Bạc Liêu: Tiêu hủy hơn 2,1 triệu con giống thủy sản không có giấy kiểm dịch

Qua kiểm tra 9 cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản, phát hiện và tiêu hủy 4 trường hợp không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật với số lượng 2,12 triệu post sú, thẻ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Sáng ngày 27/5, ông Hà Văn Buôl, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Bạc Liêu cho biết, thực hiện Kế hoạch 174 của UBND tỉnh Bạc Liêu, Thanh tra Sở NN-PTNT tổ chức thanh tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm trong lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh nhằm tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chuyên ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng chức năng tịch thu, tiến hành tiêu hủy con giống thủy sản không có giấy chứng nhận kiểm dịch trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Qua kiểm tra 9 cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản, phát hiện và tiêu hủy 4 trường hợp không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật với số lượng 2,12 triệu post sú, thẻ; 1 trường hợp cho thuê mượn giấy chứng nhận kiểm dịch động vật; lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính 5 trường hợp, với số tiền 33,5 triệu đồng.

Đồng thời Thanh tra Sở phối hợp với các ngành liên quan tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản kiểm tra 10 cơ sở kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản, phát hiện, lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính 5 trường hợp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y hết hiệu lực, với số tiền 62,5 triệu đồng.

Bạc Liêu là một trong những tỉnh có quy mô sản xuất tôm giống lớn nhất trong khu vực ĐBSCL. Toàn tỉnh hiện có 355 cơ sở sản xuất – kinh doanh tôm giống (tôm thẻ chân trắng và tôm sú). Trong đó, có 215 cơ sở sản xuất tôm giống và 140 cơ sở ương dưỡng tôm giống, với tổng công suất thiết kế khoảng 40 tỷ post/năm. Mỗi năm các cơ sở này sản xuất dao động từ 36 – 38 tỷ post. Đồng thời, có 30 cơ sở sản xuất tôm càng xanh giống với công suất thiết kế 1 tỷ post/năm, mỗi năm sản xuất dao động từ 600 – 800 triệu con.

Việc thanh tra kiểm dịch chặt chẽ giống thủy sản lưu thông tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm xử lý nghiêm hành vi vi phạm về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, đồng thời tiến hành xử lý tiêu hủy đối với những lô hàng giống thủy sản không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định. Qua đó góp phần phòng, chống dịch bệnh động vật, bảo vệ và phát triển sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Nguyên Du

Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết

Tin mới nhất

T2,25/11/2024