Xuất khẩu tôm 2024: Con tôm vẫn giữ vững vị thế

[Người Nuôi Tôm] – Chưa bao giờ ngành tôm lại phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như trong năm vừa qua. Nhìn lại 11 tháng đã qua, ngành tôm đã kiên trì và nỗ lực vượt qua thử thách, khẳng định vị thế vững chắc trong xuất khẩu, là một trong những trụ cột kinh tế, đóng góp đáng kể vào sự phát triển quốc gia.

Những khó khăn chất chồng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng của năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 8.754,6 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tôm đạt 1.370 nghìn tấn, tăng 4,8%. Tính riêng tháng 11, sản lượng thu hoạch ngành tôm ước đạt 144 nghìn tấn, tăng 6,9%. Sản lượng nuôi trồng đạt 130,7 nghìn tấn, tăng 7,7%. Sản lượng khai thác đạt 13,3 nghìn tấn, bằng cùng kỳ năm trước. Sản lượng tôm tháng 11/2024 tăng so với cùng kỳ năm trước do giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng tiếp tục tăng, nên người nuôi đẩy mạnh thu hoạch. Trong đó, tôm thẻ chân trắng ước đạt 96,0 nghìn tấn, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú ước đạt 26,1 nghìn tấn, tăng 5,7%.

Tuy nhiên, năm qua, ngành tôm đã phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Sự biến động của thị trường, đặc biệt là giá tôm nguyên liệu liên tục giảm, thậm chí có giai đoạn “chạm đáy” so với các năm trước, đã khiến nhiều hộ nuôi phải cầm chừng hoặc thậm chí “treo ao”. Trong khi giá tôm giảm mạnh, chi phí thức ăn lại tăng, nông dân rơi vào tình trạng nuôi tôm không có lãi hoặc thua lỗ. Đặc biệt, nửa đầu năm 2024, giá tôm tiếp tục lao dốc ở hầu hết các kích cỡ, đúng vào thời điểm cao điểm thả giống của người nuôi tại khu vực ĐBSCL.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Bằng, ấp Cái Cùng cho biết: “Mấy năm trước, một ao nuôi tôm có diện tích 2.500m2, người nuôi bỏ ra khoảng 100 triệu đồng tiền đầu tư, khi thu hoạch lãi khoảng 50 triệu đồng/ao. Còn bây giờ, chi phí đầu tư một ao với diện tích như trên mất khoảng 220 – 250 triệu đồng, nhưng giá tôm hiện tại, nếu ao nuôi đạt thì nông dân chỉ thu về khoảng 120 – 130 triệu đồng, tức là lỗ khoảng 100 triệu đồng. Trong năm, có thời điểm giá tôm xuống thấp hơn cả giá thành nên phải giảm từ 8 ao nuôi xuống còn 3 ao (nuôi giãn vụ)”.

Không chỉ khó khăn về giá, diễn biến môi trường và thời tiết bất lợi cũng như dịch bệnh vẫn luôn là vấn đề nan giải đối với vụ tôm năm nay. Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), 9 tháng năm 2024, diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh gồm 3.593 ha. Tôm nuôi chủ yếu bị mắc các bệnh: đốm trắng (1.034 ha), hoại tử gan tụy cấp tính (1.009 ha), đỏ thân (643 ha), còi và vi bào tử trùng,… Bệnh xảy ra tập trung chủ yếu ở một số tỉnh trọng điểm nuôi tôm như Trà Vinh (1.014 ha), Sóc Trăng (675 ha), Cà Mau (612 ha), Bạc Liêu (435 ha), Kiên Giang (340 ha) và rải rác tại một số địa phương khác. Thời điểm cuối năm dịch bệnh trên tôm có chiều hướng giảm nhưng diện tích thiệt hại do biến đổi thời tiết khí hậu có chiều hướng tăng mạnh 20% so với năm 2023. Bên cạnh đó, các yếu tố nhiệt độ, độ mặn tăng cao, biến đổi môi trường nhanh, mạnh, cực đoan,… cũng tác động đến sức khỏe tôm, làm cho tôm chậm lớn, kém phát triển, sức đề kháng yếu.

Ngành tôm năm 2024 vẫn giữ được đà tăng trưởng, nhưng về mặt hiệu quả, người nuôi và doanh nghiệp chế biến đang gặp rất nhiều khó khăn do nguồn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến đang thiếu hụt nghiêm trọng.

 

Bất chấp khó  khăn, xuất khẩu giữ vững vị thế

Xuất khẩu tôm Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn ngay từ đầu năm 2024. Khởi đầu mạnh mẽ với mức tăng 71% trong tháng 1, đạt 242 triệu USD, nhưng sau đó, xuất khẩu liên tục giảm. Tháng 2 giảm 11% xuống còn 173 triệu USD do trùng với tết Nguyên đán; tháng 3 tăng nhẹ 3% đạt gần 272 triệu USD, và tháng 4 chỉ tăng 0,2%, đạt 287 triệu USD. Mặc dù tháng 6 và tháng 7 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, đưa tổng xuất khẩu lên 1,6 tỷ USD và gần 2 tỷ USD, nhưng những con số này vẫn chưa phản ánh hết những khó khăn mà ngành tôm đang phải đối mặt.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi từ đầu năm 2024, với lạm phát cao và xung đột Nga – Ukraine kéo dài, làm chậm tiêu thụ tôm ở nhiều thị trường như Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản, dẫn đến sự sụt giảm xuất khẩu. Dù vậy, ngành tôm Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn này.

Theo VASEP, trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 394 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.Tính chung 10 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt 3,2 tỷ USD, tăng 13%. Tất cả các thị trường lớn đều ghi nhận tăng trưởng hai con số. Đến tháng 11, xuất khẩu tôm tiếp tục duy trì đà tăng ấn tượng với mức tăng 22%, dự báo sẽ đạt 4 tỷ USD vào cuối năm.

Về sự phục hồi giá tôm trong nước, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết, ngoài việc khan hiếm nguồn tôm nguyên liệu, các hệ thống phân phối lớn trên thế giới đang tìm kiếm nguồn cung từ tôm Việt Nam, mặc dù giá cao hơn nhưng đảm bảo an toàn, dẫn đến đơn hàng tăng mạnh. Điều này góp phần làm kim ngạch xuất khẩu năm 2024 tăng hai con số so với năm trước. Bên cạnh đó, tỷ giá trong quý cuối năm và sự phục hồi của đồng yên Nhật cũng hỗ trợ cho xuất khẩu.

 

Hướng tới mục tiêu bền vững, kinh tế xanh

Ngành tôm toàn cầu đang phải đối mặt mặt với áp lực ngày càng lớn bởi sự tác động từ nhiều yếu tố. Điều này đòi hỏi ngành tôm phải thay đổi, bước vào cuộc “cách mạng xanh” – một bước ngoặt quan trọng nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững. Đây cũng là xu hướng tất yếu. Trước những thách thức khó khăn trên, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững cho rằng, việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong sản xuất thủy sản là điều cần thiết để nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, cùng với việc chuyển sang sử dụng các loại thức ăn ít phát thải carbon như tảo hay protein từ côn trùng cũng là những biện pháp hữu hiệu nhằm giảm lượng khí thải. Bên cạnh đó, phát triển các giống thủy sản có khả năng thích ứng tốt hơn với môi trường biến đổi sẽ là chìa khóa quan trọng cho sự phát triển bền vững.

Không dừng lại ở thay đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi xanh còn đi đôi với việc ứng dụng công nghệ cao. Thời gian qua, các doanh nghiệp, trang trại và người nuôi đã áp dụng nhiều giải pháp, tiến bộ khoa học công nghệ vào nuôi tôm góp phần giảm lượng phát thải khí nhà kính, như: nuôi tuần hoàn nước, ứng dụng công nghệ vi sinh, tiết kiệm điện thông qua việc cải tiến hệ thống quạt tạo oxy, quản lý tốt thức ăn để hạn chế tình trạng dư thừa làm phát sinh khí nhà kính, lắp đặt hầm biogas để xử lý chất thải, sử dụng máy ép phân tôm ủ làm phân bón…

Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc kỹ thuật toàn quốc của Công ty TNHH Grobest Industrial Việt Nam cho biết, thời gian qua, công ty đã triển khai 2 mô hình nuôi Grofarm và Grofarm Pro với giải pháp tối ưu hóa dinh dưỡng trong nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, giúp giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường. Quy trình nuôi của Grobest đã giúp giảm 10 – 15% giá thành sản xuất tôm, đạt mức khoảng 70.000 đồng/kg tôm nguyên liệu thành phẩm, tạo ra sức cạnh tranh rất lớn cho con tôm Việt Nam. Giải pháp trên đều cho thấy mức độ giảm phát thải khí nhà kính trong nuôi tôm đã giảm đáng kể.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta Hồ Quốc Lực cũng chia sẻ: “Nhờ vào đầu tư công nghệ hiện đại, phát huy thế mạnh là chế biến sâu, cho nên dù phải chịu sức ép cạnh tranh mạnh từ tôm giá rẻ của các nước Ecuador, Ấn Độ và Indonesia, tôm Việt Nam vẫn có thể đứng vững, thậm chí chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường quốc tế”.

Dù phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm qua, ngành tôm Việt Nam vẫn kiên cường vượt qua khó khăn nhờ nỗ lực và quyết tâm, cùng với các chiến lược hợp lý. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm có cơ hội tận dụng “mùa vàng” cuối năm để ghi dấu ấn ấn tượng. Đặc biệt, trong thời gian tới, ngành tôm cần chuyển đổi tư duy: thay vì chỉ chú trọng vào sản lượng và công nghệ cao, cần ưu tiên bền vững và hiệu quả, tập trung vào chất lượng, bảo vệ môi trường, sức khỏe và giá trị sản phẩm.

Phương Nhung

Ngành thủy sản được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong nền kinh tế biển của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng nhanh. Song, ngành thuỷ sản được đánh giá là ngành chịu tác động mạnh mẽ của ô nhiễm môi trường và cũng là ngành sản xuất gây ra ô nhiễm môi trường. Thời gian tới, để thúc đẩy hiệu quả bảo vệ môi trường ngành thủy sản, các bên liên quan cần tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ ưu tiên như phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; mô hình sản xuất thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải… trong các hoạt động sản xuất thủy sản.

Ông Trần Đình Luân

Cục trưởng Cục Thủy sản

Tin mới nhất

T7,04/01/2025