Quảng Ninh: Người nuôi tôm gặp khó vì dịch bệnh

Thời gian gần đây, nhiều vùng nuôi tôm trọng điểm của Quảng Ninh xảy ra hiện tượng tôm nhiễm bệnh chết. Nhiều cơ sở nuôi phải tháo đầm, bỏ dở quy trình nuôi, thiệt hại lớn về kinh tế.

Dịch bệnh kéo dài dẫn đến thua lỗ, ao nuôi của hộ ông Hoàng Văn Việt (thôn Bình Minh, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên) đành để trống.

Ông Hoàng Văn Việt – một hộ nuôi tôm tại thôn Bình Minh, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) cho biết: Từ đầu năm đến nay, gia đình thua lỗ khoảng nửa tỷ đồng. Dù đã cố gắng đôn đáo xoay xở các loại thuốc cho tôm, nhưng kết quả là tôm vẫn chậm lớn hoặc chết.

Theo ông Việt, biểu hiện ban đầu là đến giai đoạn phát triển nhưng tôm chậm lớn, kích thước không thay đổi. Đến giai đoạn sau tôm thường có biểu hiện mềm vỏ, bơi lờ đờ, ruột trống rỗng thức ăn, đục cơ và chết.

Không riêng hộ ông Việt, nhiều hộ nuôi tôm khác ở xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên phải bán tháo tôm, mặc dù tôm không chết hàng loạt nhưng thiệt hại về kinh tế là rất lớn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Vương Văn Oanh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh cho biết từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có vùng nuôi ở TP Móng Cái xảy ra hiện tượng tôm chết hàng loạt. Các vùng khác thì tôm chết lẻ tẻ, nhưng cũng gây thiệt hại đáng kể. Hiện khu vực nào có hạ tầng tốt thì các cơ sở nuôi vẫn đang chuẩn bị cho vụ Đông. Nguyên nhân chủ yếu do dịch bệnh đốm trắng và hoại tử gan, tụy trên tôm. Ngoài ra năm nay thời tiết rất khắc nghiệt, việc thay đổi nhiệt độ hoặc nắng nóng bất thường cũng làm cho tôm chết.

Theo kết quả phân tích mẫu giám sát dịch bệnh thủy sản tháng 10/2023 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, tổng số mẫu tôm phân tích là 80 mẫu. Địa điểm thu mẫu tại Quảng Yên, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái.

Kết quả xét nghiệm: 30/80 mẫu tôm dương tính với vi bào tử trùng (EHP). Tại Uông Bí (1/7 mẫu, diện tích nhiễm bệnh 0,14ha), Cẩm Phả (3/5 mẫu, diện tích nhiễm bệnh 0,3ha), Tiên Yên (1/10 mẫu, diện tích nhiễm bệnh 0,18ha), Đầm Hà (3/10 mẫu, diện tích nhiễm bệnh 0,315ha), Hải Hà (5/10 mẫu, diện tích nhiễm bệnh 1,5ha), Móng Cái (13/15 mẫu, diện tích nhiễm bệnh 6,05ha), Quảng Yên (3/12 mẫu, diện tích nhiễm bệnh 0,34ha), Hạ Long (1/11 mẫu, diện tích nhiễm bệnh 0,3ha).

1/80 mẫu tôm dương tính với vi khuẩn Parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (tại Hạ Long 1/11 mẫu, diện tích nhiễm bệnh 0,1ha). 24/80 mẫu dương tính với bệnh đốm trắng do vi rút (WSSV), trong đó tại Cẩm Phả (2/5 mẫu, diện tích nhiễm bệnh 0,2ha), Đầm Hà (3/10 mẫu, diện tích nhiễm bệnh 0,315ha), Hải Hà (6/10 mẫu, diện tích nhiễm bệnh 1,758ha), Móng Cái (13/15 mẫu, diện tích nhiễm bệnh 6,2ha).

Trên cơ sở kết quả xét nghiệm và diễn biến tình hình thực tiễn tại các địa phương trong tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị các phòng Kinh tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp các địa phương trong tỉnh tuyên truyền, khuyến cáo đến các cơ sở nuôi trồng thủy sản kết quả giám sát, lưu hành bệnh đến các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, nhất là các cơ sở có mẫu tôm giám sát dương tính với bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), vi bào tử trùng (EHP), đốm trắng do vi rút (WSSV). Các ao nuôi tôm có kết quả xét nghiệm dương tính với vi bào tử trùng gây bệnh EHP, đề nghị thường xuyên kiểm tra, theo dõi các yếu tố môi trường, tốc độ sinh trưởng của tôm để có biện pháp xử lý kịp thời, thực hiện tốt các nội dung hướng dẫn, khuyến cáo.

Đối với các ao nuôi tôm có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), đề nghị: Thường xuyên theo dõi các chỉ số môi trường, tránh biến động lớn của môi trường; tăng cường dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, sử dụng các chất làm tăng sức đề kháng, bổ trợ gan, xy phông thay nước (nếu đủ điều kiện); kiểm tra tình trạng gan tụy của tôm, khi có dấu hiệu bất thường cần thu hoạch tôm, đóng cống, xử lý nước ao bằng các chất khử trùng trước khi xả ra ngoài môi trường chung theo đúng quy định.

Các ao nuôi tôm có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh đốm trắng do vi rút (WSSV), đề nghị: Thường xuyên theo dõi các chỉ số môi trường, tránh biến động lớn của môi trường; tăng cường dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, sử dụng các chất làm tăng sức đề kháng, chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường; kiểm tra tình trạng của tôm, khi có dấu hiệu bất thường cần thu hoạch tôm, đóng cống, xử lý nước ao bằng các chất khử trùng trước khi xả ra ngoài môi trường chung theo đúng quy định.

Nguyễn Quý

Nguồn: Daidoanket.vn

Tin mới nhất

T2,25/11/2024