Bình Thuận: Chuyên nghiệp hóa ngành sản xuất tôm giống

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Toàn tỉnh hiện có 128 cơ sở với 764 trại sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, chủ yếu là tôm giống, trong đó hơn 50 công ty có vốn đầu tư trong nước và 2 công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Gần đây, nhiều cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh không ngừng mở rộng quy mô, đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ để giữ vững uy tín và thương hiệu tôm giống Bình Thuận, trong đó, nhiều công ty lớn đã ứng dụng công nghệ chẩn đoán bệnh thủy sản bằng phương pháp real-time PRC, công nghệ xử lý nước đầu vào phục vụ sản xuất, công nghệ nuôi cấy tảo tươi làm thức ăn cho ấu trùng tôm, công nghệ nâng, giảm nhiệt độ nước trong ương nuôi ấu trùng tôm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng tôm giống. Nhờ đó, Bình Thuận sản xuất và tiêu thụ trên 25 tỷ con tôm giống mỗi năm.

Năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Thuận đã triển khai giám sát cách ly kiểm dịch 72.240 con/82 lô tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhập khẩu. Cùng với đó, giám sát cách ly tôm bố

mẹ của Công ty Cổ phần Việt – Úc nuôi trong nước 17.658 con/23 lô, trong đó 8.058 con/11 lô tôm nuôi từ Bình Thuận và 9.600 con/12 lô tôm nuôi từ Ninh Thuận. Tất cả các lô tôm giống đã được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch xuất tỉnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với các bệnh theo quy định như Hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND); Đốm trắng do virus trên tôm (WSD) và Hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHND).

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện nay tỉnh Bình Thuận có 2 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với các bệnh đăng ký giám sát theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH) và quy định của Việt Nam. Sắp tới, sẽ có 9 doanh nghiệp sản xuất tôm giống đăng ký chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh theo Thông tư số 24 ngày 30/12/2022 của Bộ NN&PTNT quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.

Minh Vân

 

Tin mới nhất

T7,23/11/2024