Bị “thẻ vàng”, lô hàng cá ngừ Việt Nam tốn thêm thời gian và chi phí

Ba thị trường NK lớn nhất trong khối là Đức, Hà Lan và Italy. Trong quý này, XK sang cả 3 thị trường đều tăng lần lượt là 21,8%, 46% và 4% so với cùng kỳ năm 2017.

So với cùng kỳ năm ngoái, XK các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam sang EU đều tăng, trừ cá ngừ đóng hộp. Đáng chú ý, XK các sản phẩm cá ngừ chế biến khác của Việt Nam sang thị trường này tăng ấn tượng 332%, đạt gần 6 triệu USD. Thăn/philê cá ngừ là sản phẩm XK chủ lực EU trong giai đoạn này chiếm 40% tổng giá trị XK.

CƠ CẤU SẢN PHẨM CÁ NGỪ XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM SANG EU (Đơn vị: USD)
Sản phẩm T1-3/2018 T1-3/2017 So với năm 2017 (%)
Cá ngừ mã HS16 (1) 14.887.839 11.591,404 28,4
Cá ngừ đóng hộp (thuộc mã 16) 8.898,007 10.204.738 -12,8
Cá ngừ chế biến khác (thuộc mã 16) 5.989.832 1.386.666 332,0
Cá ngừ mã HS03 (2) 19.660.893 16.005.095 22,8
Cá ngừ sống/tươi/đông lạnh/ khô (thuộc mã 03) (trừ cá thuộc mã 0304) 5.924.380 5.845.544 1,3
Cá ngừ thuộc mã 0304 (trừ sản phẩm chả cá và surimi) 13.736.513 10.159.551 35,2
Tổng XK cá ngừ (1+2) 34.548.732 27,596,99 25,2
Nguồn:Tổng cục Hải quan Việt Nam

 

Theo các DN, thông thường việc cảnh báo thẻ vàng sẽ làm hạn chế XK của nước bị cảnh báo sang EU. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu để sản xuất XK từ trong nước không nhiều, chủ yếu là từ nguồn NK nên thời gian qua các Việt Nam vẫn đẩy mạnh được XK cá ngừ sang EU. Việc sử dụng cá ngừ nguyên liệu NK đạt quy chuẩn từ các tàu khai thác quốc tế giúp DN thuận lợi hơn trong việc hoàn tất bộ chứng từ theo yêu cầu của EU về IUU.

Còn theo các nhà NK EU căn cứ vào tình trạng IUU của Thái Lan, nước đã bị cảnh báo thẻ vàng trong 2 năm qua, cộng với nỗ lực của chính phủ và cộng đồng DN nhằm chống khai thác IUU, việc cảnh báo thẻ đỏ với Việt Nam sẽ không diễn ra ngay lập tức. Do đó, tình trạng IUU của Việt Nam không làm thay đổi về hoạt động thương mại giữa các nước EU và Việt Nam. Nhưng việc cảnh báo có thể làm tăng nguy cơ các lô hàng bị trả về nếu các DN không chứng minh được tính minh bạch về nguồn gốc khai thác của lô hàng, đồng thời các lô hàng cá ngừ của Việt Nam khi xuất sang sẽ tốn thêm chi phí và thời gian để kiểm tra về nguồn gốc.

Ngoài ra, do đầu năm EU vẫn áp dụng hạn ngạch miễn thuế NK cho 25.000 tấn thăn/philê cá ngừ hấp chín từ các nước thứ 3 – không có thỏa thuận thương mại với EU như Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc… Nên các DN Việt Nam đang tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh XK các sản phẩm tấn thăn/philê cá ngừ hấp chín.

Dự kiến thẻ vàng sẽ là một trở ngại trong tiến trình tiến tới FTA với EU của Việt Nam. Do đây là cách EU dùng để loại trừ bất kỳ vấn đề tiềm ẩn nào trong ngành thủy sản của nước XK trước khi ký Hiệp định Thương mại tự do song phương (FTA).

Nguyễn Hà