Thủy sản vượt thách thức

Dù còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức nhưng giới chuyên gia dự báo, xuất khẩu thủy sản sẽ đạt 9,5 tỷ USD trong năm nay nhờ những cú ‘bẻ lái’ thị trường xuất khẩu, sản phẩm xuất khẩu.

Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: M.Hoa.

Thách thức mới trong năm 2024

Theo VASEP, năm 2023, xuất khẩu thủy sản dường như quay trở lại với quỹ đạo thông thường là tăng dần từ quý II, đạt cao nhất vào quý III là giai đoạn các đơn hàng tăng để phục vụ nhu cầu cuối năm, và quý IV thường thấp hơn quý III. Điều đó cho thấy tín hiệu thị trường và tình hình kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp (DN) thủy sản đang dần trở lại bình thường.

Giá các loài thủy sản sẽ tăng trở lại từ quý II và có thể tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2024. Mặc dù có những tín hiệu tích cực nhưng theo bà Lê Hằng – Giám đốc truyền thông VASEP, xu hướng tăng đơn hàng và những biến động địa chính trị, các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) với Nga, của Trung Quốc với Nhật Bản… sẽ gây ra thiếu hụt cục bộ về nguồn cung thủy sản ở những thị trường lớn này. Do vậy, lượng hàng tồn kho sẽ giảm mạnh và dự đoán sẽ cạn kiệt trong nửa đầu năm.Từ đó có thể suy luận xu hướng giá thấp của năm trước sẽ chấm dứt trong năm nay. Dự báo giá các loài thủy sản sẽ tăng trở lại từ quý II và có thể tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, điều DN lo ngại nhất là xung đột ở Trung Đông có nguy cơ làm xáo trộn thương mại toàn cầu, trong đó có thủy sản. Bất ổn ở Biển Đỏ đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong đó, các hãng tàu định tuyến lại tuyến đường của họ, do đó, hành trình vận chuyển giữa châu Á, châu Âu và Bờ Đông Bắc Mỹ trở nên dài hơn. Giá cước vận tải tăng mạnh và bảo hiểm hàng hóa tăng. Ngoài ra, có thông tin cho rằng, tuyến vận chuyển qua kênh đào Panama cũng bị ảnh hưởng vì mực nước thấp, khiến lưu lượng vận tải container qua đây bị giảm.

“Thách thức mới của thương mại thủy sản toàn cầu năm nay là vận tải biển qua cả kênh đào Suez và Panama đều gặp khó. Hệ lụy có thể là hàng hóa bị ứ đọng, thiếu tàu container và container rỗng. Việc này sẽ chi phối chuỗi cung ứng và có nguy cơ làm cho tình trạng lạm phát toàn cầu nghiêm trọng hơn” – bà Hằng đánh giá.

Biến thách thức thành cơ hội

Theo bà Hằng, sự nỗ lực và linh hoạt của DN đã đưa ngành thủy sản Việt Nam vượt qua giai đoạn Covid -19 với những thách thức tương tự về logistics làm đứt gãy chuỗi cung ứng.

“Có thể sẽ có những cú “bẻ lái” về thị trường xuất khẩu, sản phẩm xuất khẩu và biến thách thức thành cơ hội. Ví dụ,Trung Quốc có thể sẽ thu hút nhiều DN hơn trong năm nay, vì vị trí địa lý gần, chi phí vận chuyển thấp, dễ kiểm soát hơn” – bà Hằng nhận định và cho rằng, quan trọng hơn là Trung Quốc sẽ bị giảm nguồn cung từ Ecuador, do vậy, thị trường này sẽ phải bù đắp nguồn cung từ Việt Nam và các nước châu Á khác.

Một ví dụ khác về xu hướng sản phẩm xuất khẩu. Với những đặc thù dễ bảo quản, thời hạn lâu, giá hợp lý, thủy sản đóng hộp, đóng túi và hàng khô sẽ có nhiều nhu cầu hơn trong năm nay trong bối cảnh của chiến tranh, xung đột và lạm phát.

“Năm 2024, vẫn còn những khó khăn thách thức từ năm trước và thêm thách thức mới là xung đột ở Trung Đông, nhưng với sự nỗ lực, nhạy bén và khả năng thích ứng của DN thủy sản, cùng với những tín hiệu hồi phục thị trường, dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ đạt 9,5 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023” – bà Hằng nhận định.

Dù có những tín hiệu lạc quan nhưng theo các chuyên gia, để ngành thủy sản tăng trưởng bền vững, cần sự chung tay của Chính phủ, chính quyền địa phương, các mắt xích trong toàn chuỗi. VASEP đã có Công văn báo cáo số 01/BC-VASEP gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả sản xuất xuất khẩu thủy sản 2023 – cơ hội, thách thức trong 2024 và các kiến nghị giải pháp củng cố, gia tăng năng lực cạnh tranh ngành hàng.

Theo đó, VASEP báo cáo Thủ tướng về thực trạng giá thức ăn đang cao, tác động rất lớn đến hoạt động nuôi và giá thành nguyên liệu – là một nhân tố chính khiến sản phẩm thủy sản nuôi của Việt Nam đang rất khó cạnh tranh với các quốc gia khác (Ecuador, Ấn Độ…). VASEP kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chính sách kiểm soát về giá thức ăn nhằm ổn định giá thành nguyên liệu, tăng sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam.

Chi phí thức ăn nuôi tôm chỉ chiếm 30-40% chi phí nuôi. Do giá thức ăn tôm cao, hơn 30,000đ/kg nên khi tăng 3,000 – 5,000đ/kg thì xem như tăng 10-15%. Ngoài chi phí thức ăn, thì chi phí điện tăng đáng kể (chiếm 10% chi phí nuôi tôm, đặc biệt đối với nuôi công nghệ cao), tuy nhiên giá điện nuôi tôm hiện nay được tính theo giá điện dịch vụ và theo nhiều mức giá khác nhau nên ảnh hưởng đến giá thành nuôi nguyên liệu

Theo bà Kim Thu, chuyên gia ngành Tôm của VASEP, nắm bắt cơ hội, nhưng thách thức không ít, ngành tôm cần sự chung tay của Chính phủ, chính quyền địa phương, các mắt xích trong toàn chuỗi. Ngành chế biến phải không ngừng tiếp cận xu thế người tiêu dùng, thị trường để có sản phẩm mới đáp ứng kịp thời nhất. Ngành nuôi cần có sự căn cơ hơn, tổ chức sản xuất quy mô lớn hơn nhằm có nền tảng quy hoạch tổng thể khu nuôi mang tính khoa học, hợp lý cũng như thuận lợi trong việc đầu tư trang bị các thành quả khoa học kỹ thuật để nâng cao tính chủ động, giảm thiểu rủi ro, nâng cao năng suất. Với sự cạnh tranh mạnh từ các nước sản xuất đối thủ, hiện tại ngành tôm nên tập trung vào khâu nuôi nhiều hơn để chất lượng và giá thành ổn định, giúp tăng khả năng cạnh tranh của con tôm Việt.

Khanh Lê

Báo Đại Đoàn Kết

Tin mới nhất

T5,21/11/2024