Một số cách sửa chữa và vệ sinh cho ao lót bạt hiệu quả

Việc sửa chữa và vệ sinh cho bạt lót ao hồ tôm đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đáy hồ khỏi những tác động có hại từ môi trường xung quanh, duy trì chất lượng nước và chất lượng bạt trong ao tôm. Tuy nhiên, để thực hiện điều này một cách hiệu quả, thì bà con cần phải có sự hiểu biết về các loại bạt cũng như các kỹ thuật sửa chữa, vệ sinh cho bạt.

Việc sửa chữa và vệ sinh cho ao lót bạt giúp duy trì chất lượng nước của ao và sinh trưởng của tôm. Ảnh: Tép Bạc

 

Một số cách sửa chữa ao lót bạt khi gặp vấn đề

Phụ thuộc vào kích thước, vị trí và mức độ nghiêm trọng của lỗ thủng hoặc vết rách có trên bạt lót. Tép Bạc sẽ giới thiệu một số phương pháp sửa chữa bạt lót cho ao dễ dàng áp dụng.

 

Sử dụng miếng màng vá bạt 

Đây là một phương pháp đơn giản và hiệu quả, đặc biệt là đối với các lỗ thủng hoặc vết rách nhỏ (dưới 5cm). Lưu ý, bà con cần phải mua miếng vá chuyên dụng làm từ cùng chất liệu với bạt lót hồ tôm giúp đảm bảo tính đồng nhất và độ bền của miếng vá. Khi sử dụng miếng vá có cùng chất liệu với bạt lót, nó sẽ phản ứng tốt hơn với bề mặt của bạt và giữ được độ kín đáo của ao nuôi. Điều này cũng giúp tránh được tình trạng rách hoặc hỏng hóc nhanh chóng do sự không tương thích giữa các vật liệu.

Đầu tiên, bà con cần xác định vị trí bị thủng và đánh dấu nó. Đo kích thước và cắt miếng dán bạt phù hợp với vị trí cần sửa, với đường kính từ 3 đến 5cm tính từ điểm thủng. Để đạt được kết quả tốt nhất, hãy vệ sinh sạch sẽ cả vị trí thủng và miếng dán vừa được cắt. Sau đó, đảm bảo miếng vá được ép chặt vào bạt lót. Sử dụng một con lăn (nếu có) để miết nhẹ và loại bỏ bọt khí. Tiếp theo, sử dụng vật nặng hoặc kẹp để giữ cố định miếng vá trong thời gian nhất định theo hướng dẫn của nhà sản xuất (thường là 2 giờ). Khi keo dán đã khô hoàn toàn, đổ nước trở lại hồ một cách từ từ và quan sát kỹ lưỡng để đảm bảo không có rò rỉ tại vị trí vá.

 

Thực hiện hàn nhiệt 

Đối với các vết rách lớn hoặc hỏng hóc nghiêm trọng, việc thực hiện hàn nhiệt có thể là một lựa chọn. Tuy nhiên, cần sự chuyên nghiệp, kỹ thuật cao và sử dụng cùng chất liệu bạt để tránh gây thêm hỏng hóc cho bạt lót. Hiện nay, có 3 phương pháp hàn là phương pháp hàn kép (hàn ép nóng), phương pháp hàn đùn, và phương pháp hàn khò:

– Phương pháp hàn kép (hàn ép nóng): Là một phương pháp chuyên nghiệp và hiệu quả cho việc sửa chữa và bảo trì bạt lót ao tôm, đặc biệt khi đối mặt với các vết rách lớn hoặc hỏng hóc nghiêm trọng. Phương pháp hàn này thường được áp dụng với các lót bạt HDPE, việc hàn nhiệt dễ dàng hơn khi tấm bạt nối liền tấm này với các tấm khác và hiếm khi được sử dụng để hàn các góc hoặc các chi tiết nhỏ khác.

– Phương pháp hàn đùn: Phương pháp này thường được áp dụng cho việc sửa chữa các cạnh, góc nhỏ hoặc các chi tiết nhỏ đặc biệt. Đặc biệt khắc phục những trường hợp mà phương pháp hàn kép (hàn ép nóng) không hàn được.

– Phương pháp hàn khò: Là một phương pháp thuật được sử dụng để kết nối các mảnh bạt lót ao tôm bằng cách sử dụng máy hàn nhỏ với nguồn nhiệt để làm mềm và hàn, vá các lỗ lủng. Phương pháp hàn khò là một trong những cách hiệu quả và đáng tin cậy để sửa bạt lót HDPE mỏng.

Vệ sinh bạt lót ao nuôi tôm đúng cách giúp tăng tuổi thọ bạt, tiết kiệm chi phí. Ảnh: Tép Bạc

 

Lưu ý: Việc hàn ao lót bạt cần được thực hiện trong điều kiện thời tiết khô ráo và trên một bề mặt thi công phẳng, không có đọng nước. Nền đất đáy ao không có các vật liệu sắc nhọn, tránh tình trạng làm rách, lủng bạt. Tránh nhiệt độ hàn cao khiến bạt bị cháy, bị chảy quá mức. Từ đó làm giảm độ bám dính giữa hai mép bạt, dẫn đến mối hàn không chắc chắn.

 

Thay thế toàn bộ bạt lót cho ao tôm 

Trong trường hợp vết rách, thủng quá lớn và không thể sửa chữa. Việc thay thế toàn bộ bạt lót có thể là phương án duy nhất và đảm bảo nhất. Điều này đòi hỏi chi phí và công sức lớn hơn nhưng sẽ đảm bảo môi trường ao nuôi tôm tốt nhất. Tuy nhiên, khi bạt lót trở nên quá cũ, rách nát, hoặc có quá nhiều vết thủng nhỏ. Thì việc thay thế bằng bạt lót mới sẽ đảm bảo an toàn cho ao tôm và giúp tiết kiệm chi phí sửa chữa trong dài hạn hơn.

 

Hướng dẫn vệ sinh cho ao lót bạt 

Các bước vệ sinh ao bạt​ 

Đối với ao có lót bạt, việc vệ sinh vô cùng đơn giản với các bước sau. Trước tiên, bà con cần chuẩn bị máy bơm nước để dùng trong việc rửa ao. Tiếp theo, bơm nước từ một nguồn khác và sử dụng máy phun áp lực cao để đẩy bùn cát và các chất cận khác để rửa sạch bạt ao.

Tiếp đến, bà cần sử dụng các chất tẩy rửa như Acid citric (Bột chanh) có công dụng giúp điều chỉnh pH nước ao nuôi. Sau đó, tẩy rửa ao bạt, để loại bỏ lớp bùn dính, dọn dẹp và vệ sinh kỹ lưỡng nền đáy cùng các dụng cụ sử dụng trong quá trình nuôi. Cuối cùng, dùng nước Chlorine 5% vệ sinh bề mặt và phơi bạt tối thiểu 5 ngày mới được dẫn nước vào ao.

Nếu đáy ao được làm sạch và quản lý tốt, tôm có môi trường phát triển tốt và tăng trưởng nhanh chóng. Ngược lại, nếu đáy ao bị bẩn, lượng bùn tích tụ có thể làm giảm hiệu suất nuôi tôm và tạo điều kiện cho vi khuẩn gây hại phát triển.

Ngày nay, ao nuôi bạt được sử dụng rộng rãi để nâng cao chất lượng vật nuôi. Ảnh: Sưu tầm

 

Sử dụng vi sinh chuyên xử lý ao nuôi 

Đầu tiên bà con cần, xác định vi sinh cần sử dụng dựa trên diện tích và điều kiện cụ thể của ao tôm.

Khi sử dụng vi sinh chuyên xử lý ao nuôi, bà con cần pha loãng vi sinh theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sử dụng định kỳ với liều lượng 100g cho mỗi 10.000m3 nước để giảm chất thải hữu cơ, hoặc tăng liều lượng lên 100g cho mỗi 5.000m3 nước khi ao nuôi bị ô nhiễm. Tiếp đến, phân phối vi sinh đồng đều trên bề mặt bạt lót ao tôm, đảm bảo vi sinh được phân bố đều trên toàn bộ diện tích ao.

Bà con cần lưu ý thực hiện kiểm tra định kỳ để đảm bảo vi sinh phát huy hiệu quả và không gây tổn hại cho hệ sinh thái ao tôm. Theo dõi các chỉ số môi trường như pH, oxy hòa tan, và nồng độ amoniac để đánh giá hiệu quả của vi sinh trong việc xử lý bạt lót ao tôm.

Nguồn: Phan Tấn Đạt (tepbac.com)

Tin mới nhất

CN,10/11/2024