Doanh thu xuất khẩu kỷ lục, ngành tôm vẫn loay hoay tìm mô hình bền vững

Kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục 4,3 tỉ đô la Mỹ trong năm 2022 và là một trong những quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới hiện nay, nhưng ngành tôm của Việt Nam vẫn loay hoay tìm các giải pháp chống dịch bệnh, chưa có được một quy trình chuẩn trong sản xuất.

Ngành tôm Việt vẫn loay hoay đi tìm quy trình nuôi chuẩn. Ảnh: Trung Chánh

Báo cáo của Cục thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Việt Nam là nước cung cấp tôm đứng thứ hai trên thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm toàn thế giới. Hàng năm, ngành tôm Việt Nam đóng góp khoảng 40-45% tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản cả nước (năm 2022 xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỉ đô la Mỹ – PV), giúp giải quyết việc làm cho khoảng 3 triệu lao động.

Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam vẫn chưa xây dựng được quy trình chuẩn về sản xuất, tức người nuôi vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm riêng. Điều này, khiến tôm nuôi bị dịch bệnh vẫn lớn, chiếm khoảng 20% diện tích thả nuôi.

Mỗi người, mỗi nhà một cách nuôi!

Tại hội thảo “tham vấn xây dựng mô hình nuôi tôm hiệu quả và phòng bệnh trên tôm nuôi” được tổ chức hôm 27-11 ở tỉnh Sóc Trăng, ông Hoàng Thanh Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta- đơn vị có trên 500 héc ta diện tích nuôi tôm cho biết, hoạt động nuôi của đơn vị này tương đối hiệu quả, tức ít xảy ra thiệt hại ở cả vụ thuận lẫn vụ nghịch, thậm chí vụ nghịch mang lại hiệu quả tốt do bán được giá tốt hơn.

Theo ông, lo ngại lớn nhất của ngành tôm hiện nay, đó là hoạt động nuôi thường xuyên bị thiệt hại do dịch bệnh vi bào tử trùng (ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei-EHP- gây ra). “Bệnh (EHP) lây lan rất dữ, nhưng nó rất âm thầm”, ông nói và giải thích, EHP khiến tôm nuôi không lớn, hệ số tiêu hao thức ăn lên đến 1,8-1,9, tức nuôi 1 kg tôm tiêu hao đến 1,8-1,9 kg thức ăn, gây thiệt hại về kinh tế lớn hơn cả trường hợp tôm… chết sớm.

Ông Vũ cho biết, doanh nghiệp, người nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiểu rất rõ nguy cơ của bệnh EHP, cho nên, việc xử lý nước, ao nuôi được thực hiện rất kỹ. Tuy nhiên, do nguồn giống bị nhiễm EHP nên dịch bệnh ở khu vực nuôi vẫn xảy ra khá nhiều. “Cục Thủy sản nên giám sát EHP thật kỹ trong các trại giống, bởi lẽ máy móc, thiết bị hiện kiểm tra hầu như không phát hiện”, ông đề nghị.

Riêng với trường hợp của Sao Ta, ông Vũ cho biết, mô hình của đơn vị này đang đi ngược cách thức nuôi của nhiều người, tức không ương trong vèo, không lưới che nắng và không oxi đáy trong ao tôm. “Thật ra, chúng tôi cũng làm nhiều mô hình giống mọi người, tức cũng oxi đáy, cũng ương vèo cũng lưới che nắng, nhưng thất bại”, ông cho biết

Theo giải thích của vị Phó tổng giám đốc Sao Ta, nếu tôm nhiễm EHP, thì nguồn bệnh sẽ theo phân thải ra, trong khi ương vèo (tức ương mật số cao- PV) thì không khác nào như chuyện đưa “F0 Covid-19 vào ở chung F1”, làm nguy cơ lây nhiễm nhanh hơn. “Nuôi như vậy khả năng nhiễm rất cao, cho nên, chúng tôi không ương vèo”, ông Vũ nói và giải thích, việc thả tôm thẳng ra ao nuôi (không qua ương vèo- PV) với mật số thấp hơn sẽ giúp tôm lớn nhanh hơn, có khả năng chống chịu EHP tốt hơn.

“Ví dụ, tôm nuôi mật độ 100 con so với 400 con, nếu cùng bị EHP, thì ở vùng mật độ 100 con, tôm có tỷ lệ tế bào gan bị phá huỷ ít hơn so với vùng mật độ cao (400 con)”, ông Vũ dẫn chứng và đặt câu hỏi: “vậy tại sao lại ương vèo?”.

Trong khi đó, với oxi đáy, theo ông Vũ, oxi trong ao nuôi cao là tốt cho con tôm phát triển, nhưng khi sục khí oxi đáy sẽ làm phân tôm có chứa EHP nát ra, tức phát tán mầm bệnh, làm con tôm khoẻ bị nhiễm EHP nhiều hơn.

Ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Công ty thuỷ sản sạch Việt Nam cho biết, một trong những thách thức lớn đối với ngành tôm hiện nay, đó là dịch bệnh làm cho hiệu quả nuôi không đạt yêu cầu, nhất là với bệnh EHP.

Để “đối phó” với EHP, theo ông, vấn đề quan trọng là kiến thức, tức phải hiểu được thổ nhưỡng vùng nuôi; dịch bệnh bùng phát vào thời điểm nào; những loại dịch bệnh gì…, để có biện pháp phòng ngừa.

Doanh nhân này cho biết, mô hình nuôi tôm công nghiệp với quy mô thâm cảnh được đơn vị thực hiện 5 năm qua chưa bị thất bại ở vụ nuôi đầu tiên trong năm, trong khi tỷ lệ thành công (một năm có nhiều vụ nuôi – PV) trung bình ở mức cao, trên 80%, thậm chí có những năm trên 95%.

Để có được kết quả trên, theo ông Phục, phải biết kết hợp hai yếu tố, bao gồm thứ nhất là thuận theo tự nhiên và thứ hai là áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình nuôi.

Cụ thể, ở ĐBSCL, bệnh EHP xuất hiện nhiều vào cuối vụ nuôi đầu tiên trong năm, tức từ tháng 4 đến tháng 8. “Chính vì vậy, chúng tôi đẩy mạnh tập trung thả giống vào tháng 12 năm trước, tức sau khi hết mưa”, ông cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Phục, dịch bệnh EHP vẫn có xảy ra, trong đó, nguồn bệnh được xác định từ con giống. “Đây là vấn đề các nhà sản xuất giống và cơ quan chức năng phải lo, có trách nhiệm ngăn chặn giống nhiễm EHP vì thiết bị kiểm tra hiện nay hầu như không phát hiện được”, ông nói.

Một nguyên nhân khác, đó là nguồn bệnh còn tồn động từ những năm trước, cho nên, nếu không vệ sinh kỹ, thì chắc chắn rủi ro sẽ rất cao cho vụ tiếp theo. “Phải vệ sinh cẩn thận, đúng quy trình”, ông Phục khuyến cáo và cho rằng, cần có giải pháp dự trữ nước không nhiễm EHP. “Nguồn nước mưa vào tháng 7 đến 9 rất nhiều, cho nên, cần bố trí diện tích  để chứa nước”, ông cho biết.

Quản trị theo chuẩn mực để tạo đột phá cho ngành tôm. Ảnh: Trung Chánh

Để ngành tôm đột phá, cần quy trình bền vững

Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn thuỷ sản miền Nam đánh giá, quy trình trong ngành nuôi tôm Việt hiện chưa hoàn thiện, bao gồm cả yếu tố đầu vào, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật nuôi.

Tuy nhiên, ông Tuấn nhìn nhận, yếu tố phi công nghiệp hoá chính là điểm hấp dẫn của ngành. Bởi lẽ, đây là cơ hội để thu hút các “ông lớn” tham gia vào. Ông dẫn chứng từ lĩnh vực chăn nuôi heo, gà khi chuẩn hoá quy trình sản xuất, đã có hàng loạt “ông lớn” tham gia, và đạt đến sản lượng cao.

Thực trạng ngành tôm Việt Nam hiện nay là câu chuyện bình thường vì các ngành nghề khác trong xã hội qua quá trình phát triển cũng đều phải giải quyết những “nút thắt”, khó khăn để vượt lên. “Đây là thực trạng mình phải chấp nhận và từ từ nó sẽ chuyển hướng để xuất hiện một số nhà đầu tư lớn”, ông nhấn mạnh.

Khi có sự tham gia của các doanh nghiệp/nhà đầu tư lớn, thì việc phát triển ngành tôm sẽ đi theo một quy mô, cách thức làm ăn khác hẳn so với thực trạng hiện nay.

Ông Tuấn gọi việc sản xuất tôm Việt Nam đang ở giữa chừng, tức một mặt muốn nó hoàn thiện để đi theo hướng mới, nhưng mặt khác vẫn là người dân nuôi, đang loay hoay không giải quyết được. “Tuy nhiên, một khi có định hướng rồi, thì cũng giống như chuyện nuôi gà, nuôi heo không thể như ngày xưa nữa, mà phải là trang trại gà, trang trạo heo”, ông nhấn mạnh và cho rằng, ngành tôm muốn như “mong đợi” thì phải là “cuộc chơi” của các nhà đầu tư lớn.

Theo gợi ý của ông Tuấn, trước khi bước sang giai đoạn mới (theo ông Tuấn khoảng 5 năm- PV), thì thời điểm chuyển tiếp này phải quản trị bằng chuẩn mực- vốn là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển.

Cụ thể, về giống chuẩn mực là gì? làm sao con giống tốt hay không tốt, sạch bệnh hay không sạch bệnh?… “Có chuẩn mực sẽ ra phương pháp đo lường và phương pháp đó phải chuẩn hoá, có cách kiểm tra chéo được”, ông Tuấn cho biết.

Tương tự, trong công đoạn nuôi, chế biến…, tất cả phải được quản trị bằng chuẩn mực. “Ngành tôm Việt Nam có một số cái mình quyết định được, đó là quản trị theo chuẩn mực, tức cắt khúc ra và mỗi khúc có một chuẩn mực cụ thể, có phương pháp cụ thể theo từng chuẩn mực đó”, ông nhấn mạnh.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta cho biết, để có thể giảm thiểu rủi ro cho ngành tôm, thì có nhiều chuyện phải làm, bao gồm đối với cơ quan Nhà nước phải nỗ lực làm giảm thiểu rủi dịch bệnh thông qua việc tăng cường kiểm soát chất lượng giống; với người nuôi phải thực hiện theo tiêu chí “ăn chắc mặc bền”, tức chỉ tổ chức trong phạm vi, khả năng tài chính và khả năng hiểu biết kỹ thuật cho phép.

Trong khi đó, đối với lĩnh chế biến, theo ông Lực, cũng có nhiều việc phải làm, bao gồm phải tính lại thế mạnh của doanh nghiệp, tìm thị trường thích hợp và cố gắng giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh. “Mặt khác, phải tìm bạn hàng mới để có thể bán được giá tốt, tạo nguồn tài chính chia sẻ với người nuôi để tất cả các mắt xích trong chuỗi ngành hàng con tôm đều tồn tại được”, ông cho biết

Ông Phục của Công ty thuỷ sản sạch Việt Nam cho rằng, việc để con giống kém chất lượng lưu thông quá nhiều như hiện nay là cái tội rất lớn đối với người nuôi tôm vì gây thiệt hại cho họ và cho cả ngành kinh tế.

Trung Chánh

Nguồn: thesaigontimes.vn

Tin mới nhất

T6,22/11/2024