Kiên Giang: Giá tôm liên tiếp sụt giảm

Tình hình nuôi tôm tại Kiên Giang từ đầu năm đến nay khá thuận lợi, sản lượng đạt khá, song, nông dân lại kém vui vì giá tôm liên tiếp sụt giảm và duy trì ở mức thấp.

Nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao ở xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao, Kiên Giang. Ảnh tư liệu: Lê Huy Hải/TTXVN

Tôm nước lợ là đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của tỉnh Kiên Giang. Tính đến hết tháng 8/2023, toàn tỉnh đã thả giống gần 135.000 ha, đạt trên 98% kế hoạch; sản lượng tôm thu hoạch trên 100.000 tấn, đạt trên 82% kế hoạch năm, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình nuôi tôm từ đầu năm đến nay khá thuận lợi, sản lượng đạt khá, song, nông dân lại kém vui vì giá tôm liên tiếp sụt giảm và duy trì ở mức thấp.

Trăn trở vì giá tôm bấp bênh

Tính đến nay, nông dân ở các vùng sản xuất theo mô hình tôm – lúa ở Kiên Giang như: Vĩnh Thuận, An Minh, An Biên, U Minh Thượng… đã khép lại vụ tôm nuôi chính vụ để chuẩn bị xuống giống lúa trên nền đất nuôi tôm. Theo chia sẻ của một số nông dân, giá tôm từ đầu năm 2023 đến nay duy trì ở mức rất thấp làm giảm mạnh thu nhập so với nhiều năm trước.

Ông Hoàng Văn Tạo, nông dân gắn bó hơn 20 năm với mô hình lúa – tôm ở xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) chia sẻ, gia đình ông sản xuất 3ha. Ngoài đối tượng chính thả nuôi là tôm sú, ông Tạo còn thả nuôi thêm tôm càng xanh. Năng suất tôm sú đạt trên 300 kg/ha, tôm càng gần 350 kg/ha.

“Có thời điểm, thương lái mua tôm sú cỡ 30 con/kg chỉ 130.000 đồng; tôm càng xanh chỉ 55.000 đồng/kg. Tôi không nắm được thị trường xuất khẩu tôm, nhưng hơn 1 năm nay, giá tôm quá thấp mà nông dân còn bị thương lái ép giá. Tôi mong nhà nước làm sao để liên kết bao tiêu giá cả ổn định để người nông dân yên tâm sản xuất”, ông Tạo nói.

Ông Lê Văn Hải ở xã Đông Thạnh, huyện An Minh cho biết, vụ tôm vừa rồi gia đình ông cũng như nhiều nông dân trong xã gặp tình trạng “được mùa rớt giá”. Riêng gia đình ông Hải sản xuất 3 ha áp dụng mô hình lúa-tôm kết hợp với thả nuôi cua biển.

Theo ông Hải, gia đình ông làm lúa và nuôi tôm, cua đều theo quy trình hữu cơ, an toàn sinh học. Riêng lúa được doanh nghiệp đặt hàng thu mua chế biến xuất khẩu nên rất ổn định. Tuy nhiên, về con tôm và cua thị trường đầu ra khá bấp bênh và giá cả không ổn định.

“Gia định nuôi tôm chỉ sử dụng men vi sinh, lúc tôm lớn chỉ cho ăn ốc đinh và hến, không sử dụng thức ăn công nghiệp, nhưng vẫn phải đợi thương lái đến thu mua và giá bán do thương lái quyết định”, ông Hải nói.

Tôi rất mong ngành chức năng và doanh nghiệp có giải pháp liên kết, ký kết bao tiêu đầu ra cho con tôm và cua với một mức giá phù hợp như làm lúa để giúp nông dân yên tâm sản xuất”, ông Lê Văn Hải nói.

Theo ông Nguyễn Việt Ảnh, Giám đốc Hợp tác xã Thạnh Hòa, huyện An Minh, hiện nay hợp tác xã có 39 thành viên với tổng diện tích sản xuất tôm – lúa hơn 80 ha. Mô hình sản xuất này nhiều năm qua mang lại hiệu quả kinh tế, giúp tăng thu nhập cho nông dân.

Đối với vụ lúa, nông dân làm giống lúa chất lượng cao và có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra với mức giá bằng hoặc cao hơn so với giá thị trường ngay từ đầu vụ giúp nông dân yên tâm canh tác. Tuy nhiên, tôm nuôi và cua đến nay vẫn chưa được liên kết bao tiêu đầu ra nên giá cả cũng không ổn định.

Tất cả thành viên trong hợp tác xã đều áp dụng quy trình nuôi tôm sạch, sử dụng men vi sinh trong cải tạo vuông tôm và xử lý nguồn nước, không sử dụng thuốc hóa học, chỉ cho ăn ốc, hến. Vậy nên đảm bảo điều kiện chế biến xuất khẩu cho doanh nghiệp. Thế nhưng, tôm, cua ở đây vẫn chỉ bán cho thương lái địa phương, chưa có liên kết bao tiêu đầu ra với giá cả ổn định, ông Nguyễn Việt Ảnh thông tin.

Tháo gỡ khó khăn cho nghề nuôi tôm

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Ảnh tư liệu: Lê Huy Hải/TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tình hình nuôi tôm nước lợ của tỉnh từ đầu năm đến nay cơ bản ổn định, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi được kiểm soát, mức thiệt hại thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn diện tích thả nuôi tôm đều đạt năng suất theo kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, chuỗi cung ứng sản xuất bị gián đoạn, giá cước vận chuyển và giá cả vật tư đầu vào tăng cao, giá tôm nguyên liệu có thời điểm giảm mạnh ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất, thu nhập của nông dân.

Việc quản lý chất lượng, giá cả vật tư đầu vào còn nhiều hạn chế; giống tôm nước lợ sản xuất tại chỗ cung cấp phục vụ người nuôi chưa đáp ứng yêu cầu; việc hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất nuôi tôm nước lợ và việc áp dụng, chứng nhận các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC,… còn chậm.

Theo ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, để giúp cho nghề nuôi tôm nước lợ của tỉnh phát triển bền vững, tỉnh tập trung tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm và lúa. Trong số đó, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ có vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất.

Tỉnh kiện toàn, củng cố, thành lập mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với liên kết doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị tại những vùng sản xuất tôm – lúa trọng điểm, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tỉnh phát triển mạnh sản xuất tôm – lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi trồng thủy sản hữu cơ, nuôi sinh thái… theo yêu cầu thị trường xuất khẩu, sử dụng mã vạch, mã số truy xuất nguồn gốc sản phẩm nuôi trồng, vùng nuôi tôm. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, chỉ dẫn địa lý sản phẩm nuôi đặc trưng từng vùng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời hướng dẫn nông dân kỹ thuật công nghệ mới, tiên tiến gắn với an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm.

Tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, giao thông, điện phục vụ nuôi trồng thủy sản trọng điểm vùng Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng như: gia cố hệ thống đê, nạo vét kênh mương, tăng khả năng chủ động lấy nước, tiêu thoát để nuôi trồng thủy sản, hệ thống cống vùng nuôi thủy sản kết hợp trồng lúa.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, số cơ sở thuộc diện đăng ký cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ của tỉnh là 34.658 cơ sở. Đến cuối tháng 8/2023, tỉnh cấp 27.562 giấy xác nhận mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ, đạt 79,55% kế hoạch.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Quảng Trọng Thao, việc cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu, tăng giá trị kinh tế ngành hàng tôm, góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi tôm. Qua đó, giúp tỉnh đẩy nhanh số hóa vùng nuôi, nắm thông tin chính xác về diện tích, sản lượng dự kiến hàng năm để có những giải pháp chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ sản phẩm phù hợp.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhất là sản phẩm thực phẩm đang là vấn đề nóng trên thế giới. Yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường khó tính chú trọng đến việc truy xuất nguồn gốc; trong đó, có ngành hàng tôm xuất khẩu.

“Việc cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho con tôm Kiên Giang rộng đường xuất khẩu sang các nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị ngành tôm, nâng cao thu nhập, lợi nhuận cho người dân, phát bền vững nghề nuôi tôm của tỉnh”, ông Quảng Trọng Thao nhấn mạnh.

Văn Sĩ

Nguồn: Baotintuc.vn

Tin mới nhất

CN,24/11/2024