Ngành tôm miền Bắc: Tôm khó nuôi, người cạn vốn

[Người Nuôi Tôm] – Mặc dù giá tôm đang ở mức cao và nguồn cung trên thị trường ngày càng khan hiếm, nhiều hộ nuôi tôm ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung lại đang phải đối mặt với quyết định khó khăn tại thời điểm này: “bỏ trống ao nuôi”. Đây là giai đoạn khó khăn nhưng cần thiết nhằm tạo cơ hội sàng lọc lại ngành tôm.

Những khó khăn chồng chất khiến người nuôi tôm mất dần động lực (Ảnh: The Dien)

 

Ngành tôm không còn trong giai đoạn đỉnh cao

Ngành tôm Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, bao gồm dịch bệnh, biến đổi khí hậu và sự cạnh tranh gay gắt. Những yếu tố này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất mà còn tạo áp lực nặng nề lên người nuôi. Biến đổi khí hậu, với sự gia tăng nhiệt độ, xâm nhập mặn và các dịch bệnh mới như TPD, EMS, EHP, đang đe dọa nghiêm trọng đến khả năng sản xuất. Bên cạnh đó, ngành còn thiếu hụt kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật tay nghề cao. Hơn nữa, các phương pháp điều trị bằng kháng sinh hiện tại không còn phù hợp với yêu cầu của ngành.

Chất lượng con giống và thức ăn không ổn định, cùng với ô nhiễm môi trường đang gia tăng khó khăn cho người nuôi tôm. Sự cạnh tranh từ thị trường quốc tế cũng tạo áp lực lớn, buộc ngành tôm phải tìm kiếm giải pháp mới để tồn tại và phát triển. Mặc dù giá tôm ở thời điểm hiện tại đã ở mức cao, nhưng người dân không còn mặn mà với con tôm. Việc không tiến hành xuống giống tôm khiến nguồn cung từ thời điểm hiện tại về cuối năm càng trở nên khan hiếm.

Có thể thấy, rất nhiều nguyên nhân tác động khiến người nuôi tôm phải tạm ngưng sản xuất, như giá cả thị trường, dịch bệnh, thời tiết khắc nghiệt và hơn hết là thiếu vốn đầu tư.

 

Giá bán sản phẩm không ổn định

Người nuôi tôm, nhất là khu vực miền Bắc, miền Trung vẫn đang phải đối mặt với một thách thức lớn: giá bán sản phẩm không ổn định. Theo chia sẻ của anh Vũ Diện, kỹ sư thủy sản đang làm việc tại công ty thuốc, chế phẩm sinh học thủy sản, cũng là người đang trực tiếp nuôi tôm, thị trường thủy sản tại miền Bắc đang phát triển mạnh mẽ, không còn ảm đạm như cách đây mười năm về trước. Tuy nhiên, ngành tôm miền Bắc đang phải đối mặt với sự cạnh tranh về chi phí, giá cả rất khốc liệt. Hiện tại, chi phí sản xuất tôm ở miền Nam chỉ khoảng 70.000 đồng/kg, trong khi đó, tại miền Bắc thường dao động từ 110.000 – 140.000 đồng/kg. Với chi phí sản xuất cao, cộng thêm giá cả đầu ra bấp bênh càng khiến ngành tôm miền Bắc gặp nhiều khó khăn.

Phần lớn sản lượng tôm tại miền Bắc chủ yếu phục vụ cho thị trường nội địa, lượng xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng tôm từ miền Tây và miền Nam chuyển ra miền Bắc ngày càng gia tăng với chi phí thấp hơn nhờ vào sự thuận lợi trong khâu vận chuyển. Điều này dẫn đến một thực tế là người nuôi tôm rất khó có lãi khi giá bán bấp bênh. Nếu giá cả không ổn định và không tương xứng với chi phí đầu tư, người nuôi sẽ sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất. Hơn nữa, sự không đồng đều trong chất lượng sản phẩm càng khiến tôm miền Bắc khó có thể cạnh tranh trên thị trường.

 

Cạn vốn sau những thiệt hại về dịch bệnh, thiên tai

Bão số 3 đã tàn phá các trang trại nuôi tôm, hệ thống ao nuôi hư hỏng nặng nề, khiến người nuôi kiệt quệ và buộc phải tạm dừng sản xuất vụ Đông. Người nuôi tôm đã cạn vốn trước những tổn thất lớn về tài sản và sản lượng, trong khi việc sửa chữa và khôi phục ao nuôi đòi hỏi nguồn vốn lớn mà nhiều hộ dân không thể đáp ứng.

Bên cạnh đó, sau những trận bão vừa qua, môi trường nuôi bị ô nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển. Thời tiết bất lợi khiến tôm nuôi ăn kém, chậm lớn và dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Nhiều hộ nuôi đã phải chịu thiệt hại chỉ sau khoảng một tháng thả giống. Điều này khiến người nuôi lo sợ, dẫn tới sản lượng tôm cung cấp ra thị trường giảm sút, gây áp lực lên giá cả và ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường.

Từ góc độ của các đại lý, anh Đoàn Văn Vững, chủ đại lý phân phối thuốc và vật tư thuốc thủy sản tại Hải Dương cho hay, trong khoảng 3 năm qua, thị trường thủy sản Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Bắc, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thời tiết và dịch bệnh ngày càng trở nên khó lường, với sự xuất hiện của nhiều bệnh mới khó điều trị. Cạnh tranh về giá cả và sản phẩm diễn ra hết sức khốc liệt, buộc ngành thủy sản phải thay đổi để bắt kịp xu hướng thị trường.

 

Nuôi theo kinh nghiệm – Rủi ro luôn chực chờ

Dù được mệnh danh là “vựa tôm” của thế giới, nhưng ngành tôm Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Việc phần lớn người nuôi vẫn phụ thuộc vào kinh nghiệm truyền thống, thay vì áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đã hạn chế tiềm năng phát triển của ngành và khiến chất lượng sản phẩm không ổn định.

Anh Diện cho biết: “So với các quốc gia khác, nơi người ta nuôi tôm theo quy trình khoa học rõ ràng, chúng ta vẫn còn loay hoay với những kinh nghiệm truyền thống. Hiện nay, người nuôi tôm thường phải hoạt động theo kiểu “làm mò“, dựa vào trực giác và kinh nghiệm cá nhân để tự chữa trị cho tôm. Mặc dù có một số nông dân áp dụng các quy trình, nhưng việc thực hiện thường không đầy đủ hoặc chưa triệt để. Tình trạng này càng trở nên khó khăn hơn do thời tiết tại miền Bắc rất phức tạp”.

Một vấn đề lớn khác được anh Diện chỉ ra là mật độ nuôi tôm ở Việt Nam hiện đang quá cao. Trong khi Trung Quốc thực hiện phương pháp nuôi tôm với mật độ thấp, không yêu cầu phải nuôi tôm lớn nhưng lại dễ dàng quản lý hơn, thì tại Việt Nam, mật độ nuôi có thể đạt tới 300 – 350 con trên một đơn vị diện tích, so với chỉ 90 con ở Trung Quốc. Mật độ nuôi cao này không chỉ làm tăng chi phí xử lý nước mà còn tạo ra những thách thức lớn trong việc quản lý sức khỏe tôm.

Tuy nhiên, việc nuôi thưa có thể giúp giảm áp lực và chi phí, nhưng lại không mang lại lợi nhuận do chi phí sản xuất cao. Do đó, ngành tôm Việt Nam cần tìm ra những giải pháp hợp lý để cân bằng giữa mật độ nuôi và chi phí sản xuất, nhằm đảm bảo hiệu quả và bền vững trong hoạt động nuôi trồng.

Phần lớn người nuôi tôm Việt Nam vẫn phụ thuộc vào kinh nghiệm truyền thống

 

Thời điểm sàng lọc và thay đổi tư duy

Ngành tôm miền Bắc được xem là có tiềm năng lớn, nhưng để khai thác hiệu quả và phát triển một cách cạnh tranh, việc sàng lọc và thay đổi tư duy sản xuất cũng như quản lý là điều thiết yếu. Sự chuyển mình này đòi hỏi sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước, các cơ quan chức năng, các hội và hiệp hội ngành hàng, nhưng quan trọng nhất vẫn là từ chính những người nuôi tôm.

Trước mắt, cần triển khai các giải pháp nhằm ổn định giá cả trên thị trường, chẳng hạn như xây dựng các kênh phân phối hiệu quả hơn hoặc hợp tác với các doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Những nỗ lực này sẽ giúp người nuôi tôm yên tâm đầu tư và phát triển nghề nuôi tôm một cách bền vững. Theo anh Vững, để tồn tại và phát triển, các đại lý lớn đang có xu hướng tập trung vào những công ty uy tín, giảm số lượng sản phẩm phân phối, nhưng tập trung vào chất lượng sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ. Điều này bao gồm việc chú trọng hơn đến tư vấn phòng bệnh cho người nuôi.

“Hiện nay, chúng tôi đang hợp tác với Công ty VMC Việt Nam, đơn vị sở hữu hệ thống phòng LAB cố định và LAB di động. Sự hỗ trợ này cho phép tiến hành xét nghiệm bệnh kịp thời cho bà con chăn nuôi, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh. Việc tăng cường phối hợp chặt chẽ và sâu sắc với doanh nghiệp không chỉ giúp đại lý kết nối và mang lại lợi ích cho người nuôi, mà còn góp phần ổn định thị trường thủy sản trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay”, anh Vững chia sẻ thêm.

Còn theo anh Diện, để phát triển được, ngành tôm cần điều chỉnh một số cơ chế như thay đổi thói quen tiêu dùng. Việc thay đổi thói quen tiêu dùng, từ ưa chuộng tôm lớn sang tôm vừa và tôm đông lạnh. Cùng với đó, chính sách cũng cần có sự thay đổi để phù hợp với nhu cầu thực tiễn hiện nay. “Việc giám sát quy trình nuôi lỏng lẻo, quy mô nuôi nhỏ lẻ và rời rạc tự phát sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tật cho cộng đồng. Cần siết chặt công tác quản lý kháng sinh, kiểm soát các chỉ tiêu nước thải và cấp phép nước thải tương tự như một số quốc gia khác. Điều này không chỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, tạo điều kiện cho những người nuôi chuyên nghiệp phát triển”, anh Diện chia sẻ.

Những năm gần đây, các doanh nghiệp đã có những thay đổi chiến lược đáng kể trong việc đồng hành cùng người nuôi tôm. Thay vì chỉ đơn thuần cung cấp sản phẩm tốt, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng và chia sẻ những quy trình nuôi tôm chuyên nghiệp, giúp người nuôi, đặc biệt là những người có ít vốn đạt được hiệu quả cao. Các mô hình nuôi tôm tiên tiến như Thang Long Smart System (TLSS) của Tập đoàn Thăng Long, Grofarm của Grobest Việt Nam, CPF-Combine của Tập đoàn C.P. Việt Nam và “3 Tốt” từ Uni- President Việt Nam là minh chứng rõ nét cho sự chuyển đổi này.

Bên cạnh đó, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững và phù hợp với xu thế toàn cầu, các doanh nghiệp và tập đoàn lớn đang tiên phong trong việc chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm ít kháng sinh hoặc hoàn toàn không sử dụng kháng sinh. Trong tương lai, điều này sẽ tạo điều kiện cho ngành tôm Việt Nam chuyển mình theo hướng bền vững và nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Phạm Huệ

Khâu nuôi, mặc dù đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng, lại đang trở thành mắt xích yếu nhất do sản xuất nhỏ lẻ, thiếu kế hoạch, hạ tầng kém phát triển và dịch bệnh. Hạn chế về hạ tầng, đặc biệt là nguồn nước, làm tăng chi phí và giảm hiệu quả sản xuất. Các hộ nuôi thường tự quyết định mọi khâu trong quy trình sản xuất, dẫn đến thiếu đồng bộ và dễ bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nước và giống tôm không ổn định, cùng với thông tin không chính xác, làm gia tăng rủi ro cho ngành. Để cải thiện tình hình, cần thiết phải thiết lập liên kết chặt chẽ giữa các hộ nuôi, xây dựng kế hoạch sản xuất chung, chia sẻ thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Theo ông Ngô Tiến Chương

Chuyên gia cao cấp của GIZ