Bột trứng: Nguồn protein tiềm năng trong nuôi tôm

[Người Nuôi Tôm] – Bột trứng với hàm lượng phong phú các chất dinh dưỡng thiết yếu, được kỳ vọng sẽ trở thành một nguồn protein thay thế bền vững cho bột cá trong thức ăn nuôi tôm.

Bột trứng là nguồn nguyên liệu tiềm năng thay thế bột cá trong thức ăn tôm

 

So sánh thành phần dinh dưỡng giữa các nguồn protein

Các nguồn protein từ biển như bột cá và bột mực, từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong thức ăn cho tôm nhờ thành phần axit amin chất lượng cao, khả năng tiêu hóa và các axit béo có lợi. Cả nguồn protein từ biển và bột trứng đều có thành phần dinh dưỡng tương đồng nhau về độ ẩm, protein thô và chất xơ thô. Tuy nhiên, điểm khác biệt đáng chú ý là bột trứng có hàm lượng chất béo cao hơn và hàm lượng tro thấp hơn so với các nguồn protein biển.

Thành phần lipid trong bột trứng đặc biệt có lợi, vì nó chứa các lipid sinh học như cholesterol và phospholipid, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và tăng trưởng của tôm.

Khác với các loài thủy sản nuôi biển, tôm thẻ chân trắng không thể tổng hợp cholesterol de novo (Teshima & Kanazawa, 1971; Su et al., 2023). Do đó, tôm phải phụ thuộc vào cholesterol từ chế độ ăn, với yêu cầu thường dao động từ 0,2 – 1,0% trong khẩu phần (Castille et al., 2004). Bột trứng với hàm lượng cholesterol phong phú và chi phí hợp lý, có khả năng đáp ứng những nhu cầu dinh dưỡng này, đồng thời giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào các bổ sung cholesterol tinh khiết đắt đỏ.

 

Tiềm năng từ cholesterol và phospholipid trong bột trứng

Một trong những lợi thế dinh dưỡng đáng kể của bột trứng là hàm lượng cholesterol cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc thiếu cholesterol trong chế độ ăn của tôm dẫn đến hiệu suất tăng trưởng giảm và tỷ lệ tử vong cao hơn (National Research Council, 2011). Trong các khẩu phần ăn có hàm lượng bột cá thấp chứa ít cholesterol hơn, nên thường cần bổ sung cholesterol tinh khiết hoặc các thành phần giàu cholesterol khác để đảm bảo sự tăng trưởng tối ưu (Coutteau et al., 2002). Tuy nhiên, cholesterol tinh khiết có giá thành khá cao, trong khi bột trứng lại mang đến một lựa chọn thay thế vừa tiết kiệm chi phí mà vẫn đạt hiệu quả tương đương (Tuna Keleştemur et al., 2022).

Bột trứng cũng giàu phospholipid, đặc biệt là phosphatidylcholine (PC), đã được chứng minh là hỗ trợ sự phát triển và sống sót của tôm trong giai đoạn đầu. Tôm juveniles và ấu trùng Penaeus vannamei có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn về phospholipid, do tốc độ tăng trưởng nhanh và tổng hợp nội sinh không đủ (Coutteau et al., 1996). Việc bổ sung phospholipid ở mức từ 0,5 – 1,5% đã được chứng minh là cải thiện đáng kể sự tăng trưởng và tỷ lệ sống sót ở tôm juveniles. Bột trứng với hàm lượng phospholipid tự nhiên phong phú, hoàn toàn đáp ứng những yêu cầu này, biến nó thành một thành phần tiềm năng cho thức ăn tôm.

Bột trứng có hàm lượng cholesterol cao (Ảnh: St)

 

Các hợp chất sinh học nâng cao sức khỏe tôm nuôi

Bột trứng không chỉ đóng vai trò là nguồn protein thay thế mà còn cung cấp các hợp chất sinh học có thể nâng cao sức khỏe của tôm. Sự hiện diện của các chất chống oxy hóa như lutein và zeaxanthin, cùng với các protein kháng khuẩn như ovotransferrin và ovomucin, góp phần cải thiện khả năng kháng bệnh và chức năng miễn dịch ở tôm.

Bột trứng là nguồn cung cấp astaxanthin (Ax) dồi dào, một carotenoid có khả năng tăng cường sắc tố, cải thiện đáng kể khả năng chống chịu stress và tăng cường hệ miễn dịch của tôm, như các nghiên cứu của Merchie et al. (1998) và Pan et al. (2001) đã chỉ ra. Tôm không có khả năng tự tổng hợp astaxanthin de novo, một carotenoid thiết yếu, vì vậy chúng phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn dinh dưỡng từ bên ngoài. Các carotenoid có trong bột trứng có thể được tôm chuyển hóa thành astaxanthin, góp phần tạo nên màu sắc hấp dẫn và nâng cao sức khỏe tổng thể (Hertrampf & Piedad-Pascual, 2000). Lipid trong lòng đỏ trứng không chỉ là nguồn năng lượng dồi dào mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện sức khỏe tổng thể của tôm. Nhờ đó, bột trứng đã được chứng minh là một thành phần thức ăn đa chức năng, vừa cung cấp protein, lipid, vừa nâng cao hiệu quả nuôi trồng (Kiosseoglou, 2003; Zorriehzahra et al., 2016).

 

Đánh giá ấu trùng Penaeus monodon được bổ sung bột trứng

Một nghiên cứu toàn diện được thực hiện bởi Phòng thí nghiệm Nuôi trồng Thủy sản & Trung tâm Tham khảo Artemia, Đại học Ghent, nhằm đánh giá tác động của bột trứng ACTIPRO 44EP đối với sự tăng trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng tôm sú. Nghiên cứu này tập trung vào việc khám phá khả năng thay thế một phần các loại thức ăn chứa bột cá bằng bột trứng.

 

Vật liệu và phương pháp

Thí nghiệm kéo dài 4 tuần đã được thực hiện trên ấu trùng tôm sú khỏe mạnh (Penaeus monodon) để đánh giá tác động của bột trứng ACTIPRO 44EP. Ba chế độ ăn khác nhau, bao gồm chế độ đối chứng và hai chế độ bổ sung bột trứng ở mức độ khác nhau (12,5% và 19%), đã được thiết kế. Thí nghiệm được thực hiện theo thiết kế khối ngẫu nhiên, với mỗi chế độ ăn được nuôi trong 5 bể nuôi riêng biệt.

 

Kết quả

Kết quả thí nghiệm cho thấy bột trứng có tác động tích cực đến tăng trưởng của tôm hậu ấu trùng. Mặc dù tỷ lệ sống sót của tất cả các nhóm đều tương đương, đạt khoảng 85%, tôm được nuôi bằng chế độ ăn chứa 12,5% bột trứng lại có trọng lượng và tỷ lệ tăng trưởng cụ thể (SGR) cao nhất, đạt 9,8%. Điều này cho thấy bột trứng có tiềm năng trở thành một thành phần quan trọng trong thức ăn cho tôm (Bảng 1).

Bảng 1: Kết quả thí nghiệm

 

Thí nghiệm đã chứng minh khả năng của bột trứng trong việc thay thế một phần các nguồn protein truyền thống trong thức ăn tôm. Liều lượng 12,5% bột trứng đã cho thấy hiệu quả tăng trưởng tốt nhất, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định liều lượng tối ưu để tận dụng tối đa lợi ích của bột trứng mà không gây tác dụng phụ.
Việc bổ sung bột trứng vào thức ăn cho tôm không chỉ là một giải pháp thay thế bền vững cho các nguồn protein truyền thống từ biển mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Các hợp chất sinh học hoạt tính trong bột trứng giúp tăng cường sức khỏe tôm, cải thiện chức năng miễn dịch, sắc tố và khả năng chống stress, cải thiện chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của ngành tôm.

Vương Hằng (Theo Aquafeed)