Giá tăng nhưng người nuôi tôm không còn nhiều để bán

Những tháng đầu năm 2024, thời tiết bất lợi đã khiến tôm nuôi ăn kém, chậm lớn, dễ mắc bệnh về đường tiêu hóa…Đã có không ít hộ nuôi thiệt hại rất sớm sau thả giống khoảng 1 tháng.

Người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn khi thời tiết mưa, nắng thất thường. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

 

Theo ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm tỉnh Bạc Liêu, giá tôm tăng là tín hiệu đáng mừng cho người nuôi; đồng thời kỳ vọng thị trường cuối năm sẽ tiếp tục thuận lợi do nhu cầu tăng.

Tuy nhiên, đáng tiếc là hiện nông dân không còn nhiều tôm để bán. Nhiều hộ sợ thua lỗ nên đã “treo” ao hoặc thả nuôi cầm chừng, một số khác cắt bán tôm cỡ nhỏ để hạn chế thua lỗ.”

Hiện, tôm thẻ nguyên liệu loại 20 con/kg có giá 195.000 đồng/kg; loại 40 con/kg được thu mua với giá 144.000 đồng/kg; loại 100 con/kg được mua với giá 95.000 đồng/kg…, mức giá này đã tăng trung bình từ 6.000-8.000 đồng/kg so với tháng trước.

Ông Trần Văn Mừng (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) chia sẻ: “Từ đầu vụ 2024 đến giờ tôm nuôi thường xuyên rớt giá, dịch bệnh hoành hành, trong khi giá các loại thức ăn, men vi sinh, trang thiết bị phục vụ sản xuất tôm thì liên tục tăng nên gây nhiều khó khăn cho người nuôi tôm. Tôi chỉ hy vọng vụ giáp Tết này giá tôm sẽ tăng và bình ổn để người nuôi tôm có thể kết thúc vụ mùa 2024 với niềm vui được mùa, trúng giá.”

Những tháng đầu năm 2024, thời tiết bất lợi đã khiến tôm nuôi ăn kém, chậm lớn, dễ mắc bệnh về đường tiêu hóa…Đã có không ít hộ nuôi thiệt hại rất sớm sau thả giống khoảng 1 tháng.

Không chỉ khó khăn về sản xuất, người nuôi còn đối mặt việc giá cả đầu vào nuôi trồng thủy sản ở mức cao nên vốn đầu tư rất lớn.

Bên cạnh đó, giá tôm thời gian qua cũng ở mức khá thấp. Rủi ro cao, chi phí sản xuất cao nhưng giá tôm thấp đã khiến nhiều nông dân e ngại đầu tư. Họ thả tôm cầm chừng và chờ đợi giá tôm tốt hơn mới đầu tư sản xuất trở lại.

Ông Hứa Văn Quốc ở xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) cho biết, không riêng gì vụ nuôi này mà cả mấy vụ nuôi gần đây, tình hình giả cả bấp bênh, thời tiết thì thay đổi liên tục khiến cho việc nuôi tôm của người dân gặp nhiều khó khăn và nhiều người nuôi không có lợi nhuận.

Người nuôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm đến việc nạo vét các tuyến kênh cấp nước để khi đưa nước vào sản xuất được sạch và an toàn.

Cùng đó, là quan tâm hơn nữa đến việc quản lý giá cả nguồn thức ăn được ổn định, đảm bảo việc nuôi của người dân thuận lợi. Hy vọng giá cả cuối năm được tăng lên sẽ giúp người nuôi phấn khởi.”

Ông Hồ Thanh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, địa phương đã hướng dẫn người nuôi tôm thực hiện một số giải pháp nhằm bảo vệ sản xuất khi xảy ra mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng bão và áp thấp nhiệt đới những tháng cuối năm.

Cụ thể, khi mưa lớn kéo dài, người nuôi cần chủ động gia cố, nâng cao bờ bao và giữ mực nước trong ao, đầm khoảng 50 cm; rải vôi xung quanh bờ kết hợp với bón vôi trong ao, đầm để ổn định độ pH và độ kiềm trong nước; giảm lượng thức ăn của tôm…

Bên cạnh đó, người nuôi cần bổ sung các chất khoáng cho tôm; tăng cường chạy quạt nhằm hạn chế sự phân tầng nước. Định kỳ 5-7 ngày, người nuôi phải sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý nước và đáy ao, đầm theo hướng dẫn để ổn định môi trường sống của tôm.

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu hiện là một trong 6 tỉnh trọng điểm tôm của cả nước và được đánh giá có vai trò đóng góp khá lớn trong nhiều khâu của ”chuỗi cung ứng tôm” của Đồng bằng sông Cửu Long cũng như của cả nước.

Bạc Liêu là tỉnh đứng thứ hai cả nước về diện tích, sản lượng và có quy mô sản xuất tôm giống với sản lượng sản xuất 34 – 35 tỷ con tôm giống/năm, chiếm thị phần 50% so sản lượng giống khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và 30% thị phần giống so với cả nước; với nhiều mô hình nuôi tôm đa dạng và là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm của cụm sản xuất, chế biến, xuất khẩu, tiêu thụ tôm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nghề nuôi tôm đang gặp nhiều khó khăn, nhất là biến đổi khí hậu, hạn hán xâm nhập mặn, nắng nóng và mưa cục bộ xuất hiện ngày càng nhiều, môi trường nước có nguy cơ ô nhiễm, dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra ngày càng nhiều; việc tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế và chậm thay đổi, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sản xuất truyền thống; mô hình hợp tác, liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp bước đầu được triển khai nhưng còn bất cập về phương thức đầu tư, liên kết bao tiêu sản phẩm dẫn đến phát triển chưa bền vững, nên hiệu quả kinh tế trung bình nhiều năm qua còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh…

Năm 2023, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bạc Liêu đạt trên 136.000 ha; trong đó, diện tích nuôi tôm đạt gần 133.000 ha. Sản lượng thủy sản xuất khẩu ước đạt trên 96.000 tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tỉnh Bạc Liêu đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm để con tôm tiếp tục là trụ đỡ nền kinh tế của tỉnh thông qua việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền giới thiệu mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.

Qua đó, vận động các doanh nghiệp, các hộ có đủ điều kiện chuyển đổi từ nuôi tôm thâm canh truyền thống lên mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; thành lập các Tổ hợp tác và Hợp tác xã nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; các công ty, doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn hướng dẫn cho các hộ nuôi xây dựng mô hình nuôi phù hợp với diện tích hiện có, tư vấn quy trình nuôi và kết nối với các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay, các chính sách ưu đãi về lãi suất để hộ nuôi đủ điều kiện tham gia mô hình…/.

Chánh Đa

Nguồn: vietnamplus.vn

Tin mới nhất

T4,13/11/2024