Bạc Liêu: Lợi ích kép từ nuôi tôm tuần hoàn khép kín

Thời gian qua, tại nhiều địa phương của tỉnh Bạc Liêu, việc ứng dụng mô hình nuôi tôm tuần hoàn khép kín đã được triển khai và mang lại hiệu quả tích cực, giúp tiết kiệm chi phí, đồng thời, không xả thải nước ra kênh rạch làm ô nhiễm môi trường.

Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có hơn 140.000 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 21.000 ha nuôi thâm canh và trên 5.000 ha nuôi siêu thâm canh với 21 doanh nghiệp và 650 hộ cá nhân.

Theo tính toán của ngành tài nguyên – môi trường, thông thường các ao nuôi tôm công nghiệp có độ sâu hơn 1,3 – 1,5 m. Như vậy, với hơn 20.000 ha nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp ở khu vực ven biển, mỗi vụ sẽ phát sinh khoảng 2.600 triệu m³ nước thải ra môi trường.

Trước thực tế đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn Bạc Liêu đã ứng dụng mô hình nuôi tôm theo hướng tuần hoàn khép kín, giúp tiết kiệm chi phí, vừa không xả thải ra kênh rạch làm ô nhiễm môi trường.

Điển hình là hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu) với mô hình nuôi tuần hoàn khép kín bằng công nghệ sinh học để sản xuất tôm sạch, hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Hay Công ty TNHH Công nghệ sinh học Trúc Anh (xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu) với mô hình nuôi mới theo hướng tuần hoàn nước, hầu như không dùng nước bên ngoài, đã giúp tôm lớn nhanh hơn so với cách nuôi thông thường.

Theo Chi cục Thủy sản Bạc Liêu, đến năm 2023, mô hình này chiếm lượng lớn ở địa phương với khoảng 80% số hộ nuôi. Nhờ đó, tình trạng nuôi tôm xả thải trực tiếp ra kênh rạch đã giảm đi đáng kể.

Nguồn: Vasep.com.vn

Tin mới nhất

CN,10/11/2024