Chất xúc tác trong thức ăn tôm: Tăng cường dinh dưỡng và khả năng chịu mặn

[Người Nuôi Tôm] – Tôm nuôi thường lãng phí thức ăn do hành vi ăn uống không hiệu quả và biến động môi trường. Giảm lãng phí thức ăn không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn bảo vệ môi trường. Tôm rất nhạy cảm với thay đổi độ mặn, có thể dẫn đến tỷ lệ chết cao. Do đó, nghiên cứu và áp dụng biện pháp cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn và ổn định môi trường nuôi là rất cần thiết.

Ý tưởng

Tôm là loài ăn đáy có đặc điểm sinh lý hạn chế khả năng tiêu thụ thức ăn với số lượng lớn. Để nghiên cứu hành vi ăn uống chi tiết của tôm mà không gây ảnh hưởng đến chúng, các nhà khoa học đã áp dụng phương pháp Giám sát Âm thanh Thụ động (PAM). Phương pháp này sử dụng hydrophone để ghi lại âm thanh “click” phát ra từ hàm tôm khi nghiền thức ăn. PAM cho phép quan sát hành vi ăn uống của tôm một cách liên tục và chính xác mà không gây xáo trộn môi trường.

Cải thiện sản xuất tôm không chỉ dừng lại ở việc hiểu cách chúng ăn. Hai mục tiêu chính của các nghiên cứu hiện nay là sử dụng các nguyên liệu dinh dưỡng nhưng vẫn tiết kiệm chi phí trong công thức thức ăn và nuôi dưỡng động vật để chúng khỏe mạnh và không bị stress. Các nhà dinh dưỡng đang cố gắng kết hợp nhiều nguồn protein từ động vật trên cạn và các sản phẩm phụ vào thức ăn thủy sản nhằm tăng tính hiệu quả về chi phí. Một trong những nguồn protein như vậy là bột thịt gia cầm.

Bột thịt gia cầm, một nguồn protein thay thế tiềm năng cho bột cá, đang được quan tâm. Tuy nhiên, tôm thường không ưu tiên thức ăn chứa bột thịt gia cầm. Việc bổ sung các chất hấp dẫn vào thức ăn có thể là giải pháp để khắc phục vấn đề này, giúp tôm tiêu thụ hiệu quả nguồn protein mới.

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Auburn đã tiến hành một nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả của chất hấp dẫn trong thức ăn đối với tôm thẻ chân trắng. Nghiên cứu này dựa trên giả thuyết rằng các chất hấp dẫn có thể cải thiện khả năng chịu đựng căng thẳng, đặc biệt là liên quan đến độ mặn. Thí nghiệm được thiết kế để đánh giá tác động của chất hấp dẫn đến hành vi ăn uống, tốc độ tăng trưởng và khả năng chịu đựng của tôm trong điều kiện thay đổi độ mặn.

 

Cách tiếp cận

Các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu bằng cách sản xuất ba bộ chế độ ăn thử nghiệm, mỗi bộ gồm ba loại thức ăn, tổng cộng chín loại. Bộ đầu tiên sử dụng bột thịt gia cầm làm nguồn protein chính, trong khi hai bộ còn lại sử dụng bột cá với các mức bổ sung khác nhau: 6% cho bộ thứ hai và 12% cho bộ thứ ba. Mỗi bộ có một chế độ ăn kiểm soát không có tác nhân thức ăn, cùng với hai chế độ có bổ sung tác nhân ở mức 0,1% hoặc 0,2%. Việc lựa chọn protein động vật nhằm so sánh bột thịt gia cầm với một nguồn protein hấp dẫn và loại bỏ ảnh hưởng của ma trận chế độ ăn đến kết quả.

Để đánh giá hiệu quả của chế độ ăn mới, các nhà nghiên cứu đã tiến hành hai giai đoạn thí nghiệm. Giai đoạn một tập trung vào hành vi ăn uống và lượng thức ăn tiêu thụ. Sử dụng hệ thống PAM, họ ghi lại âm thanh khi tôm ăn và cân lượng thức ăn còn lại để xác định lượng thức ăn đã tiêu thụ. Giai đoạn hai nhằm đánh giá tăng trưởng và tỷ lệ sống. Tôm được nuôi trong hệ thống tuần hoàn, cho ăn bốn lần mỗi ngày trong 36 ngày. Khẩu phần ăn được điều chỉnh hàng tuần dựa trên số lượng tôm còn sống.

Sau 36 ngày, nhóm nghiên cứu hoàn thành phần thứ hai và tiến hành đánh giá stress. Họ đếm số lượng tôm trong mỗi bể và cân nhóm để thu thập dữ liệu tăng trưởng. Sau đó, năm con tôm từ mỗi bể được chọn ngẫu nhiên và gây stress do độ mặn cao bằng cách ngâm trong nước ngọt một phút trước khi đưa trở lại bể. Sau 24 giờ, nhóm đánh giá tỷ lệ sống sót của chúng.

Hình 1: Tỷ lệ sống trung bình của tôm được cho ăn thức ăn có chứa các mức độ tăng dần của chất xúc tác. Các thanh lỗi biểu thị sai số chuẩn của giá trị trung bình và các ký hiệu khác nhau cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0.05).

 

Kết quả

Nhóm nghiên cứu đã thu được kết quả khả quan, đặc biệt về hành vi ăn uống và khả năng chịu stress của tôm. Việc bổ sung chất xúc tác vào thức ăn làm tăng số lượng “click” từ tôm, nhất là với thức ăn từ bột gia cầm, cho thấy tôm thấy loại thức ăn này hấp dẫn hơn. Số lượng “click” cũng tăng khi nồng độ chất xúc tác trong thức ăn cao hơn.

Kết quả tương tự cũng được ghi nhận ở chế độ ăn chứa nhiều bột cá, mặc dù bột cá đã là một chất tăng cường độ ngon. Tuy nhiên, số lượng “click” lại giảm ở thức ăn có bột cá vừa phải khi nồng độ chất xúc tác tăng, điều này khó giải thích. Ngoài ra, tôm có xu hướng tiêu thụ nhiều hơn thức ăn từ bột gia cầm và bột cá cao khi có nhiều chất xúc tác bổ sung.

Kết quả đánh giá tăng trưởng không phản ánh hành vi ăn uống và thí nghiệm tiêu thụ thức ăn. Tôm được cho ăn các loại thức ăn khác nhau phát triển tương tự, với tỷ lệ chuyển đổi thức ăn và tỷ lệ sống sót không khác biệt. Điều này không phải là điều tồi tệ, vì thí nghiệm được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm, không phải trong ao nuôi. Quan sát quan trọng nhất là việc bổ sung chất xúc tác vào thức ăn đã cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót của tôm sau khi bị stress do độ mặn.

Dữ liệu thu thập cho thấy việc bổ sung chất xúc tác vào thức ăn cho tôm mang lại nhiều lợi ích. Nhờ có chất xúc tác, có thể sử dụng bột gia cầm hoặc phụ phẩm động vật để sản xuất thức ăn thủy sản giàu dinh dưỡng với chi phí hợp lý. Sự cải thiện dinh dưỡng này không ảnh hưởng đến hành vi ăn uống hay sự phát triển của tôm, đồng thời tăng khả năng chịu đựng stress do độ mặn. Điều này có thể giúp giảm chi phí sản xuất và tăng khả năng chống chịu với biến động độ mặn, một yếu tố môi trường khó kiểm soát.

Vương Hằng (Theo Hatcheryinternational)

Tin mới nhất

T3,07/01/2025