Doanh nghiệp thủy sản kiến nghị loạt vướng mắc cần tháo gỡ

Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vẫn đang đối mặt vướng mắc về kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng, hướng dẫn thuế với phế phẩm, phụ phẩm thủy hải sản.

Xuất khẩu vẫn giảm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,27 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm chiếm 38,1% kim ngạch xuất khẩu thủy sản với giá trị đạt 3,15 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2022.

Đối với mặt hàng cá tra, tính tới hết tháng 11 năm 2023, xuất khẩu cá tra đã đạt gần 1,7 tỷ USD, vẫn thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trung bình xuất khẩu cá tra giảm ở các thị trường chính, nhất là Mỹ và Trung Quốc đã kéo giá trị xuất khẩu cá tra xuống thấp hơn so với năm 2022.

Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang cho biết, mặc dù ngành có phục hồi nhưng lượng đơn hàng cá tra tính đến hiện tại vẫn rất ít và khó bán ra kể cả nội địa. “Cuối năm rồi mà thị trường vẫn khó khăn như thế này thì mục tiêu 10 tỷ USD của ngành có lẽ không hoàn thành được”, ông Văn nói.

Với diễn tiến hiện nay, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 ước tính sẽ đạt khoảng 9 tỷ USD, giảm 18% so với năm 2022. Trong đó, tôm sẽ thu về khoảng 3,4 tỷ USD, ít hơn 21% so với năm ngoái, cá tra ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 25%, cá ngừ đạt 850 triệu USD, giảm 15%; xuất khẩu mực, bạch tuộc ước đạt 660 triệu USD, giảm 14%.

Doanh nghiệp thủy sản vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn

Nhận định về thị trường xuất khẩu thời gian tới, theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng nhập khẩu mạnh trong quý cuối năm 2023 để bù đắp cho mùa tiêu dùng cao điểm tháng 12 năm nay và tháng 1-2/2024. Nhu cầu tôm ở Đông Nam Á và Viễn Đông dự kiến cải thiện vào cuối năm do lễ Giáng sinh và Tết.

“Lạm phát đang giảm ở tất cả các nước lớn ở châu Âu. Tuy nhiên, các thương nhân không muốn bắt đầu mua hàng cho dịp Giáng sinh do nhu cầu đối với các loài giáp xác, bao gồm cả tôm, vẫn yếu”, bà Hằng nhìn nhận.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Trước những khó khăn về thị trường, trong văn bản gửi đến Văn phòng Chính phủ và Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính của doanh nghiệp thủy sản tháng 11/2023 mới đây, VASEP tiếp tục nêu nhiều bất cập mà các doanh nghiệp tại các địa phương gặp phải.

Những khó khăn, vướng mắc được VASEP nêu ra gồm 4 vấn đề chính: Bất cập trong hướng dẫn về mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với phế phẩm, phụ phẩm thủy hải sản; bất cập trong việc xuất hóa đơn hàng bán bị trả lại của doanh nghiệp, khó khăn trong kê khai khấu trừ thuế GTGT đối với hóa đơn của cơ sở kinh doanh bỏ trốn, ngừng hoạt động; quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra mỗi năm.

Về bất cập, trong hướng dẫn về mức thuế GTGT đối với phế phẩm, phụ phẩm thủy hải sản, VASEP cho biết, các công ty chế biến thủy hải sản có cả mặt hàng thủy hải sản đông lạnh (không qua gia nhiệt) và mặt hàng đông lạnh đã qua hấp, luộc chín. Nguyên liệu thủy sản sử dụng đầu vào của hai mặt hàng này đều giống nhau. Tuy nhiên, thuế suất thuế GTGT áp dụng khi xuất bán phế liệu của hai loại mặt hàng trên lại khác nhau.

Do đó, hiệp hội kiến nghị Bộ Tài chính xem xét có văn bản hướng dẫn cho tất cả các Cục thuế địa phương và doanh nghiệp để các loại phế liệu, phế phẩm, phụ phẩm thủy – hải sản (dù của mặt hàng sơ chế hay chế biến) nhưng chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT ở khâu kinh doanh thương mại.

Bên cạnh đó, việc xuất hóa đơn cho hàng bán bị trả lại hay trả lại hàng mua hiện nay của doanh nghiệp tại các địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do cùng căn cứ theo các quy định chung là Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và Thông tư 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 123/2020/NĐ-CP nhưng các Cục thuế địa phương đang hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo các cách thức khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.

Chẳng hạn như Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh và Cục Thuế tỉnh Bình Định có công văn hướng dẫn doanh nghiệp trong trường hợp này phải xuất hóa đơn trả lại hàng mua cho người bán. Tuy nhiên, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh lại hướng dẫn doanh nghiệp trong trường hợp này sẽ lựa chọn một trong hai cách xuất hóa đơn là được xuất hóa đơn trả lại hàng mua hay được xuất hóa đơn hàng bán trả lại.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, trong thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh, với các doanh nghiệp bán hàng hay giao hàng trên phạm vi toàn quốc (đơn vị mua hàng là siêu thị, nhà hàng, cá nhân…) hàng ngày phát sinh rất nhiều hóa đơn. Khi bên mua phát hiện hàng bị lỗi, sai quy cách thì sẽ được phép đổi trả bằng cách gom lại cuối tuần hoặc tháng trả lại một lần (để thuận tiện vận chuyển hay giao nhận hàng trả lại).

Ông Hòe cho biết, bên mua sẽ thông báo cho bên bán (nhà cung cấp) và hai bên lập Biên bản trả lại hàng mua. Biên bản ghi rõ bên mua xuất hóa đơn trả lại hàng cho bên bán (vừa là căn cứ hạch toán/kê khai thuế/và chứng từ vận chuyển hàng hóa trên đường). Cũng có trường hợp bên bán xuất hóa đơn điều chỉnh giảm cho hóa đơn bán hàng đã lập, nếu biên bản thể hiện rõ người bán lập hóa đơn.

Trong khi đó, theo các công văn hướng dẫn của cục thuế ở các địa phương lại yêu cầu trong trường hợp này, bên mua phải hủy hoặc thu hồi toàn bộ hóa đơn lại trả hàng mua đã lập gửi cho bên bán, đồng thời bên bán lập hóa đơn điều chỉnh (hàng bán trả lại) giao cho bên mua, sau đó các bên phải lập tờ khai điều chỉnh lại toàn bộ thông tin. Điều này trước tiên sẽ chặn thủ tục hoàn thuế và sau đó doanh nghiệp còn có thể bị phạt hành vi lập hóa đơn sai theo quy định.

Từ những khúc mắc như vậy, phía VASEP kiến nghị Bộ Tài chính xem xét có văn bản hướng dẫn thống nhất cho các bên liên quan. Qua đó, cho phép dù áp dụng bất kỳ thủ tục hay hình thức trả hàng nào thì bên mua – bên bán vẫn được phép tự lựa chọn hình thức hóa đơn phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, với điều kiện vẫn đảm bảo việc kê khai thuế thống nhất, phản ánh đúng bản chất giao dịch giữa hai bên.

Ngoài ra, VASEP cũng kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; cắt giảm hoạt động thanh tra, kiểm tra không cần thiết đối với doanh nghiệp, thực hiện đúng theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 20/CT-TTg của Chính phủ.

Hà Linh

Báo Công Thương

Tin mới nhất

CN,24/11/2024