Ao tôm trơ đáy vì nắng nóng, nông dân bán tháo để cắt lỗ

Giá vật tư tăng cao, trong khi giá tôm giảm cộng với thời tiết diễn biến bất lợi khiến người nuôi tôm không còn mặn mà để tái sản xuất.

Nhiều hồ tôm tại xã Hoằng Yến phơi đáy vì nắng nóng. Ảnh: Quốc Toản (NNVN)

Người bán tôm non, người cho thuê ao nuôi

Nắng nóng táp vào mặt người đến ngộp thở. Con đường dẫn vào khu nuôi tôm công nghiệp tại xã Hoằng Yến không một bóng người qua lại. Phía trong các ao nuôi luôn có người túc trực điện đóm, sẵn sàng chống nóng cho tôm nếu xảy ra mất điện.

Hơn nửa tháng nay, người nuôi tôm tại xã Hoằng Yến (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) quay cuồng với nắng nóng do việc cắt điện luân phiên. Người nuôi tôm đứng trước một vụ tôm ảm đạm. Nhiều hộ dân phải bán tôm non để cắt lỗ.

Trang trại tôm rộng khoảng 1ha của gia đình ông Nguyễn Đình Giáp còn lại 2 công nhân trông coi, bảo quản tài sản. Mặc dù đây là thời điểm chính vụ, nhưng trại tôm này im ắng đến lạ. Gia đình ông Giáp có 8 ao nuôi thì có tới 5 ao đã “phơi” đáy.

Bà Thảo (công nhân trại tôm) ngồi lọt thỏm giữa căn nhà cũ được tận dụng làm chòi canh, khuôn mặt thẫn thờ, thở dài mà rằng: “Chưa năm nào thời tiết nắng nóng kéo dài như năm nay. Có ngày tôm chết cả yến, bán thì không ai mua, ăn thì không xuể”.

Ông Nguyễn Đình Giáp (chủ trại tôm) cả tuần nay không đến trang trại, phần vì hết việc làm, phần vì phải dưỡng bệnh. Vụ tôm này, ông Giáp đầu tư hơn 100 triệu đồng tiền tôm giống. Sau 3 tháng nuôi, chủ trại tôm phải bán tống, bán tháo để cắt lỗ.

“Thời tiết diễn biến bất thường, nhiệt độ môi trường tăng cao khiến nồng độ oxy trong nước giảm mạnh. Vì thế, tôm sẽ phát triển chậm hoặc chết dần. Mặt khác, người nông dân khó duy trì ao nuôi vì giá tôm thấp, trong khi giá vật tư đầu vào và chi phí nhân công tăng cao”, ông Giáp chia sẻ.

Ông Giáp bảo, thời điểm này càng nuôi tôm càng lỗ. Giá tôm cách đây chục ngày ông Giáp bán cho thương lái dao động từ 85 – 87 nghìn đồng/kg (1kg tôm tương đương 100 con), giảm gần một nửa so với trước đây. Bên cạnh đó, mỗi ngày ông Giáp phải cấp bù cả triệu tiền dầu do việc cắt điện luân phiên thường xuyên xảy ra. Ông Giáp nhẩm tính, vụ tôm này, gia đình lỗ khoảng 250 triệu đồng.

Nhiều thiết bị công nghệ được đầu tư lớn bị vứt chỏng chơ trong ao nuôi. Ảnh: Quốc Toản (NNVN)

Dọc thôn Sơn Trang (xã Hoằng Yến) có hàng chục ao nuôi “phơi” đáy. Nhiều thiết bị công nghệ được đầu tư tiền tỷ để vận hành ao nằm chỏng chơ giữa cái nắng 40 độ C. Số tiền hơn 2 tỷ đồng mà ông Giáp bỏ ra để đầu tư ao nuôi có nguy cơ hoang phế vì thời điểm này trại tôm không có nhu cầu sử dụng.

Ông Giáp cho biết thêm, sẽ nhượng lại ao nuôi cho các hộ dân khác có nhu cầu, vì chưa thể xoay sở nguồn lực để tái đầu tư và cũng bởi đây là thời điểm thời tiết diễn biến bất thường.

Trại tôm của bà Đinh Thị Hà may mắn hơn ông Giáp vì 5 ao nuôi tôm của gia đình đã gỡ được vốn đầu tư, trong bối cảnh người nuôi tôm đang gặp khó nhiều bề.

“Vụ này, hầu như nhà nào nuôi tôm cũng lỗ vì thời tiết cực đoan và chi phí nuôi tăng cao. Nếu trời nắng, mưa nắng thất thường, tôm sẽ chết do môi trường trong ao bị thay đổi. Nông dân nếu không bán tôm sớm thì chết cả ao.

Nhà tôi nuôi trước các hộ nên bán tôm được giá, nhưng không bằng được so với tôm nuôi đủ ngày, đủ tháng. Nếu để nuôi thêm một thời gian nữa chắc chắn lỗ chỏng vó. Các chú cứ đi dọc khu này thì biết, còn mấy hộ duy trì được ao nuôi đâu”, bà Hà chia sẻ.

Bà Hà cho biết thêm: “Gia đình sẽ cải tạo ao nuôi để thả giống vào tháng 8. Với thời tiết bất lợi như hiện nay, người nông dân càng nuôi càng lỗ”.

Bù lỗ do chi phí tăng

Nắng nóng kéo dài không chỉ gây thiệt hại cho tôm mà còn khiến chi phí chăm sóc của các hộ nuôi tăng cao. Xã Hoằng Yến là vùng chuyên canh nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp của huyện Hoằng Hóa, nên hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản phải sử dụng máy sục oxy để bảo vệ ao tôm.

Năm nay, do thời tiết nắng nóng kéo dài, tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên diễn ra trên phạm vi rộng. Nhiều hộ đã phải mua sắm thêm máy phát điện để duy trì ao nuôi. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí vận hành trại tôm bằng máy phát điện tăng gấp đôi so với thời điểm bình thường.

Ông Trần Văn Trung (thôn Nghĩa Thục, xã Hoằng Yến) cho biết, chi phí đầu tư vụ tôm này khá tốn kém do phụ phí tăng cao: “Những ngày cắt điện luân phiên, toàn bộ hệ thống bể lọc nước, quạt nớc, máy bơm đều được vận hành bằng máy phát điện. Trung bình 1 tiếng chạy máy phát điện tiêu tốn khoảng 7 – 10 lít dầu. Có đợt mất điện cả ngày, cả đêm, máy phát điện chạy liên tục không ngừng nghỉ. Chi phí mua dầu tăng gấp đôi so với việc dùng điện những ngày bình thường”.

Không chỉ trại tôm của gia đình anh Trung, nhiều hộ dân khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Một số hộ dân vẫn cố gắng cầm cự, duy trì ao nuôi với hy vọng giá tôm lên cao.

Ông Đinh Xuân Hải (thôn Sơn Trang, xã Hoằng Yến) có 12 ao nuôi tôm với diện tích hơn 6ha. Theo tính toán của ông Hải, mỗi ngày trại tôm của ông tiêu tốn thêm 10 triệu đồng từ việc chạy máy phát điện và các chi phí phát sinh khác.

“Đã nuôi công nghiệp nếu thiếu điện tôm sẽ chết. Tôm không chết ngay lập tức nếu thiếu oxy, nhưng sẽ chết dần vì cơ thể yếu đi và chán ăn dẫn đến nhiễm bệnh. Bởi vậy, nếu không dự phòng máy phát điện thì nông dân sẽ thiệt hại nặng. Vụ tôm này nông dân hòa vốn là may mắn lắm rồi”, ông Hải cho biết.

Ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Yến cho biết, địa phương có khoảng 10ha ao nuôi bị bỏ không, do thời tiết nắng nóng, ảnh hưởng tới môi trường nuôi. Bên cạnh đó, giá tôm đang giảm, khiến người nuôi chưa mặn mà để tái đầu tư.

Trước diễn biến bất lợi của thời tiết, Sở NN-PTNT Thanh Hóa đã có văn bản gửi các huyện, thị xã, thành phố về việc cảnh báo nắng nóng và giải pháp khắc phục trong nuôi trồng thủy sản năm 2023, trong đó có việc nuôi tôm nước lợ.

Cụ thể: Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước, kiểm soát mật độ tảo, ổn định pH và độ kiềm, giảm hàm lượng khí độc H2S, NH3, NO2 và kiểm soát mật độ vi khuẩn Vibrio; duy trì mực nước trong ao từ 1,2 – 1,5m để giữ ổn định nhiệt độ, pH, độ mặn và độ kiềm trong ao.

Đối với các ao có màu nước vàng đậm hoặc xanh đậm, thể hiện sự tích tụ các chất dinh dưỡng dư thừa tăng lên, tảo phát triển mạnh hơn thì tăng cường quạt khí về đêm và sáng sớm nhằm đảm bảo oxy hòa tan trong ao, đáp ứng nhu cầu của tôm nuôi và các phản ứng hóa học xảy ra trong ao.

Thường xuyên kiểm tra thức ăn để điều chỉnh cho phù hợp, tránh dư thừa. Tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng, vi sinh đường ruột, chất bổ gan trộn vào thức ăn cho tôm ăn.

Dự trữ nước sạch trong ao lắng để cung cấp hoặc thay thế một phần ao nuôi khi cần thiết. Hạn chế đánh bắt và vận chuyển tôm khi thời tiết nắng nóng…

Trần Quốc Toản

Nguồn: Nongnghiep.vn

Tin mới nhất

T2,25/11/2024