Thanh Hóa: Mô hình “Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh công nghệ cao” giúp phát triển bền vững, thân thiện môi trường

Nuôi tôm công nghệ cao là phương pháp nuôi tôm ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tự động hóa và công nghệ sinh học để tăng năng suất, giảm rủi ro dịch bệnh, bảo vệ môi trường và tối ưu chi phí sản xuất. Mô hình “Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh công nghệ cao” là một trong những mô hình đã được nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thực hiện, đây là xu hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ứng dụng công nghệ cao ở xã Hoằng Châu, tỉnh Thanh Hóa

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ứng dụng công nghệ cao ở xã Hoằng Châu, tỉnh Thanh Hóa

Hiệu quả trong sản xuất và thân thiện môi trường.

Theo thống kê, toàn tỉnh Thanh Hóa có diện tích nuôi trồng thủy sản là 19.200ha và 5.740 ô lồng, trong đó có 14.000ha diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt chủ yếu là: Cá trắm, trôi, chép, rô phi; 4.200ha nước lợ nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua xanh, cá đối; 1.000ha nước mặn nuôi ngao.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng tác động sâu rộng đến sản xuất nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng, việc ứng dụng các mô hình nuôi hữu cơ, tuần hoàn, công nghệ cao trong nhà màng, nhà kính đang là hướng đi tất yếu đã có những bước chuyển biến tích cực theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới; nuôi tôm sú hữu cơ, nuôi tôm sú – cua xanh, cá, lươn theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học.

Như hộ ông Trương Văn Miên, ở xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa (nay là xã Hoằng Châu, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ, sau khi tham gia các lớp tập huấn của Nhà nước tổ chức, gia đình ông đã thực hiện “Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ứng dụng công nghệ cao” từ năm 2022. Ông đầu tư kinh phí xây dựng được 5 ao nuôi, mỗi ao có diện tích khoảng 500 m², khi xuống giống ông thả khoảng 40- 50 vạn con, sau khi tôm lớn dần ông bắt đầu chia tách ra các ao nuôi. Thời gian nuôi tôm kéo dài khoảng 3- 4 tháng là có thể thu hoạch, trọng lượng của con tôm là 150 – 300 gam, giá bán dao động từ 180 – 300 nghìn/1kg.

Ưu điểm mô hình này là nuôi tôm được quanh năm, khi nào có ao trống là có thể xuống giống tôm kể cả ngày mưa hay nắng, mỗi lần thu hoạch đều có thương lái đến lấy, người dân không phải mang ra chợ để bán giúp tăng năng suất và nâng cao thu nhập cho người dân. Từ khi ông áp dụng mô hình đến nay đời sống kinh tế của gia đình ông cũng ngày được cải thiện, nâng cao.

Hay hộ ông Nguyễn Ngọc Phong ở xã Hoằng Châu, tỉnh Thanh Hóa cũng đã áp dụng “Mô hìnhnuôi tôm thẻ trân trắng ứng dụng công nghệ cao từ năm 2021. Ông đã đầu tư 4 tỷ đồng để xây dựng là 10 ao nuôi, các ao nuôi có diện tích từ 140 m² – 800 m². Với quy mô như vậy, mỗi một vụ ông thu hoạch được khoảng 5 tấn tôm, cho lợi nhuận một năm lên đến gần 1 tỷ đồng.

Mô hình nuôi tôm thẻ trân trắng ứng dụng công nghệ cao giúp gia đình ông Nguyễn Ngọc Phong nâng cao thu nhập

Mô hình nuôi tôm thẻ trân trắng ứng dụng công nghệ cao giúp gia đình ông Nguyễn Ngọc Phong nâng cao thu nhập

“Từ khi làm mô hình này, tôi thấy thu nhập của gia đình ổn định, đời sống kinh tế nâng cao hơn trước vì tôm có thể xuống giống lúc nào cũng được. Mô hình cũng giúp giảm thiểu cho việc ô nhiễm môi trường vì chúng tôi đều phải xây dựng ao lắng và xử lý nước thải trước khi đưa ra môi trường”. ông Phong chia sẻ

Để người dân thực hiện mô hình nuôi tôm công nghệ cao đạt hiệu quả, hàng năm, Chi cục Biển đảo và Thủy sản – Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đều phối hợp với các địa phương tổ chức các hội nghị tập huấn, xây dựng sổ tay hướng dẫn kỹ thuật, tuyên truyền các quy định để người dân để xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường giúp bảo vệ môi trường đất, nước. Đồng thời thực hiện các phóng sự tuyên truyền mô hình điển hình trên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh để mô hình ngày càng được nhân rộng trên địa bàn.

Chính sách khuyến khích phát triển, thực hiện mô hình

Ngày 17/7/2021, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị Quyết số 20/2021/NQ-HĐND về Chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 -2025. Qua đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác , hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn đáp ứng đủ điều kiện như: bắt đầu thực hiện và hoàn thành việc ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm thẻ chân trắng trong thời gian từ ngày Nghị quyết có hiệu lực đến ngày 21/12/2025; có diện tích nuôi tôm từ 0,5ha trở lên trong nhà bạt, nhà màng hoặc nhà kính; được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản.

Công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng thuộc Danh mục công nghệ cao ban hành kèm theo Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Về tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp hoặc Quyết định số 38/2020/QĐTTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển hoặc các ứng dụng công nghệ cao khác được cơ quan có chức năng công nhận hoặc văn bản thay thế của cơ quan có thẩm quyền tại thời điểm hỗ trợ; Máy móc, thiết bị mua mới phục vụ trực tiếp cho ứng dụng công nghệ phải mới 100%, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; Áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP hoặc GlobalGAP; Đã sản xuất được ít nhất 1 vụ.

Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 30% tổng mức chi phí đầu tư, bao gồm: Chi phí mua sắm máy móc, thiết bị; chi phí chuyển giao công nghệ (nếu có); chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật như: hệ thống điện, tư vấn thiêt kế, xây dựng nhà bạt, nhà màng hoặc nhà kính; chi phí đào tạo, tập huấn kỹ thuật; chi phí chứng nhận VietGAP hoặc GlobalGAP. Mức hỗ trợ tối đa không quá 03 tỷ đồng/tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Trong nuôi tôm nước lợ, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo hướng công nghệ nghệ cao, nuôi trong nhà màng, nhà lưới đã chứng minh được tính ổn định, hiệu quả trong sản xuất. Giảm tải ô nhiễm môi trường nước; giảm sử dụng nguồn nước cấp, giảm thiểu phát thải, giảm rủi ro do thời tiết, dịch bệnh.

Nam Sơn

Nguồn: https://thuonghieucongluan.com.vn/

Tin mới nhất

T6,11/07/2025