Nuôi tôm “siêu thâm canh” trên bãi lầy sông Cung

Một khu nuôi tôm theo hướng công nghệ cao đã thành hình trên chính vùng đất sình lầy ven sông Cung thuộc thôn 1 xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa). Với hơn 20 tỷ đồng đã đầu tư để phát triển hệ thống hạ tầng vùng nuôi, mô hình nuôi tôm công nghiệp siêu thâm canh này được cho là hiện đại và hiệu quả bậc nhất ở Thanh Hóa hiện nay.

Nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà tại mô hình của gia đình anh Chu Đình Giáp, xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa).

Hơn thập kỷ cải tạo bãi lầy

Dòng sông Cung hiền hòa nối liền sông Lạch Trường và sông Mã, chảy qua địa giới 9 xã phía Đông huyện Hoằng Hóa. Ven dòng sông nhỏ này vốn là các bãi bùn lầy hoang hóa với cây bụi và cỏ dại mọc kín nhiều đời. Do nối liền hai vùng nước gần cửa lạch nên dòng sông mang theo nguồn nước lợ sâu vào đất liền, là điều kiện tốt để phát triển nuôi tôm, cua, một số loài cá. Tại xã Hoằng Ngọc, từ năm 2012, gia đình anh Chu Đình Giáp đã đấu thầu vùng đất trũng thấp phía Đông dòng sông để xây dựng mô hình nuôi thủy sản. Thời gian đầu do UBND xã ký hợp đồng giao khoán nên chỉ có thời hạn 5 năm một lần, gia đình anh chỉ đào các ao nuôi thủy sản theo hướng quảng canh.

Theo chủ mô hình, việc đứng ra thuê đấu thầu một vùng đất sình lầy trũng thấp khi ấy là liều lĩnh, bởi nhiều người không tin có thể cải tạo thành công. Nhiều khoảng đất trong vùng đầm lầy ấy đã bị người dân địa phương đào lấy đất sét làm gạch trong suốt nhiều năm trước đó. Một vùng đất thấp hơn khoảng 2m so với những mặt bằng đất nông nghiệp gần đó, gia đình phải nhiều năm đào ao lấy đất tôn nền, rồi đổ hàng chục nghìn m3 đất, be bờ, từng bước xây dựng hạ tầng ao nuôi. Với hình thức nuôi cá và tôm truyền thống nên năm được năm mất, hiệu quả không cao. Những thời điểm khó khăn nhất về tài chính, thiên nhiên còn thách thức sự kiên nhẫn bởi bờ đầm, đường đi lối lại rồi hạ tầng vùng nuôi liên tục bị sạt lở vào các mùa mưa bão.

Lấy ngắn nuôi dài, cùng với nguồn tiền có được từ công ty xây dựng của gia đình, anh Giáp từng bước hình thành nên khu nuôi trồng thủy sản lớn nhất trong vùng với gần 8 ha. Đến tháng 3/2018, sau nhiều nỗ lực, toàn bộ khu đất mới được thuê dài hạn 50 năm. Đây chính là dấu mốc để gia đình đầu tư vùng nuôi hiện đại, tạo bước đột phá. Sau khi tìm hiểu và học tập nhiều nơi, anh Giáp đã mạnh dạn vay mượn thêm, xây dựng các ao nuôi có mái che, lắp đặt hệ thống quạt gió điều hòa không khí và nhiệt độ.

Hiện 13 ao nuôi được thiết kế kiểu ao nổi, xây dựng kiên cố, đáy ao lót bạt chuyên dụng, có hệ thống sục khí và quạt khuấy đảo nước. Khác biệt với nhiều mô hình nuôi tôm khác là ở đây, toàn bộ các ao nuôi đều nằm trong các khu nhà vòm khép kín, có mái che. Nhìn từ xa, dễ dàng nhận thấy một khu trang trại thủy sản hiện đại chạy dài 950m dọc bờ sông với đầy đủ hệ thống nhà điều hành, nhà kho, nhà ở công nhân…

Mô hình doanh thu 12 tỷ đồng/năm

Những ngày cuối năm này, nhiều ao nuôi trong trại tôm của gia đình anh Chu Đình Giáp tiếp tục cho thu hoạch. Mỗi lần thu hoạch, thương lái từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, TP Hà Nội, TP Hải Phòng… đều đem nhiều xe ô tô chuyên dụng vào tận trang trại để chở tôm thương phẩm. Để giới thiệu với chúng tôi về năng suất và mật độ nuôi, anh Giáp cho người dùng chài quăng nhẹ vài mét vuông ven bờ đã vớt lên nửa chậu tôm với các cá thể đều nhau như một. Dưới dòng nước ao nuôi đang được sục khí, tôm lao xao nhiều như trong chậu.

Theo các công nhân kỹ thuật tại đây, nuôi tôm trong nhà khép kín với hệ thống mái che bằng nhựa PVC trong suốt để lấy ánh sáng có ưu điểm vượt trội so với các mô hình nhà màng hiện nay. Đây chính là giải pháp giảm thiểu tối đa những bất lợi của thời tiết như mưa bão, mùa đông lạnh giá gây chết tôm. Không những đối phó được những rủi ro, tôm nuôi ở đây còn được nuôi dày hơn và tăng thêm từ 0,5 đến 1 vụ/năm so với mô hình nhà màng và nuôi công nghiệp phổ biến hiện nay.

Phía ngoài các ao nuôi là hệ thống hồ lắng và xử lý nước được thiết kế hiện đại, nối với các ao nuôi bằng hệ thống máy bơm và đường ống phi 200. Sau mỗi vụ nuôi, nước từ các ao nuôi được đưa ra hồ lớn để xử lý bằng các chế phẩm sinh học, lắng lọc để tái sử dụng hoặc đưa ra môi trường theo đúng các hồ sơ về bảo đảm môi trường đã được phê duyệt. Tại 3 hồ xử lý nước rộng 3.000m2 này, gia chủ cũng tận dụng thả nuôi tôm quảng canh để có thêm thu nhập.

Theo các hồ sơ ghi chép tại trang trại thủy sản tầm cỡ này, năm 2022, gia đình anh Giáp thu hoạch gần 16 tấn tôm mỗi vụ, nhân với trung bình 3,5 vụ/năm, đem về doanh thu gần 9,8 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí thức ăn, giống, điện vận hành, công lao động và các vật tư khác, còn lợi nhuận gần 4,2 tỷ đồng. Năm 2023 này, với việc mở rộng thêm 3 ao nuôi hiện đại, cộng với tôm cho năng suất cao hơn, dự kiến cho tổng thu hoạch hơn 60 tấn tôm thương phẩm, doanh thu hơn 12 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 4,5 tỷ đồng.

Với tổng chi phí đầu tư hạ tầng vùng nuôi lên đến hơn 20 tỷ đồng, trang trại nuôi trồng thủy sản hiện đại này đã thường xuyên đón những đoàn trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, học tập. Các hồ được kè kiên cố, hệ thống đường nội khu trại được bê tông đủ cho xe tải chở thức ăn và tôm thương phẩm vào từng ô nuôi. Với trạm biến áp riêng, hầu hết các khâu điều tiết nước, nhiệt độ đều có sự hỗ trợ của hệ thống máy móc hiện đại. Quanh trang trại và dọc các tuyến đường là 250 cây dừa đã cho quả, cùng hệ thống cây ăn quả như vú sữa, nụ quân, bưởi… để tạo nên một khu sản xuất xanh – sạch – đẹp.

Ngày chúng tôi có mặt, chủ trang trại cũng đang cho thi công thêm một khu nhà vòm nuôi tôm với 4 ao. Trong kế hoạch đến năm 2025, những diện tích còn lại sẽ được gia chủ tận dụng phát triển thêm các ô nuôi tương tự, nâng tổng diện tích mặt nước nuôi siêu thâm canh lên 3 ha. Với hoạt động nuôi trồng thủy sản trong vùng huyện Hoằng Hóa cũng như trong tỉnh, mô hình nuôi tôm chân trắng hiện đại này đang góp phần làm thay đổi tập quán nuôi tôm của người dân.

Lê Đồng

Báo Thanh Hóa

Tin mới nhất

T5,21/11/2024