Cách quản lý nước thải từ trại tôm nuôi

[Người Nuôi Tôm] – Nước thải từ các ao nuôi tôm có thể tác động đáng kể đến môi trường tự nhiên và trang trại tôm lân cận, nhưng có một số phương pháp giúp giảm tác động này, phục vụ cho lợi ích của người nuôi và cộng đồng nuôi tôm xung quanh họ.

Nuôi tôm là một ngành mang lại lợi ích kinh tế cao, nhưng nó có thể đi kèm với những tác động đáng kể lên môi trường.

 

Tại sao nước thải từ trại nuôi tôm lại nguy hiểm

Các trại nuôi tôm thường nằm ở các khu vực ven biển, với nhiều trang trại nằm sát bờ biển. Khi bắt đầu một chu kỳ sản xuất, người nuôi thường lấy nước từ biển hoặc giếng khoan để nuôi. Nước thải trở lại môi trường trong suốt chu kỳ sản xuất và cuối cùng thông qua kênh xả ra ngoài.

Nước thải từ trang trại nuôi tôm có chứa các chất dinh dưỡng, chẳng hạn như nitơ, photpho, chất rắn lơ lửng và các chất hữu cơ. Tất cả chúng đều là sản phẩm từ các hoạt động nuôi trồng như thức ăn thừa, chất thải của tôm, vỏ tôm, các vi khuẩn và cả thực vật phù du… Sau khi thải ra ngoài môi trường, các chất thải có tải lượng hữu cơ cao sẽ kết dính với các vùng nước xung quanh. Với số lượng nhỏ, nước thải nuôi tôm có thể có lợi cho môi trường xung quanh do hàm lượng chất dinh dưỡng và tải lượng hữu cơ của nó. Nhưng, với số lượng lớn nguồn nước thải từ hoạt động nuôi tôm đổ ra môi trường, chúng sẽ làm giảm đáng kể chất lượng nguồn nước. Quan trọng hơn, lượng nước thải ra từ các trại nuôi tôm có thể vượt quá khả năng chịu tải của hệ thống thủy vực tại địa phương.

Nhiều hộ nuôi sử dụng ao lắng để lấy nước đầu vào (ảnh), nhưng không phải tất cả đều sử dụng phương pháp này.

 

Nước thải không được xử lý cũng có thể là phương tiện lây lan bệnh tật. Dịch bệnh có thể lây từ trang trại này sang trại nuôi lân cận dọc theo bờ biển, nếu họ cùng sử dụng chung nguồn nước. Điều này có thể sẽ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh lớn trong khu vực nuôi. Một khi dịch bệnh bùng phát diện rộng, sẽ rất khó để xử lý.

 

Các giải pháp thay thế xử lý nước thải

Có chế độ cho ăn hợp lý

Nếu trang trại của bạn có tải lượng hữu cơ cao, chế độ cho ăn phải là một trong những yếu tố đầu tiên cần xem xét, bởi hầu hết các chất hữu cơ được tạo ra trong ao đều từ thức ăn thủy sản. Để giảm lượng chất dinh dưỡng dư thừa, người nuôi có thể sử dụng thức ăn chất lượng tốt, thực hiện các biện pháp cho ăn phù hợp, cụ thể là cho ăn đúng lượng và đúng thời điểm.

Khẩu phần ăn được tối ưu hóa có thể giữ cho tải lượng hữu cơ của nước nuôi trong phạm vi bình thường.

 

Sử dụng ao lắng

Một trong những cách hiệu quả nhất để giảm chất rắn lơ lửng từ nước thải là sử dụng ao lắng. Nước thải từ ao nuôi thương phẩm sẽ được chuyển qua ao lắng. Nước sẽ lắng trong một thời gian, vì vậy các chất rắn lửng lơ và chất thải hữu cơ có thể bị giữ lại thay vì thải ra môi trường. Sau đó, nước thải đầu ra được thoát ra ngoài qua kênh xả thải. Bằng cách sử dụng phương pháp này, nguồn nước thải có thể giảm đến 90% chất rắn lửng lơ. Kích thước ao lắng thường bằng 10 – 15% tổng kích thước ao nuôi.

 

Xi phông đáy ao và thay nước

Trong quá trình nuôi, nên giảm lượng chất hữu cơ có chứa amoniac trong nước bằng cách xi phông đáy ao. Tải trọng hữu cơ lắng xuống dưới dạng bùn đáy ao có thể được hút thường xuyên để giảm nồng độ amoniac. Điều này vừa có lợi cho việc duy trì chất lượng nước tốt trong suốt chu kỳ nuôi, vừa đảm bảo nước thải đầu ra có tải lượng hữu cơ thấp. Tương tự vậy, thay nước là một cách tốt để ngăn chặn tải lượng hữu cơ tích tụ và gây ra các vấn đề về sức khỏe ở tôm và ô nhiễm môi trường. Tránh thay nước trước 30 – 40 ngày nuôi đầu (DOC) để duy trì chất lượng nước ổn định. Nên thay từ 10 – 30% nước hàng ngày và tăng dần vào cuối chu kỳ nuôi. Điều quan trọng là cần sử dụng nước đã qua xử lý để tránh đưa mầm bệnh từ nguồn nước tự nhiên vào ao nuôi.

 

Sử dụng các kỹ thuật xử lý sinh học

Một phương pháp xử lý sinh học là sử dụng vi khuẩn có lợi, hoặc chế phẩm sinh học để xử lý nước thải. Các chủng vi khuẩn như Bacillus, Pseudomonas, Acinetobacter, Cellulomonas, Rhodopseudomonas, NitrosomonasNitrobacter, tạo điều kiện phân hủy nhanh chóng các hợp chất hữu cơ khác nhau trong nước và giảm tải lượng hữu cơ. Đồng thời, vi khuẩn sẽ cạnh tranh với các mầm bệnh cơ hội và ức chế sự phát triển của chúng. Điều này giúp ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh sang vùng nước xung quanh. Trước khi xả nước, người nuôi có thể sử dụng chế phẩm sinh học sau xử lý, chúng cho phép hoạt động như chất xử lý sinh học.

 

Tạo hệ thống biofloc

Phương pháp quản lý chất thải khác là sử dụng hệ thống biofloc . Đây là một hệ thống mới, đang dần phổ biến. Trong hệ thống biofloc, quá trình trao đổi nước bị hạn chế hoặc bị loại bỏ và nước được duy trì ở tỷ lệ cacbon trên nitơ (C/ N) cân bằng bằng cách bổ sung các nguồn cacbon bên ngoài, chẳng hạn như mật đường. Mục tiêu là để kích thích sự phát triển của các cộng đồng vi sinh vật sẽ đông tụ lại thành các bông. Các flocs chuyển đổi amoniac và các hợp chất hữu cơ khác trong nước thành thức ăn tiêu thụ cho tôm. Điều này dẫn đến chất lượng nước tốt hơn và ít mầm bệnh sinh sôi trong nước. Hạn chế hoặc không thay nước cũng làm giảm đáng kể lượng nước thải ra.

 

Nuôi ghép

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nuôi ghép có thể làm giảm tác động đến môi trường của trại nuôi tôm. Thông qua hệ thống nuôi ghép, một loài cụ thể có thể ăn chất thải từ các hoạt động nuôi tôm, làm cho nó trở thành một phương pháp đầy hứa hẹn để sản xuất tôm bền vững. Có rất nhiều loài có thể làm được điều này. Phương pháp nuôi ghép tôm – rô phi tuần tự hoạt động bằng cách thả cá rô phi trưởng thành hoặc cá con trong ao sau xử lý. Chúng bị bỏ lại để gặm nhấm chất thải trong một thời gian trước khi nước thải ra môi trường. Tương tự như cá rô phi, cá măng có thể được thả vào các ao sau xử lý để ăn chất thải trong nước trước khi thả nước ra môi trường. Trước khi thả nước ra khỏi ao nuôi thương phẩm, người nuôi có thể sử dụng rong biển làm bộ lọc sinh học trong ao nuôi sau xử lý. Rong biển sau đó được để lại để ăn chất thải trước khi thải ra ngoài. Chúng cũng có thể được sử dụng trong một hệ thống tuần hoàn, nơi có các bể riêng chứa đầy rong biển làm bộ lọc sinh học.

 

Sử dụng rừng ngập mặn làm vùng đệm

Rừng ngập mặn cũng có thể xử lý nước thải thông qua khả năng hấp thụ và sử dụng các chất dinh dưỡng và chất hữu cơ từ các hoạt động nuôi tôm. Rừng ngập mặn có thể được sử dụng như một vùng đệm hoặc vành đai bảo vệ giữa các khu vực canh tác và đại dương. Trước khi chảy ra biển, nước thải từ trại nuôi tôm đi qua rừng ngập mặn. Khi ở trong môi trường đó, các chất rắn lơ lửng lắng xuống và các chất dinh dưỡng được hấp thụ. Điều này dẫn đến sản lượng ít ô nhiễm hơn.

Hiểu Lam (Lược dịch)