Quảng Ngãi: Sản lượng tôm nguyên liệu chỉ đáp ứng 30% nhu cầu

[Người Nuôi Tôm] – Hiện nay, diện tích nuôi thủy sản tại tỉnh Quảng Ngãi đang ngày một thu hẹp. Sản lượng nuôi tôm trong tỉnh hiện chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu của các doanh nghiệp chế biến thủy sản.

Diện tích và sản lượng tôm nuôi tại Quảng Ngãi giảm sút đáng kể

Thiếu tôm nguyên liệu trầm trọng

Quảng Ngãi với lợi thế về đường bờ biển dài và các khu công nghiệp phát triển, đã hình thành một ngành chế biến thủy sản khá sôi động. Tính đến nay, tỉnh đã có 17 doanh nghiệp chế biến thủy sản hoạt động tại Khu công nghiệp (KCN) Quảng Phú, với tổng công suất đăng ký gần 50.000 tấn sản phẩm mỗi năm.

Trong giai đoạn 2020 – 2023, ngành chế biến thủy sản Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Sản lượng chế biến vượt xa công suất đăng ký, đạt hơn 64.500 tấn, chủ yếu tập trung vào các sản phẩm tôm và cá đông lạnh. Thị trường tiêu thụ cũng rất đa dạng, bao gồm cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Sản phẩm của Quảng Ngãi đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và các nước Trung Đông.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành chế biến thủy sản Quảng Ngãi cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Ngành chế biến thủy sản tỉnh đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng do sản lượng nuôi tôm trong tỉnh chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, buộc các doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn cung bên ngoài. Mặc dù Chính phủ đã có định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản, nhưng thực tế diện tích nuôi tôm tại địa phương lại bị thu hẹp do quy hoạch chồng chéo. Nhiều vùng nuôi hiệu quả bị giải tỏa để phục vụ các dự án khác, trong khi các khu vực còn lại lại cho năng suất thấp.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt từ các thương lái thu mua đã đẩy giá nguyên liệu lên cao và khiến nguồn cung trở nên bấp bênh, gây khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản.

 

Hải sản Nghi Bông: Dừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu tôm

Công ty TNHH Hải sản Nghi Bông, một trong những doanh nghiệp chế biến thủy sản có tiếng tại KCN Quảng Phú, đang đối mặt với khó khăn chưa từng có. Nhiều tháng qua, nhà máy này buộc phải tạm ngừng hoạt động do thiếu hụt nguồn nguyên liệu tôm – nguyên liệu chính để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Bà Phạm Thị Bông, Giám đốc Công ty Nghi Bông chia sẻ: “Từ sau đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đã tích cực tìm kiếm nguồn nguyên liệu ở khắp các vùng nuôi tôm trong và ngoài tỉnh nhưng đều không thành công. Thậm chí, doanh nghiệp còn chủ động liên kết với các hộ nuôi tôm để bao tiêu sản phẩm, nhưng khi có thương lái đến thu mua với giá cao hơn, người nuôi lại không giữ lời hứa”.

Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu tôm không chỉ ảnh hưởng đến Hải sản Nghi Bông mà còn lan rộng đến nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản khác trong KCN. Bà Hồ Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Gallant Dachan Seafood, cho biết: “Hiện nay, công ty đang tập trung chế biến các sản phẩm tôm để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và châu Âu. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu ổn định đang là thách thức lớn đối với chúng tôi”.

Đứng trước tình hình trên, ông Nguyễn Đức Bình, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chỉ ra rằng, tình trạng thời tiết khắc nghiệt và môi trường nuôi trồng không ổn định đã khiến diện tích nuôi tôm giảm sút đáng kể trong những năm gần đây. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, các doanh nghiệp chế biến thủy sản cần chủ động liên kết với các hộ nuôi , đồng thời đa dạng hóa sản phẩm và đầu tư công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, việc xây dựng các vùng nuôi tập trung, gắn với chuỗi giá trị sẽ giúp doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu và nâng cao giá trị sản phẩm.

Tuấn Tú

Tin mới nhất

T6,22/11/2024