tiết, “cầm tay chỉ việc” cho từng hộ.

Ngoài nuôi tôm, gia đình ông Cường còn kinh doanh thức ăn chăn nuôi thủy sản, thuốc thủy sản, cung cấp hỗ trợ cho bà con nuôi tôm ở địa phương. Khi bà con khó khăn về vốn, ông sẵn sàng hỗ trợ, cung cấp tôm giống, bán nợ thức ăn lãi suất thấp, khi nào người nuôi thu hoạch mới thanh toán. Dự định của ông Cường là thành lập hợp tác xã quy tụ những hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Ao nuôi theo các giai đoạn đem lại hiệu quả cao trong thâm canh tôm nuôi. Ảnh: T.P

“Dự kiến hợp tác xã sẽ có 30 thành viên là các hộ gia đình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Hợp tác xã sẽ là nơi mọi người cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau vượt qua những thời điểm khó khăn. Đồng thời, cùng chung mua vật tư, thiết bị thì sẽ có giá ưu đãi, giảm chi phí sản xuất. Đặc biệt, vào hợp tác xã thì các thành viên kiểm soát được đầu vào, liên kết tìm kiếm đầu ra, từ đó, tăng thu nhập cho các thành viên, phát triển nghề nuôi tôm bền vững”, ông Cường chia sẻ.

Nguồn: Thanh Phúc (Báo Nghệ An)

Tin mới nhất

T4,04/12/2024