Bấp bênh mô hình lúa tôm

Hiện nay, người dân các tỉnh ven biển ĐBSCL chuẩn bị cho vụ lúa trên đất nuôi tôm, đây là mô hình được đánh giá bền vững, thích nghi với biến đổi khí hậu… Tuy nhiên, do hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ nên sản xuất theo mô hình này còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, dẫn đến rủi ro cho nông dân.

Do hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh, nên người dân sản xuất lúa tôm tại ĐBSCL còn bấp bênh

 

Tại tỉnh Kiên Giang, nhiều hộ dân cho biết, năm nay thời tiết đầu vụ tương đối thuận lợi khi lượng mưa khá. Bà Nguyễn Thị Xuân, ngụ xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, nói: “Thời tiết thuận lợi nên vuông tôm đã rửa mặn gần xong, vài ngày nữa là xuống giống. Năm nay, tôi tiếp tục chọn loại giống ST24 gieo sạ. Nhưng tôi vẫn lo, bởi đầu năm ngoái thời tiết cũng thuận lợi nhưng cuối vụ thì thất mùa…”.

Ông Võ Hoàng Nguyên, Trưởng phòng NN-PTNT Vĩnh Thuận, cho biết, theo kế hoạch huyện sản xuất 10.000ha lúa tôm. “Khi làm lúa trên đất tôm thì giúp đất màu mỡ hơn, nuôi tôm cũng trúng hơn. Do đó, tôm và lúa đều phát triển tốt. Tuy nhiên, hệ thống thủy lợi chưa khép kín, nguồn nước ngọt phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời”, ông Nguyên nói.

Tại Cà Mau, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó phòng NN-PTNT huyện Thới Bình, cho biết, huyện là địa phương có diện tích lúa tôm lớn nhất tỉnh, kế hoạch sản xuất hơn 18.000ha. “Để chủ động sản xuất vụ mới, huyện có đề xuất với tỉnh đầu tư hệ thống thủy lợi khép kín một số tiểu vùng, trong đó có khu vực xã Trí Lực khoảng 3.500ha. Tuy nhiên, do nguồn vốn khó khăn nên chưa thực hiện được”, ông Phúc nói.

Theo kế hoạch của tỉnh, tổng diện tích xuống giống lúa tôm năm nay khoảng 36.000ha; chia làm 2 đợt (đợt 1: từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 9-2021; đợt 2: từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 11). Tùy vào điều kiện thời tiết diễn biến ở từng vùng, độ mặn giảm đảm bảo… mà người dân chọn xuống giống vào thời điểm thích hợp.

Tại tỉnh Bạc Liêu, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Xuân Thu Vân, việc đầu tư hạ tầng vùng sản xuất lúa tôm của xã Phong Thạnh A nằm trong dự án xây dựng vùng sản xuất lúa tôm ổn định của thị xã Giá Rai, đang trong giai đoạn thi công với tổng mức 111 tỷ đồng. “UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh thi công, phối hợp với UBND thị xã Giá Rai trong giải phóng mặt bằng để dự án sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, dự kiến giữa năm 2022. Qua đó, phục vụ sản xuất một vụ lúa, một vụ tôm”, bà Cao Xuân Thu Vân thông tin.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, nêu thực tế: Hiện tại, hầu hết diện tích sản xuất lúa tôm trong vùng chưa được đầu tư hệ thống thủy lợi chu đáo, đa số là kênh rạch hở; do đó khi nắng hạn đến sớm thì mặn sẽ xâm nhập vào nội đồng gây thiệt hại nặng. Dù vậy, tỉnh Cà Mau đang trong quá trình thực hiện điều chỉnh quy hoạch, trong đó có tích hợp quy hoạch sản xuất nông nghiệp và thủy sản.

“Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 đã đầu tư gần xong. Vì vậy, Bộ NN-PTNT cần rà soát và điều chỉnh các quy hoạch thủy lợi để đáp ứng kịp thời nhu cầu nước tưới tiêu, đảm bảo sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, sớm đầu tư xây dựng các hạng mục công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 2. Qua đó, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp nói chung và mô hình lúa tôm nói riêng”, ông Hoai kiến nghị.

Tấn Thái

Nguồn: Sài Gòn Giải phóng

Tin mới nhất

T6,22/11/2024