Nhiều nông dân chuyển đổi con nuôi vì giá tôm giảm thấp

Nuôi tôm không có lãi, thậm chí thua lỗ và không dự báo được giá tôm sẽ tăng trở lại khiến nhiều hộ nông dân vùng ven biển trong tỉnh Trà Vinh không tái vụ, chuyển sang nuôi các loại thủy sản khác.

Chỉ 3 ngày qua, giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở thị trường tỉnh Trà Vinh tiếp tục giảm thêm 3.000 – 5.000 đồng/kg. Nuôi tôm không có lãi, thậm chí thua lỗ và không dự báo được giá tôm thị trường sẽ tăng trở lại khiến nhiều hộ nông dân ở các vùng ven biển trong tỉnh Trà Vinh không tái vụ, chuyển sang nuôi các loại thủy sản khác.

Bà Nguyễn Thị Thu, chủ đại lý thu mua thủy sản chợ Trà Vinh cho biết, từ ngày 10 – 12/8, giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng thương phẩm được mua tại ao đã giảm bình quân 3.000 – 5.000 đồng/kg tùy loại.

Cụ thể, tôm sú loại 30 con/kg có giá 140.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 110.000/kg, giảm 5.000 đồng/kg; loại 50 con/kg chỉ còn 92 – 95.000 đồng/kg. Tôm thẻ chân trắng loại 30 con/kg có giá 97.000 đồng/kg, loại 40 con/kg có giá 92.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg. Chỉ riêng tôm sú được nuôi sinh thái (quảng canh) đạt loại 10 – 15 con/kg vẫn ổn định mức giá 180.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Tín, ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang chia sẻ, gia đình có 0,3 ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh. Do giá tôm giảm thấp, ông phải “neo” ao tôm hơn 20 ngày để chờ giá nhưng kết quả giá tôm càng giảm thêm. Ao tôm nuôi không thể “neo” lâu nên buộc lòng ông phải thu hoạch bán với giá chỉ từ 95.000 – 110.000 đồng/kg (tùy loại).

Theo ông Tín chưa năm nào giá tôm sú, tôm thẻ giảm thấp kéo dài đến hơn 4 tháng liên tục như năm nay. Thu hoạch tôm bán không có lời, bị thua lỗ hơn 50 triệu đồng chi phí tiền thức ăn, nên ông không dám tái vụ mà chuyển sang nuôi cua biển.

Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh cho biết, năm nay người dân vùng ven biển trong tỉnh nuôi tôm gặp nhiều bất lợi, nhất là đối với các hộ nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, không ký kết được với doanh nghiệp đảm bảo đầu ra tôm thương phẩm. Gặp phải giá tôm thị trường sụt giảm kéo dài nên hầu hết hộ nuôi tôm không có lãi, nhiều hộ bị thua lỗ.

Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân ở các huyện ven biển Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải nuôi tái vụ nhưng chọn giải pháp nuôi rải vụ để hạn chế mức thấp nhất rủi ro thiệt hại do biến đổi thời tiết, môi trường nước diễn biến xấu. Việc nuôi tôm rải vụ giúp nông dân tránh được tình trạng thu hoạch tập trung, sản lượng tôm thương phẩm nhiều dễ bị rớt giá do cung vượt cầu. Đối với hộ nông dân không có đủ diện tích đất bố trí qui trình kỹ thuật an toàn hệ thống ao để nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh mật độ cao nên chuyển sang nuôi cua biển, nuôi cá, nuôi sò huyết… để đảm bảo nguồn thu nhập cho gia đình.

Theo ông Nguyễn Văn Quốc, tính đến ngày 10/8, nông dân tại các vùng ven biển đã thả nuôi hơn 6 tỷ con tôm cá, cua các loại trên diện tích hơn 50.550 ha; trong đó, diện tích thả nuôi cua biển hơn 21. 120 ha, với lượng cua giống gần 159 triệu con. Nhiều năm nay, nông dân nuôi cua biển đều có thu nhập cao, nhờ chi phí thấp, giá cua biển ổn định, thị trường tiêu thụ lớn. Bình quân, nuôi cua biển từ 4 – 5 tháng cho năng suất từ 0,8 – 1,2 tấn cua thương phẩm/ha/vụ, lợi nhuận đạt 120 – 150 triệu đồng/ha/vụ./.

Phúc Sơn

Nguồn: Bnews.vn

Tin mới nhất

T2,25/11/2024