Nông dân xã Long Hòa: Nâng cao thu nhập từ mô hình tôm càng xanh xen lúa

Chúng tôi có dịp về xã cù lao Long Hòa, huyện Châu Thành – địa phương có mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi thủy sản (tôm càng xanh) khá phát triển và mang lại thu nhập cao. Mặc dù giá thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) đang giảm mạnh, với mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh, nông dân cù lao Long Hòa thu nhập từ 200 – 250 triệu đồng/ha/năm và tỷ lệ rủi ro chỉ chiếm khoảng 10%.

Nông dân Nguyễn Văn Huệ với sản phẩm tôm càng xanh trong ruộng lúa.

Trong vụ thả nuôi tôm càng xanh 2023 – 2024, toàn xã có 1.076 lượt hộ thả nuôi trên 1.092ha lượt diện tích, với 31,05 triệu con giống. Riêng diện tích tôm càng xanh kết hợp với sản xuất lúa được 350ha. Trong đó, lúa hữu cơ 102,3/350ha, với các giống ST24, ST25, OM4900 và OM5451; năng suất đạt 5,5 tấn/ha.

Đồng chí Nguyễn Thanh Cần, Chủ tịch UBND xã Long Hòa cho biết: mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa, là hướng phát triển bền vững; hạn chế rủi ro do dịch bệnh. Đặc biệt, nông dân còn nâng cao giá trị kinh tế trên cùng diện tích, nếu so với nuôi tôm sú hay tôm thẻ chân trắng theo hướng thâm canh rất dễ rủi ro; mô hình tôm càng xanh – lúa tỷ lệ rủi ro rất thấp, chiếm khoảng 10%. Trong những ngày giáp Tết, nguồn tiêu thụ lúa hữu cơ tại địa phương rất mạnh và giá tăng khá cao, góp phần gia tăng nguồn thu nhập cho nông dân…

Nông dân Nguyễn Văn Huệ, ấp Xẻo Ranh, xã Long Hòa cho biết: gia đình có 1,5ha đất trồng lúa hữu cơ kết hợp với nuôi tôm càng xanh. Trong vụ lúa năm 2023 – 2024, gia đình sản xuất giống lúa ST24, năng suất đạt 5,5 tấn/ha và giá bán 16.100 đồng/kg, cho thu nhập trên 80 triệu đồng. Do trồng lúa kết hợp nuôi tôm nên chi phí phân, thuốc cho cây lúa rất thấp, chỉ tốn chi phí thuê thu hoạch lúa (với giá cắt tay, khoảng 07 triệu đồng/ha). Ngoài ra, nguồn tôm thu hoạch thêm khoảng 150 triệu đồng/ha.

Được biết, riêng ở ấp Xẻo Ranh, xã Long Hòa có 235 hộ nuôi thủy sản; trong đó, có 170 hộ thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp lúa. Trong vụ tôm càng xanh năm 2023 – 2024, trên 97% hộ nuôi thành công, lợi nhuận thấp nhất là 50 triệu đồng/ha; riêng mô hình nuôi tôm càng xanh theo hướng chuyên canh của hộ ông Trần Văn Tiến, thu nhập 600 triệu đồng/ha.

Hiện nay, mô hình nuôi tôm càng xanh của nông dân cù lao Long Hòa được ứng dụng với nhiều tiến bộ kỹ thuật; đặc biệt, là chuyển đổi từ nuôi 01 giai đoạn sang 02 giai đoạn. Qua đó, giúp người nuôi tôm càng xanh kéo giảm tỷ lệ hao hụt về con giống dưới 20% so với trước đây và người nuôi có thể tăng số vụ nuôi tôm càng xanh/năm.

Nông dân Trần Văn Tâm, ấp Xẻo Ranh, xã Long Hòa chia sẻ: giai đoạn từ lúc thả tôm giống đến thu hoạch khoảng 10 tháng. Khi nuôi 02 giai đoạn, ở giai đoạn 1 thực hiện nuôi từ con tôm post lên tôm lóng khoảng 03 tháng (mật độ 15 con/m2); sau đó thả tôm ra môi trường ao nuôi và nuôi thêm thời gian khoảng 06 – 07 tháng thì thu hoạch. Nuôi theo hình thức 02 giai đoạn, giúp người nuôi giám sát được lượng thức ăn cho tôm; quá trình tôm phát triển và tránh tình trạng tôm ăn lẫn nhau (quá trình tôm lột, chênh lệch độ đồng đều của tôm…).

Cũng theo nông dân Trần Văn Tâm, hiện gia đình thực hiện mô hình ao ương (15.000 con giống/ao/đợt) và thời gian cách nhau 03 tháng sẽ ương 01 ao tôm post lên tôm lóng, nên gia đình luôn có lượng tôm thả quanh năm với 01ha mặt nước. Vụ tôm năm 2023 – 2024, gia đình thả nuôi 50.000 con tôm giống (03 đợt ương giống), đạt sản lượng 1,3 tấn tôm thương phẩm, thu vào trên 300 triệu đồng, với giá bán bình quân 240.000 đồng/kg (loại 07-10 con/kg). So với giá tôm Tết năm 2023, giá tôm Tết năm nay giảm khoảng 30.000 – 40.000 đồng/kg.

Bên cạnh phát triển diện tích nuôi tôm càng xanh xen trong ruộng lúa theo hướng hữu cơ, cù lao Long Hòa còn được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh triển khai mô hình nuôi tôm VietGAP; nhằm hướng đến việc xây dựng giá trị thương hiệu cho tôm sạch, tôm hữu cơ. Cuối năm 2023, xã Long Hòa đã có 02 tổ kinh tế hợp tác nuôi tôm càng xanh theo hướng VietGAP được công nhận ở ấp Rạch Gốc và Bùng Binh; với tổng diện tích 50,73ha/80 hộ.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Thanh Cần, hiện nay, địa phương có sản phẩm gạo hữu cơ Long Hòa – Hòa Minh được công nhận và nâng cao được giá trị   hạt gạo của vùng đất cù lao. Đối với tôm càng xanh thương phẩm, phần lớn do các thương lái từ Bến Tre qua mua, chưa hình thành được chuỗi cung ứng khép kín từ ao nuôi đến người tiêu dùng. Qua việc xây dựng và hoàn thành mô hình nuôi tôm càng xanh VietGAP, các ngành của tỉnh và doanh nghiệp nên tạo liên kết về đầu ra sản phẩm với các hộ nuôi tôm càng xanh VietGAP để lan tỏa giá trị tôm càng xanh nuôi theo hướng hữu cơ…

Hữu Huệ

Nguồn: baotravinh.vn

Tin mới nhất

T6,22/11/2024