Thủy sản Việt Nam rộng cửa tại Brazil

Theo Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), Brazil đang nổi lên như một thị trường giàu tiềm năng cho thủy sản Việt Nam, đặc biệt là cá tra. Trong năm 2024, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang quốc gia Nam Mỹ này đạt gần 130 triệu USD, tăng 14% so với năm trước – trong đó, cá tra chiếm gần như toàn bộ kim ngạch.

 

Nhu cầu lớn, nguồn cung nội địa thiếu hụt

Dù là nước nuôi trồng thủy sản lớn thứ hai tại Mỹ Latinh, Brazil vẫn phải nhập khẩu hơn 1,4 tỷ USD thủy sản mỗi năm. Sản lượng trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt với các loại thủy sản như cá hồi, cá tuyết, tôm và cá thịt trắng. Tình trạng đánh bắt quá mức càng làm giảm nguồn cung tự nhiên.

Với dân số hơn 200 triệu người và mức tiêu thụ khoảng 12 kg/người/năm – cao hơn Mỹ nhưng vẫn còn dư địa tăng trưởng – Brazil là thị trường tiềm năng lớn. Nhu cầu chủ yếu đến từ các đô thị lớn như São Paulo, Rio de Janeiro và khu vực ven biển.

Trong năm 2024, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Bzazil đạt gần 130 triệu USD, tăng 14% so với năm trước. Ảnh: ST

 

Cá tra Việt Nam chiếm ưu thế

Năm 2024, Việt Nam trở thành nhà cung cấp thủy sản lớn thứ hai cho Brazil, chiếm 17% tổng lượng nhập khẩu và dẫn đầu phân khúc cá thịt trắng với 38% thị phần. Dự báo quý I/2025, xuất khẩu sang Brazil sẽ đạt 48,2 triệu USD, tăng gần 73% so với cùng kỳ năm trước – cho thấy xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ.

Thủy sản Việt Nam, đặc biệt là cá tra, đang ghi điểm nhờ giá thành hợp lý và chất lượng ổn định. Các sản phẩm tiện lợi như cá phi lê, chả cá, cá viên hay tôm bóc vỏ có tiềm năng lớn tại các siêu thị, nhà hàng phục vụ phân khúc trung lưu tại Brazil – nơi người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng sản phẩm chế biến sẵn.

Ngoài ra, việc Brazil xem xét điều chỉnh các tiêu chuẩn nhập khẩu như giới hạn phosphate theo hướng linh hoạt hơn, đang tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu.

Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Nam Mỹ. Hai bên đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam cũng đang đàm phán với khối MERCOSUR – mà Brazil là thành viên – để hướng tới các ưu đãi thuế quan, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh so với các đối thủ như Ấn Độ hay Thái Lan.

 

Rủi ro và thách thức cần lường trước

Dù tiềm năng lớn, thị trường Brazil vẫn tồn tại nhiều rào cản. Từ giữa tháng 2/2024, nước này đã tạm dừng nhập khẩu cá rô phi do lo ngại dịch bệnh, và có thể mở rộng kiểm soát sang các loại cá khác như cá tra. Ngoài ra, việc cấm nhập tôm nguyên con đông lạnh và thủ tục hành chính rườm rà cũng là thách thức lớn. Sự cạnh tranh từ các quốc gia như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn bền vững, truy xuất nguồn gốc cũng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư bài bản hơn.

Để tăng tốc tại thị trường Brazil, các doanh nghiệp Việt cần: Theo dõi chặt chẽ các thay đổi chính sách nhập khẩu, đặc biệt là về kiểm dịch và phụ gia; Đầu tư vào chế biến sâu, phát triển sản phẩm giá trị gia tăng phù hợp xu hướng tiêu dùng tiện lợi; Chủ động tham gia xúc tiến thương mại, hội chợ ngành hàng, đồng thời tận dụng sự hỗ trợ từ Thương vụ Việt Nam tại Brazil; Đảm bảo đạt các chứng nhận bền vững quốc tế như ASC, BAP để mở rộng thị trường và nâng cao uy tín.

An Vũ

Nguồn: thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn

Tin mới nhất

T7,19/04/2025