Thừa Thiên Huế: Chọn giống chất lượng, qua kiểm dịch để thả nuôi

Thời tiết khắc nghiệt trong thời gian qua và dự báo vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp thời gian đến khiến thủy sản nuôi trên các sông, đầm phá, trên cát gặp nhiều rủi ro, nguy hiểm.

Kiểm tra tôm giống vừa thả nuôi

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, bà Phan Thị Thu Hồng thông tin, kết quả phân tích chất lượng nước tại một số điểm cấp nước trên đầm phá, ven biển và trên sông cho thấy, nhiệt độ trung bình trong tháng 4 này cao hơn so với năm trước từ 2-3oC. Đặc biệt, một số điểm như thị trấn Sịa (Quảng Điền), Hải Dương, Hương Phong (TP. Huế) có nhiệt độ trung bình khá cao, có thể ảnh hưởng đến đối tượng nuôi, gây ra các loại bệnh trên tôm sú, tôm chân trắng…

Một số điểm cấp nước vùng cửa biển xã Vinh Hiền (Phú Lộc), xã Điền Hương, Phong Hải (Phong Điền) có độ pH giá trị 7,9-8,2. Vùng đầm phá xã Quảng Công, thị trấn Sịa, xã Hải Dương, Hương Phong, phường Thuận An có độ pH giá trị từ 7,9-8,5 là khá cao. Khi lấy nước vào ao nuôi, độ pH có thể vượt quá giá trị 8,5, nên bà con lưu ý theo dõi để điều chỉnh độ pH trong ao nuôi ổn định, không để độ pH biến động trong ngày quá 0,3 đơn vị.

Các thông số khác như độ mặn, N-NH4+ (hàm lượng amoni), kim loại nặng (sắt), P-PO43- (phốt phát), TSS (tổng chất rắn lơ lửng) đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép để nuôi trồng thủy sản.

Dự báo thời gian đến có nắng nóng gay gắt, nhiệt độ giao động từ 34 – 41oC, đan xen thời tiết thay đổi đột ngột trong thời điểm giao mùa. Vì vậy, tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi diễn biến phức tạp, có thể xảy ra đối với các đối tượng nuôi giáp xác, nhuyễn thể.

Kiểm tra môi trường nước nuôi trồng thủy sản

Chi cục Thủy sản khuyến cáo, trong điều kiện nuôi trồng thủy sản với thời tiết nắng nóng, kết hợp với độ pH các vùng nước cấp khá cao, người nuôi cần chú ý áp dụng thường xuyên các các biện pháp kỹ thuật phù hợp như nuôi với độ sâu thích hợp từ 1,2 – 1,5m, bón vôi CaMg (CO3)2- (dolomite), hoặc CaCO3 (canxi cacbonat) và các loại vi sinh để ổn định pH nước trong ngày; giữ màu nước ổn định, không để xảy ra trường hợp tảo phát triển quá dày đặc và tàn đồng loạt trong ao, đặc biệt đối với ao nuôi tôm sú, tôm chân trắng.

Hiện nay, bệnh mờ đục trên ấu trùng tôm (translucent post – larvae disease, viết tắt là TPD) do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra, làm cho gan tụy và ruột trắng, trong suốt, cơ thể mờ nhạt và teo nhỏ. Việc công bố thông tin và phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm bệnh này đang còn hạn chế.

Theo phản ánh của một số hộ nuôi tôm đã xảy ra hiện tượng tôm giống bị chết nhanh, chết nhiều sau khi thả nuôi; các dấu hiệu bệnh lý như cơ thể nhạt màu, gan mờ, ruột không có thức ăn nên người nuôi lưu ý theo dõi tích cực, thực hiện các biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả.

Với phương châm “phòng bệnh chủ động từ sớm, từ xa”, bà con nuôi trồng thủy sản cần xử lý nước cấp, nước thải theo quy trình kỹ thuật; quản lý tốt môi trường ao nuôi thích hợp và ổn định, bổ sung vitamin, khoáng chất, sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học được phép lưu hành để tăng sức đề kháng cho thủy sản.

Bên cạnh đó, thực hiện thả nuôi giống tôm đảm bảo chất lượng, sạch bệnh, đã qua kiểm dịch và mua giống tại cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.

Hiện nay đang xuất hiện cá kình (rò) trôi vào các cửa biển và vùng đầm phá. Bà con cần theo dõi để có kế hoạch cải tạo ao nuôi, xử lý môi trường, chọn lựa con giống đảm bảo chất lượng tốt để thả nuôi. Cá giống hiện có giá 200 ngàn đồng/kg, cỡ cá khoảng 1.500 con/kg.

Việc giống cá kình trôi vào bờ cũng là thời điểm nguồn nước có nhiều sứa, vi khuẩn Vibrio… phát triển mạnh, làm ảnh hưởng đến các đối tượng nuôi thủy sản khi cấp nước bổ sung cho ao nuôi. Vì vậy bà con cần lưu ý thận trọng trong việc lấy nước vào ao nuôi nhằm phòng các bệnh do virus đốm trắng, đầu vàng…

Thế Hướng

Báo Thừa Thiên Huế

Tin mới nhất

T6,22/11/2024