Kỹ thuật nuôi tôm 3 giai đoạn: Tăng năng suất, giảm ảnh hưởng môi trường

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nghề nuôi tôm nói riêng. Đồng thời môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh luôn thường trực và có nguy cơ bùng phát cao… Mặt khác thì giá cả thị trường bất ổn, chu kỳ “mất mùa được giá, được mùa mất giá” vẫn cứ xoay quanh, chi phí vật tư đầu vào (giống, thức ăn,…) vẫn tăng từng ngày làm ảnh hưởng rất lớn tới thu nhập người nông dân trong nghề nuôi tôm.

Vì vậy, việc tìm ra giải pháp nuôi hiệu quả, cải tiến kỹ thuật nhằm giảm thiểu dịch bệnh; giảm chi phí sản xuất; tăng năng suất, nâng cao chất lượng tôm thương phẩm, nâng cao thu nhập là vấn đề rất cần thiết cho nghề nuôi tôm. Để giúp người nuôi nuôi tôm giảm thiểu rủi ro và mang lại hiệu quả kinh tế cao chúng tôi xin giới thiệu kỹ thuật nuôi tôm 3 giai đoạn giúp tăng năng suất, giảm ảnh hưởng môi trường.

Ảnh: Internet

I. Bố trí hệ thống ao nuôi.
Hệ thống nuôi được đảm bảo có hệ thống xử lý nước đầu vào, ao cấp sẵn sàng, ao gièo, ao nuôi, hệ thống sục khí và ao chất thải được bố trí hợp lý.

Diện tích các ao nuôi ở hệ thống:

STT Hạng mục Tỉ lệ diện tích so với tổng diện tích nuôi (%) Diện tích tham khảo thiết kế (m²)
1 Ao gièo 1 – 2 % 150 – 200
2 Ao nuôi giai đoạn 2 10 – 12 % 600 – 1000
3 Ao nuôi giai đoạn 3 20 – 25 % 1000 – 2000
4 Ao xử lý nước + ao sẵn sàng 40 – 50 % 5000 – 6000
5 Công trình phụ trợ (nhà ở, kho…) 2 – 4 % 400 – 500
6 Ao chứa chất thải 8 – 10 % 1000 – 1200

Sơ đồ hệ thống ao nuôi:

Giai đoạn 1:

Tôm được ương gièo trong ao có diện tích khoảng 150 – 200 m², hình tròn hoặc vuông, có mái che, được lót bạt HDPE toàn bộ. Hệ thống sục khí được bố trí dàn đều quanh ao (2m²/ vỉ khí). Đây là giai đoạn giúp hạn chế được biến động của môi trường do thời tiết, tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, quản lý sức khỏe của con tôm, giảm tỉ lệ hao hụt và tăng tỉ lệ sống. Ao ương gièo có diện tích nhỏ giúp giảm chi phí nuôi (điện, nước, thức ăn kiểm soát tốt…). Giai đoạn này tôm có thể đạt kích thước từ 1 – 2g/con. Khi sang qua giai đoạn 2 chúng ta có thể kiểm tra tỉ lệ sống của tôm nhằm tính toán lượng thức ăn hợp lý cho giai đoạn 2.

Giai đoạn 2:

Tôm sau khi ương gièo ở giai đoạn 1 sẽ chuyển qua các ao ở giai đoạn 2 có diện tích từ 600-1000 m² bằng đường ống sang tôm. Ao có hình tròn hoặc hình vuông, lót bạt HDPE toàn bộ và có mái che bằng lưới lan, độ ngập nước trong ao từ 1.2 – 1.5m. Hệ thống sục khí được rải đều quanh ao (3m²/ vỉ khí), không rải ở khu vực rốn. Hệ thống quạt ở ao từ 2 – 4 dàn tùy độ gom chất thải của ao và hiệu suất cung cấp oxi ở mỗi dàn quạt. Sau khi ương gièo, tôm vẫn còn nhỏ nhưng cần được môi trường lớn hơn, môi trường nước sạch hơn, cùng với đó là có nguồn thức ăn đầy đủ hơn giúp tôm nhanh phát triển.

Giai đoạn 3:

Ở giai đoạn này, tôm đã phát triển lớn, cần không gian lớn hơn. Diện tích ao nuôi từ 1000 – 2000m². Được lót bạt HDPE và có lưới lan che nắng. Hệ thống sục khí và bố trí quạt cũng như ở ao giai đoạn 2 (có thể giảm mật độ vỉ khí xuống 5m²/ vỉ khí nhằm tiết kiệm chi phí). Mật độ nuôi ở giai đoạn này bà con có thể áp dụng từ 150 – 250 con/m².

Một số lưu ý khi bố trí các ao:

– Ao sẵn sàng nên bố trí 1 dàn quạt nhằm đảo nước tốt, tránh nước bị tù.

– Hệ thống hố xiphong ở các ao nuôi cần bố trí lỏm sâu giữa ao nhằm gom chất thải tốt hơn.

– Ao thải có thể tận dụng mặt nước để nuôi thêm một số loài cá ăn tạp như rô phi, cá đối… nhằm tăng nguồn thu và xử lý nước.

II. Quy trình nuôi:

Vấn đề xử lý nước đầu vào luôn được đặt lên hàng đầu nhằm hạn chế nguồn nước ô nhiễm gây bệnh cho tôm, đảm bảo luôn có nước sạch cung cấp cho suốt vụ nuôi. Nước được bơm qua túi lọc có kích thước từ 25 – 50µm, sau đó qua hệ thống đường ziczac được bố trí hệ thống nhỏ giọt các hóa chất diệt khuẩn (như KMnO4, TCCA…). Tiếp đến vẫn trên đường ziczac này bố trí hệ thống sục khí nhằm loại bỏ hóa chất diệt khuẩn có trong nước. Phần cuối của đường ziczac được bố trí hệ thống giá thể để nhằm loại bỏ chất rắn lơ lững trong nước tốt hơn (lưu ý nên vệ sinh giá thể thường xuyên). Nước ở 2 ao sẵn sàng được sử dụng luân phiên nhằm đạt được hiệu quả lắng tối đa.

1. Chăm sóc ao ương:

Trước hết bà con cần lưu chọn giống có chất lượng giống tốt, khỏe mạnh có nguồn gốc tôm bố mẹ rỏ ràng, có quy trình sản xuất giống tốt và chọn các cơ sở giống uy tính. Mật độ thả trong ao gièo là từ 2-3 con/lít .

Nước trong ao gièo được kiểm tra các chỉ số môi trường và tiến hành gầy floc. Bà con có thể sử dụng nhiều loại vi sinh khác nhau để gây floc theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Hoặc theo công thức sau: 180l nước sạch + 2kg cám gạo + 2kg thức ăn số 0 + 5kg mật đường +1kg muối ăn + 0,5kg chế phẩm sinh học có thành phần gồm Bacillislicheniformis 108CFU/kg, Bacillus megaterium 10CFU/kg, Bacillus polymyxa 108 CFU/kg. Sục khí sau 48h thì cho xuống ao, đánh liên tục hàng ngày để tạo floc. Floc có yếu tố quan trọng giúp tôm luôn có lượng thức ăn sẳn sàng, đồng thời floc làm ổn định môi trường ao nuôi tốt hơn, hạn chế sự phát triển của khí độc trong ao gièo.

Lượng thức ăn cho ăn được tính theo trọng lượng và số lượng tôm post khi thả, trung bình từ 1.5-2kg/500.000 post/ngày đầu tiên. Tăng trung bình từ 20-25% lượng thức ăn/ngày tùy theo sức ăn của tôm. Cho ăn 7 lần/ngày trong tuần đầu tiên, giảm xuống 6 lần/ngày trong tuần thứ 2 và 5 lần/ngày trong tuần thứ 3 và thứ 4.

Bổ sung lượng khoáng, vi sinh duy trì floc, kiểm tra chất lượng floc và sức khỏe tôm hàng ngày để có biện pháp xử lý kịp thời và ghi vào nhật ký nuôi. Sau từ 20-25 ngày nuôi tôm đạt trọng lượng từ 1000-2000con/kg thì tiến hành sang qua ao giai đoạn 2.

2. Ao nuôi giai đoạn 2

Khi thời gian nuôi giai đoạn ương từ 15 ngày thì chúng ta tiến hành lấy nước vào ao nuôi giai đoạn 2 cho tiến hành chạy quạt và gầy floc trong ao. Phương pháp gầy floc như gầy ở giai đoạn ao ương nhưng số lượng lớn hơn phù hợp với ao nuôi.

Trước khi sang tôm cần kiểm tra các chỉ số môi trường ở ao nuôi, sau đó xả bớt dần đến 50% nước trong ao gièo và bơm nước từ ao nuôi giai đoạn 2 vào ao gièo để thuần tôm, sau đó tiến hành sang tôm.
Trong giai đoạn này lượng thức ăn tính toán được dựa vào trọng lượng tôm theo bảng sau:

Bảng 1: Cho ăn dựa vào trọng lượng tôm.

Trọng lượng tôm (g) Lượng thức ăn (%)
2 9.5
3 5.8
5 5.3
7 4.1
10 3.3
12 3
15 2.6
20 2.1
25 1.5
30 1.3

Mật độ nuôi có thể đạt từ 400-600 con/m². Sau khoảng thời gian nuôi từ 25-35 ngày thì tôm có thể đạt kích thước từ 100-130 con/kg thì ta tiến hành sang ao giai đoạn 3. Giai đoạn này tôm phát triển nhanh nên việc chuyển số thức ăn để phù hợp với kích thước tôm rất quan trọng, tránh hiện tượng phân đàn. Vì vậy cần kiểm tra chất lượng nước, thức ăn dư thừa hay thiếu, sức khỏe tôm thường xuyên để điều chỉnh kịp thời. Lượng nước thay trong giai đoạn này từ 20-25%.

3. Ao nuôi giai đoạn 3
Sau khi nuôi giai đoạn 2 tôm phát triển và có trọng lượng từ 6-8g thì tiến hành sang qua ao nuôi giai đoạn 3.
Trình tự lấy nước và gầy floc tương tự như giai đoạn 2. Trong giai đoạn này lượng vi sinh sẽ đánh tùy theo môi trường nước của ao nuôi, không sử dụng theo liệu trình trên lý thuyết nhằm hạn chế chi phí. Lượng nước thay cũng đảm bảo trong khoảng từ 20-25%. Thức ăn cũng được tính theo bảng 1 và tình hình thực tế sức ăn của tôm để điều chỉnh phù hợp.

Một số lưu ý khi bà con chăm sóc cho ăn.

– Thời tiết nắng nóng và mưa dông đột ngột nên hạn chế cho ăn và tập trung vào những bữa ăn có điều kiện thời tiết ổn hơn.

– Bổ sung viamin và khoáng vào buổi sáng, men vi sinh đường ruột vào buổi chiều tối vào thức ăn giúp tôm phát triển và tăng sức đề kháng tốt hơn.

– Đảm bảo oxy hòa tan luôn trên 5mg/l.

– Xiphong sạch sau bữa ăn nhằm hạn chế tối đa sự phát triển của vi khuẩn gây hại và khí độc.

– Nước xiphong được đưa vào ao chứa chất thải và tận dụng để nuôi cá dìa, cá đối, rô phi đơn tính…sau đó thải ra ngoài môi trường hoặc tận dụng lại nguồn nước./.

III. Hiệu quả có thể đạt được:

Trong năm bà con có thể xoay vòng được vụ nuôi từ 4-5 vụ/năm. Diện tích nhỏ dễ quản lý, đầu tư chí phí ít hơn nhưng năng suất luôn được đảm bảo.

Với giai đoạn 1, lợi ích thấy rõ là giảm chi phí trong tháng nuôi đầu tiên, trong giai đoạn ương, tôm được nuôi ở ao ương có diện tích nhỏ nên dễ quản lý lượng thức ăn. Lượng thức ăn giai đoạn ương thấp hơn nhiều so với so với quy trình nuôi tôm 1 giai đoạn trong 30 ngày đầu (khoảng 30%). Ngoài ra, nuôi tôm 3 giai đoạn giảm được rủi ro về tác động của môi trường, nhiệt độmôi trường nuôi mới hơn, xử lý môi trường mình chủ động hơn nên hiệu quả nuôi cao hơn.

Trong quá trình nuôi tôm sử dụng men vi sinh không dùng hóa chất và kháng sinh để quản lý các yếu tố môi trường, nên chất lượng tôm nuôi rất đảm bảođáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và xuất khẩu.

Trương Thị Quyết – Lê Văn Lưu – TTKN
Nguồn: khuyennong.quangtri.gov.vn

Tin mới nhất

T6,22/11/2024