Cuộc chiến con tôm (bài 2): Cách nào để ngành tôm Việt vươn tầm bền vững trong bối cảnh đầy khó khăn hiện nay?
Thế giới phẳng, việc nhận diện những vấn đề tưởng như phức tạp, sẽ dễ dàng hơn. Thí dụ, mọi chủ thể hoạt động sản xuất không thể hoạt động theo cảm tính, phải theo thị trường và hơn nữa, phải đương đầu các chủ thể cùng lĩnh vực ở các địa phương khác, quốc gia khác. Hiểu theo cách nói của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT là chúng ta không mãi chỉ đơn thuần sản xuất nông nghiệp mà là làm kinh tế nông nghiệp. Câu nói đầy triết lý này đang khá phổ biến, lan tỏa bởi tính đúng đắn của nó. Tôi “chiết” ra cách hiểu đơn giản nữa là người nuôi tôm chúng ta muốn tồn tại phải đương đầu, vượt qua người nuôi tôm các nước khác!

Nếu với cách đặt vấn đề này, nhìn tại thực trạng, tỉ lệ nuôi tôm của chúng ta thấp nhất, chỉ đạt khoảng 40%. Trong khi ở Ấn Độ, tỉ lệ này gấp rưỡi và nổi tiếng nhất, tôm Ecuador đạt tỉ lệ này gấp đôi so chúng ta. Nếu suy diễn đơn giản, lĩnh vực nuôi tôm của chúng ta sẽ khó cầm cự nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả.

Câu chuyện ở đây liên quan tới ý nghĩa về mặt phải có sự liên kết chuỗi ngành hàng mà Bộ trưởng cũng như toàn thể lực lượng của Bộ NN&PTNT đang hết sức quan tâm, phát động, vận động, động viên, tìm giải pháp thúc đẩy để sự liên kết các chuỗi giá trị ngành hàng ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả. Vì sao ngành nuôi tôm chúng ta tuy đang đối diện khó khăn quá to lớn nhưng vẫn duy trì được sản lượng các năm qua? Đó là ít nhiều nhờ vào các mô hình chuỗi liên kết sản xuất do các mắt xích con giống, thức ăn, chế phẩm nuôi tôm xây dựng từ 5 năm qua; giúp người nuôi tôm thiếu vốn, hạn chế hiểu biết kỹ thuật có thể duy trì hoạt động nhưng ở cấp độ có kiểm soát rủi ro tốt hơn hẳn.

Tôi chưa có điều kiện có thông tin, trước mắt chỉ biết mô hình liên kết này do C.P VN đã làm từ năm 2018, sống lại trên hai chục ngàn ao nuôi, đóng góp hàng năm là con số hàng trăm ngàn tấn tôm cho sản lượng chung cả nước. Trong thực tế các mô hình liên kết này rất phong phú và rất nhiều đầu mối đang triển khai như Grobest, Uni President, Thăng Long, Vĩnh Thịnh…ngoài C.P nêu trên.

Ngoài ra còn có các chuỗi liên kết ngắn hơn nhưng cũng rất thiết thực như cung ứng sản phẩm đầu vào cho người nuôi kèm sự hỗ trợ về quy trình và giải pháp kỹ thuật, xử lý lúc cần thiết. Yếu tố nữa là chất lượng tôm giống, thức ăn, chế phẩm nuôi ngày càng được nghiên cứu và nâng cao chất lượng, góp phần giảm thiểu rủi ro và nâng cao tỉ lệ nuôi thành công. Yếu tố nữa là giá tôm thương phẩm. Dù tại thời điểm này giá tôm thương phẩm trong nước rất thấp so với cao điểm nhưng nếu so giá tôm thương phẩm các nước khác thì giá của tôm Việt cao hơn từ 10.000 tới 20.000 đồng cho mỗi kg.

Có thể coi đây là sự chia sẻ do đang cùng trên một chiếc thuyền, cũng coi đây là tính hiệu quả thiết thực của tính liên kết chuỗi giá trị ngành hàng. Ngành chế biến tôm chúng ta có thể thể hiện sự chia sẻ này do ngành chế biến có sự chủ động cách mạng mạnh mẽ, tập trung cho 5 năm nền tảng (1996-2000 – cải thiện điều kiện sản xuất) và 5 năm tăng tốc (2021-2005- tăng cường thiết bị mang tính chất đột phá công nghệ) vươn lên trình độ hàng đầu thế giới và duy trì suốt thời gian dài hiện nay. Một điểm sáng đáng lưu ý nữa, trong giai đoạn khó khăn thời gian qua, giá tôm giống và thức ăn tôm cũng giảm giá khá mạnh, ở góc nhìn tích cực, coi đây là thể hiện tính liên kết ngành hàng, chia sẻ nhau những khó khăn ngành hàng đang vướng phải.

Tôi nêu ra những chuyện tuy không mới, chỉ chú ý ở sự kết nối các sự việc này để có cái chung là quan tâm, coi trọng sự liên kết chuỗi giá trị ngành hàng. Và thực tế nêu trên đã chứng tỏ là khi có sự liên kết này rõ nét, một mắt xích nào đó (ở đây hiện nay là nuôi tôm) yếu kém nhưng cũng không thể làm ngành hàng đó suy thoái hoặc quá chao đảo. Tôi coi liên kết ngành hàng là giải pháp hết sức căn cơ để duy trì tính ổn định, bền vững; để tăng sức cạnh tranh ngành hàng, không chỉ riêng cho con tôm.

Giải pháp tiếp theo nên coi trọng công tác thị trường. Bởi đầu ra quyết định đầu vào mà. Coi trọng thị trường, cụ thể là coi trọng thông tin. Đó là thông tin phải được tìm hiểu, thu thập, cập nhật kịp thời về cung cầu tôm thế giới; về các biến động lớn kinh tế, chính trị, xã hội thậm chí thiên tai tác động tiêu cực, tích cực tới cung, cầu… Từ đó các doanh nhân tôm mới có nguyên liệu, gia vị nấu bài toán sách lược, thậm chí chiến lược kinh doanh tôm cho mình. Chúng ta thiếu đầu mối thu thập này, bởi các thông tin định kỳ từ Bộ Công thương, từ VASEP, từ các cơ quan khác có đều đặn nhưng đa phần là chậm và chưa đủ. Thật ra, hiện nay, các doanh nhân chúng ta không thụ động đợi sung rụng mà hàng giờ luôn nóng đầu tìm các thông tin, nhưng rõ ràng hiệu quả chưa cao. Đó là lý do tại sao nhiều doanh nghiệp nhỏ trong ngành dễ phá sản, vì hoàn cảnh thua sút. Giải pháp này tự mảng chế biến xuất khẩu không thể tự lo nổi, cần có cơ quan chuyên ngành hỗ trợ về dài hạn. Cho nên giải pháp này được tách ra, nêu lên tính quan trọng hàng đầu của nó.

Giải pháp tiếp theo là sự nỗ lực của từng mắt xích chuỗi giá trị con tôm:

+ Ngành chế biến: Phải không ngừng tiếp cận xu thế người tiêu dùng, thị trường để có sản phẩm mới đáp ứng kịp thời nhất. Xu thế hiện nay khá rõ nét rồi. Như khối EU đi đầu đòi hỏi sản phẩm đi liền hành động cụ thể cân bằng phát thải, trước mắt sản phẩm tôm đạt chuẩn chất lượng nuôi họ đề ra là ASC chẳng hạn. Song song đó là cải tiến mẫu mã sản phẩm, bao bì sao bắt mắt hơn và nhất là giá cả sao cạnh tranh hơn. Xu thế, đòi hỏi này sẽ lan rộng các thị trường lớn khác trong tương lai gần. Các doanh nhân ngành chế biến phải có sự quan tâm và hành động cụ thể, không để chậm chân.

+ Ngành nuôi: Nếu dừng lại ở nuôi tôm quy mô nhỏ lẻ, manh mún, tự phát hiện nay  thì khó giảm thiểu rủi ro, khó giảm giá thành… dẫn tới sức cạnh tranh thấp. Về lâu dài, cần có sự căn cơ hơn, tổ chức sản xuất quy mô lớn hơn nhằm có nền tảng quy hoạch tổng thể khu nuôi mang tính khoa học, hợp lý cũng như thuận lợi trong việc đầu tư trang bị các thành quả KHKT để nâng cao tính chủ động, giảm thiểu rủi ro, nâng cao năng suất.. Như vậy gắn liền chính sách tích tụ, tập trung đất đai. Đây là vấn đề quá lớn, tuy nhiên Chính phủ đang chuyển động cho nội dung mang tính thời sự này. Trước mắt, trong bối cảnh đầy rủi ro do dịch bệnh, các hộ nuôi tôm chú trọng yếu tố ăn chắc mặc bền, liệu cơm gắp mắm, đợi cơ hội tốt hơn.

+ Các mắt xích khác như con giống, thức ăn, chế phẩm nuôi tôm, vật tư phục vụ nuôi tôm: Hiện nay các hãng cung ứng tôm giống đều nỗ lực có con giống tốt, phù hợp từng mùa vụ, thời tiết. Như tôm lớn nhanh, tôm có sức đề kháng tốt, tôm chịu độ mặn thấp… Đó là điểm sáng đáng hoan nghênh của ngành cung ứng tôm giống. Tuy nhiên, trong thực tế vô vàn phức tạp, một chút sơ ý có thể làm thay đổi cục diện. Cụ thể bệnh tôm TPD từ năm 2022 đến nay, âm ỉ đã gây thiệt hại người nuôi rất lớn, mà nó xuất phát từ sự sơ ý của ngành cung ứng tôm giống. Sự tranh cãi, đổ lỗi từ đầu vụ chính năm 2022 giữa người nuôi và cơ sở cung ứng tôm giống, sau đó là sự nhìn lại mình của các cơ sở tôm giống để rồi tìm ra sơ hở, thủ phạm. Dẫu sao, chậm còn hơn không. Nhưng trước mắt là khó khăn không nhỏ khi hai vi khuẩn gây bệnh TPD và EHP chưa có phác đồ điều trị, chỉ phòng chống chung chung mà thôi. Dây treo chuông còn trên các ao nuôi, nhất là ao nuôi nhỏ lẻ, không có điều kiện tốt kiểm soát tình hình. Hiện nay các Cục Thủy sản, Cục Thú ý… thuộc Bộ NN&PTNT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hạn chế tình hình dịch bệnh này. Nhưng tín hiệu chưa khả quan, mùa vụ nuôi 2024 sẽ còn đầy bất trắc. Mảng cung ứng thức ăn khá phong phú về các giải pháp cải thiện dinh dưỡng, hệ số thức ăn cũng như giảm thiểu mức ô nhiễm do thức ăn thừa gây ra. Giá cả thức ăn cũng có cải thiện dù hiện nay các áp lực tăng giá thức ăn là không nhỏ, nhất là giá bột cá (ảnh hưởng El Nino thất vụ thu hoạch cá cơm ở Nam Mỹ) và tỉ giá hối đoái. Điều đáng khích lệ là mảng cung ứng thức ăn làm sao bỏ được tai tiếng là điệp khúc cứ vào vụ là lên giá. Như phân tích trên việc lên giá thức ăn thời điểm là có yếu tố khách quan nhưng với tính liên kết ngồi chung chiếc thuyền, ngành thức ăn có chia sẻ ngành nuôi lúc khó khăn là nên làm. Các chế phẩm nuôi tôm ngày càng đa dạng và tính hiệu quả thiết thực thể hiện ngày càng tốt hơn. Điểm đáng khen là các chế phẩm có gốc vi sinh, thực vật được chú trọng sẽ góp phần tạo nên yếu tố bền vững cho cả ngành. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng các chế phẩm nuôi tôm phải là việc làm thường xuyên của cơ quan chức năng để tránh con sâu làm rầu nồi canh và bảo vệ quyền lợi cho người nuôi tôm.

Giải pháp nữa là vai trò các cơ quan chức năng: Bộ máy công quyền có hạn, trong khi sự phát sinh, biến động trong thực tế thì thất thường, dẫn đến đôi lúc các cơ quan công quyền chậm trễ trong việc xử lý việc phát sinh là điều bình thường. Bù lại là sự dự báo để chuẩn bị đội ngũ, thực lực, không thể mãi đi sau thực tế. Trước tiên là việc giám sát, kiểm soát tôm giống nhằm hạn chế tối đa tôm giống chất lượng kém ra thị trường, giúp người nuôi giảm, tránh được nguồn tôm giống xấu gây thiệt hại. Từ đó, góp phần nâng tỉ lệ nuôi thành công. Cũng nên nhắc lại, ngoài kiểm soát tôm giống, còn kiểm soát các chế phẩm nuôi tôm như trên đã nêu. Việc nữa, nhất là trong hoàn cảnh này, nỗ lực tìm giải pháp ngăn chặn nguồn lây lan dịch bệnh, và lâu dài quan tâm tìm ra phác đồ điều trị bệnh trên tôm nuôi, tập trung lúc này là bệnh EHP và TPD. Việc tiếp theo là có giải pháp tìm nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi tôm, tập trung công tác thủy lợi. Bởi đủ nước sạch là yếu tố quan trọng thứ hai quyết định tỉ lệ nuôi thành công sau con giống tốt. Và cũng chú ý, việc lưu tâm, kiến nghị của các cơ quan chức năng lên trên về chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung, ngành nuôi tôm nói riêng qua các giải pháp tích tự, tập trung đất đai cũng là hết sức cấn thiết lẫn cấp thiết.

Tóm lại, đứng trước thách thức quá lớn trước mắt, đáng nêu ra là giá tiêu thụ thấp và tỉ lệ nuôi thành công thấp, ngành tôm cần có tâm thế ứng xử sao kịp thời và hiệu quả. Đó là điều không dễ, cần sự chung tay của tất cả cộng đồng tham gia chuỗi ngành hàng phối hợp cùng cơ quan chức năng liên quan. Qua năm 2024 khó khăn kéo dài và chưa có dấu hiệu suy giảm cường độ, thì sự chuẩn bị ứng xử ngay từ bây giờ càng thêm cấp thiết. Ngay bây giờ cần nhất là sự chung tay chia sẻ của các bên tham gia ngành hàng con tôm và thông tin cung cầu và các yếu tố tác động trên thế giới. Rất mong có sự lưu tâm và nhất là ý thức tất cả đang trên cùng chiếc thuyền ở ngoài khơi!

TS. Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Nguồn: vasep.com.vn

Tin mới nhất

T2,25/11/2024