Áp lực canh tranh lớn, tôm Việt chưa thể lạc quan

Kết quả hoạt động ngành tôm ở quý I tuy có tín hiệu lạc quan, kim ngạch xuất khẩu tăng 20% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tín hiệu này chưa nói lên mức độ lạc quan trong bối cảnh chung đầy bất trắc.

Mới đây, ông Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta đã có những chia sẻ về thách thức mà ngành tôm Việt Nam phải đối mặt. Theo đó, về chủ quan, phía nguyên đơn từ Hoa Kỳ khởi kiện chống trợ cấp (CVD) lên ngành tôm Việt Nam vào cuối năm ngoái; và cuối tháng 3 vừa rồi, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố mức thuế sơ bộ vụ kiện này là 2,84%.

Theo ông Lực, mức thuế này thấp hơn so mức thuế tương ứng từ ngành tôm Ấn Độ và Ecuador nhưng lại là lực cản không nhỏ, vì lâm vào vụ kiện tranh chấp thương mại ở Hoa Kỳ là vướng vào một tình huống phức tạp và khả năng kéo dài và rủi ro vô chừng. Tuy nhiên, chúng ta còn chút niềm tin khi tới đây DOC qua Việt Nam phúc thẩm, nếu mức thuế này giảm dưới 2% thì vụ kiện có thể bị hủy bỏ. Nếu ngược lại, thì lối dẫn tôm Việt vào đây càng thu hẹp.

Một bất lợi chủ quan nữa là giá thành tôm ta cao quá, đội giá thế giới. Điều đó xuất phát từ tỷ lệ nuôi thành công của ta quá thấp. Nguyên nhân vì sao tỷ lệ nuôi thành công thấp lại là kết quả tất yếu của nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan khác.

Đó là chất lượng tôm giống, đó là quy trình nuôi, đó là quy mô nuôi nhỏ lẻ đầy bất lợi, đó là người nuôi thiếu vốn trầm trọng, đó là nuôi tự phát phá vỡ quy hoạch khiến thủy lợi và các nền tảng hạ tầng khác không kịp thời đáp ứng khiến các ao nuôi không đủ nước sạch nuôi thậm chí các cơ sở nuôi còn gây nhiễm khuẩn, nhiễm bệnh chéo cho nhau. Mới đây và hiện tại, con giống đứng trước thách thức nhiễm khuẩn mới (TPD) chưa có phác đồ phòng chống hiệu quả.

Ông Lực nói thêm về các yếu tố khách quan, cuộc cách mạng ngành tôm ở Ecuador đã thu quá nhiều lợi ích và đang tiếp diễn. Áp lực này quá lớn vì giá bán tôm của họ quá thấp và nhất là sản lượng tôm của họ không ngừng tăng trưởng. Tôm Ấn Độ cũng rất cạnh tranh vì thấp hơn tôm Việt về giá.

Tôm Indonesia thêm lợi thế là ngành tôm họ đã chứng minh được với DOC là không nhận trợ cấp từ Chính phủ nên không bị thuế CVD. Sau khi có mức thuế CVD và AD chính thức, có lẽ việc phân chia lại cái bánh thị trường thêm phức tạp.

Khó khăn nữa là phía Hoa Kỳ công bố sẽ tăng cường việc truy xuất nguồn gốc các lô tôm ta bán vào đây theo chương trình khai báo SIMP. Trong khi do bối cảnh nào đó, các cơ quan chức năng của ta đánh mã số cơ sở nuôi tôm rất chậm, tới giờ chưa được 1/10, có nghĩa là gây khó khăn trong việc khai báo ao nuôi và suy ra có nghĩa là tôm ta phần nhiều không có xuất xứ rõ ràng.

Khó khăn này, các cơ quan chức năng đang có nhiều nỗ lực nhưng chưa có nhiều kết quả. Nguyên nhân do chủ quan hay khách quan thuộc thẩm quyền cơ quan đề ra quy định có phù hợp thực tế hay do cách thực thi, chưa rõ lắm. Điều này khiến các doanh nghiệp chế biến dài cổ mà trông chờ.

Trong hoàn cảnh đầy thách thức như vậy, VASEP đã liên tục có các cuộc họp bàn kế sách ứng xử. Vụ kiện CVD tạm thời chờ đợi cuối tháng 5 và đầu tháng 6 DOC cử người qua ta thẩm tra hồ sơ để có phán quyết cuối cùng. Vụ kiện chống bán phá giá (AD) trước mắt bàn giải pháp thương lượng đình chỉ thêm để các DN chúng ta chuẩn bị hồ sơ, sổ sách tốt hơn cho con đường lâu dài.

Ông Lực cho rằng, kết quả hoạt động ngành tôm ở quý I tuy có tín hiệu lạc quan, kim ngạch xuất khẩu tăng 20% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tín hiệu này chưa nói lên mức độ lạc quan trong bối cảnh chung đầy bất trắc như nêu trên. Tất cả trông chờ vào thiện chí của các bên trong việc xây dựng chuỗi giá trị con tôm an toàn, bền vững hơn.

Thanh Lâm

Báo Sài Gòn Giải Phóng

Tin mới nhất

T7,05/10/2024