VASEP: Đề xuất Thủ tướng loạt giải pháp tăng năng lực cạnh tranh cho ngành thuỷ sản

Hỗ trợ tích cực trong điều tra chống trợ cấp của Mỹ đối với ngành tôm, xem xét bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc, có chính sách kiểm soát giá thức ăn nhằm ổn định giá thành nguyên liệu… là những đề xuất được VASEP trình lên Thủ tướng Chính phủ nhằm củng cố và tăng năng lực cạnh tranh cho ngành thuỷ sản.

Năm 2023, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đạt 9,2 tỷ USD, đạt 92% so với kế hoạch (10 tỷ USD).

Theo Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), ngành thuỷ sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2024 khi nguồn lợi hải sản suy giảm, EC vẫn giữ cảnh báo “thẻ vàng”, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chưa có dấu hiệu hồi phục là những khó khăn ngành thủy sản tiếp tục phải đối mặt trong năm 2024.

Ngày 9/1, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã trình Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và các Bộ trưởng: Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Công Thương, NN&PTNT, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ báo cáo về kết quả sản xuất, xuất khẩu thủy sản năm 2023; cơ hội, thách thức trong 2024.

Trong công văn trình Thủ tướng Chính phủ và các đơn vị liên quan, VASEP kiến nghị 8 giải pháp nhằm củng cố, gia tăng năng lực cạnh tranh cho ngành thuỷ sản.

Thứ nhất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT hỗ trợ tích cực trong vụ điều tra chống trợ cấp của Mỹ đối với ngành tôm Việt Nam để ngành tôm có thể vượt qua các giai đoạn điều tra trong thời gian tới.

Thứ 2, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương quan tâm và chỉ đạo việc xem xét bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại VKFTA tại kỳ rà soát trong năm 2024.

VASEP đề xuất Thủ tướng và các đơn vị liên quan 8 giải pháp tăng năng lực cạnh tranh cho ngành thuỷ sản.

Thứ 3, VASEP cho biết, hiện giá thức ăn nuôi trồng thủy sản đang ở mức cao, là nhân tố chính khiến sản phẩm thủy sản nuôi của Việt Nam đang rất khó cạnh tranh với các quốc gia khác.

Do đó, VASEP kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chính sách kiểm soát giá thức ăn nhằm ổn định giá thành nguyên liệu, tăng sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam.

Cụ thể, hiệp hội này đề xuất giảm thuế nhập khẩu bã đậu nành để sản xuất thức ăn cho cá xuống 0% và tính điện 1 giá cho cơ sở nuôi tôm.

Thứ tư, về vấn đề giống tôm nuôi và cá tra, để bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất đạt chất lượng, giảm giá thành sản xuất, VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT tổng kết chương trình giống cá tra đã triển khai. Có các chính sách hỗ trợ đặc thù cho các đơn vị sản xuất giống cá tra theo quy chuẩn. Đồng thời, tăng cường kiểm soát chất lượng con giống, bảo đảm không có con giống kém chất lượng, dịch bệnh ra thị trường.

Thứ 5, kiến nghị Thủ tướng cùng Bộ NN&PTNT chỉ đạo xem xét, rà soát các quy định kiểm soát an toàn thực phẩm hiện hành của Việt Nam và châu Âu. Theo đó, điều chỉnh, sửa đổi phù hợp quy định kiểm soát an toàn thực phẩm nguyên liệu hải sản khai thác nhập khẩu để chế biến xuất khẩu vào EU.

Thứ 6, kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét thay đổi quy định trong quy trình xác nhận truy xuất nguồn gốc IUU hiện nay. Đó là cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (S/C) ngay cho chủ hàng khi chủ hàng đã hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu có sự giám sát của nhân viên cảng về chủng loại, khối lượng… tại cảng cá.

Thứ 7, kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét bổ sung quy định kiểm dịch đối với hàng thủy sản chuyển mục đích sử dụng sang tiêu thụ nội địa có nguồn gốc nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu hoặc gia công xuất khẩu.

Thứ 8, VASEP kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cùng Bộ NN&PTNT quan tâm chỉ đạo 2 việc quan trọng: Thiết lập hệ thống dữ liệu đầu vào nguyên liệu, liên thông từ cảng cá đến trung ương; có kế hoạch xây dựng chợ đấu giá hải sản.

Theo hiệp hội này, đây là cơ sở hạ tầng để làm tiền đề cho phát triển nghề cá bền vững và kinh tế biển.

Nguyệt Minh
Nguồn: doanhnghiepvn.vn

Tin mới nhất

T6,22/11/2024