Một năm khó khăn cho tôm giống Bình Thuận

Năm 2023, mặc dù theo số liệu từ ngành chức năng sản lượng tôm giống đạt 25,5 tỷ/KH 25,5 tỷ post (đạt 100% KH), bằng xấp xỉ so cùng kỳ. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất tôm giống trong tỉnh nhận định tình hình tiêu thụ tôm giống trong năm gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng giá tôm thịt trên thế giới và thị trường trong nước giảm, mức tiêu thụ và xuất khẩu giảm.

Môi trường nuôi ô nhiễm

Tôm giống Bình Thuận được nuôi tập trung ở xã Vĩnh Tân – huyện Tuy Phong được xem là có chất lượng và cung cấp cho thị trường cả nước. Toàn tỉnh có 147 cơ sở/785 trại/12.100 bể ương. Vùng biển Vĩnh Tân có ít nước ngọt từ sông ngòi đổ ra biển nên có độ mặn ổn định quanh năm, giàu hàm lượng khoáng, các yếu tố lý hóa rất hợp với nuôi tôm giống. Đặc biệt, khu vực này có vực sâu, nhiều rạn san hô có tác dụng lọc nước biển mà ít nơi nào trong cả nước có được. Tuy nhiên, gần đây tình hình sản xuất tôm giống gặp rất nhiều khó khăn. Môi trường nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất tôm giống của nhiều cơ sở khi nước biển ven bờ khu vực xã Vĩnh Tân thường xuyên bị đục, bùn xuất hiện nhiều trong các ao lắng khi các cơ sở lấy nước phục vụ sản xuất, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của tôm bố mẹ và sự phát triển của các giai đoạn ấu trùng tôm.

Trong năm, giá tôm thương phẩm giảm trong khi giá vật tư đầu vào tăng cao.

Bên cạnh đó, giá tôm thương phẩm giảm trong khi giá vật tư đầu vào tăng cao, môi trường nuôi lại ô nhiễm nên người nuôi rất dè chừng, khiến diện tích thả nuôi thu hẹp dần. Một số hộ khác đã chuyển đổi từ nuôi tôm sang nuôi ốc hương, cá chẽm. Mặc dù tỉnh có nhiều cơ sở kinh doanh tôm giống, nhưng số cơ sở đầu tư đạt chuẩn còn quá ít. Trong khi, bài toán quy hoạch vùng sản xuất tôm giống còn đang dở dang khiến nguồn sản phẩm đắt giá này có nguy cơ bị lấn át bởi nguồn sản phẩm tôm giống nhập ngoại đang tìm cách xâm nhập ồ ạt vào thị trường.

Thời gian qua, Chi cục Thủy sản đã tăng cường triển khai công tác quản lý thời hạn sử dụng tôm bố mẹ và công tác kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định. Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp sản xuất tôm giống lớn trên địa bàn tỉnh đã đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất tôm giống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng tôm giống như: công nghệ chẩn đoán bệnh thủy sản bằng phương pháp RT-PCR, công nghệ xử lý nước đầu vào phục vụ sản xuất, công nghệ nuôi cấy tảo tươi làm thức ăn cho ấu trùng tôm, công nghệ nâng, giảm nhiệt độ nước trong ương nuôi ấu trùng tôm.

Kiểm tra bể ương tôm giống ở Vĩnh Tân.

Đầu tư công nghệ

Ông Lê Thanh Sơn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận cho biết: “Để giữ vững và mở rộng thị trường tiêu thụ, hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất quan tâm đầu tư công nghệ sản xuất tôm giống theo hướng chất lượng cao, kháng bệnh, không sử dụng kháng sinh. Đối với nguồn tôm bố mẹ, Công ty CP Thủy sản Việt Úc là đơn vị tiên phong đã thành công trong việc nghiên cứu tự sản xuất nguồn tôm bố mẹ, có thể truy xuất nguồn gốc, giống có tỷ lệ sống cao, có sức đề kháng và thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, không còn phụ thuộc vào nguồn nhập ngoại như Mỹ, Thái Lan, Singapore…”.

Nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư công nghệ sản xuất tôm giống theo hướng chất lượng cao.

Thêm vào đó, sắp tới, sản phẩm tôm Bình Thuận được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý sẽ tạo tiền đề cho việc quản lý chất lượng sản phẩm tôm ngày một tốt hơn, góp phần mở rộng khu vực sản xuất, tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân nuôi và kinh doanh tôm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được hưởng lợi nhiều hơn từ giá trị thương hiệu tôm Bình Thuận. Ngoài ra, Bình Thuận vừa là tỉnh có tiềm năng rất lớn về du lịch, kết hợp với việc sản phẩm tôm Bình Thuận được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý không những tạo nên danh tiếng, nâng cao giá trị của sản phẩm tôm, mà còn thu hút đầu tư và quảng bá phát triển dịch vụ du lịch cho Bình Thuận.

Tôm Bình Thuận sẽ được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm đã được chứng nhận về Global Gap, Bap và ASC với tổng diện tích khu nuôi là 121 ha. Chi cục Thủy sản đã tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản cho 32 cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè và 25 cơ sở đăng ký đối tượng nuôi chủ lực (tôm thẻ chân trắng) theo quy định. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thu hút được các doanh nghiệp tiềm lực công nghệ, tài chính đầu tư vào khu sản xuất giống thủy sản tập trung Chí Công (giai đoạn 1). Đến nay, đã có 5 doanh nghiệp được UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT thông báo chấp thuận vị trí đất theo sơ đồ phân lô để thực hiện thủ tục đầu tư, lập dự án đầu tư sản xuất tôm giống công nghệ cao (diện tích 5 doanh nghiệp lập dự án là 37 ha/69 ha tổng diện tích đất thương phẩm); trong đó, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư với tổng vốn đầu tư 460 tỷ đồng, Công ty TNHH Sản xuất tôm giống Nam Trung Bộ đã thẩm định dự án đạt tiêu chí ứng dụng công nghệ cao, vốn đầu tư 120 tỷ đồng.

Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện quy định, chính sách về đất đai đối với doanh nghiệp thuê đất đầu tư sản xuất tôm giống tại Khu sản xuất giống thủy sản tập trung Chí Công. Tuy nhiên đến nay do vướng mắc thủ tục giao đất nên hai công ty này chưa được xây dựng trại tôm giống.

Minh Vân

Báo Bình Thuận

Tin mới nhất

T6,22/11/2024