Ám ảnh tôm giống mang mầm bệnh

Người nuôi tôm Sóc Trăng đang đau đầu vì tôm giống chất lượng kém, khiến quá trình nuôi xảy ra dịch bệnh gây tổn thất lớn nên rất mong có giải pháp bền vững.

Người nuôi trồng thủy sản Sóc Trăng đang rất cần nguồn tôm giống chất lượng. Ảnh: Tép Bạc

Ở Sóc Trăng từ đầu năm đến nay người nuôi tôm đang đối mặt rủi ro kép. Thị trường tôm xuất khẩu chậm lại khiến tôm thương phẩm trong vùng giá sụt giảm sâu, ảnh hưởng đến người nuôi, do đó nhiều nơi bà con không vội vào vụ thả giống.

Bên cạnh đó là nỗi lo gặp thời tiết cực đoan, mưa dầm kéo dài dễ phát sinh dịch bệnh. Nhưng ám ảnh nhất vần là mua nhầm tôm giống kém chất lượng, tôm mang mầm bệnh. Bởi chỉ sau một thời gian ngắn thả, tôm phát bệnh gây thiệt hại lớn cho người nuôi.

Tại vùng nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng, theo dõi tình hình dịch bệnh từ đầu vụ nuôi đến ngày 8/6/2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xác nhận, diện tích thiệt hại trên tôm nuôi hơn 600ha chiếm gần 2,8% diện tích thả, trong đó tôm sú hơn 52ha, tôm thẻ hơn 552ha.

Trong đó, nguyên nhân thiệt hại do bệnh hơn 242ha, cụ thể bệnh đốm trắng 135ha, vi bào tử trùng 1,6ha, hoại tử gan tụy cấp 88ha, bệnh phân trắng 18ha và do môi trường hơn 362ha.

Thiệt hại tập trung nhiều nhất tại thị xã Vĩnh Châu 269ha, huyện Mỹ Xuyên 204ha, huyện Trần Đề 76ha, huyện Cù Lao Dung 51ha…

Đánh giá chung trong 6 tháng đầu năm, diện tích tôm nước lợ thả nuôi chậm, diện tích tôm bị thiệt hại tăng 68ha so với cùng kỳ 2022. Tác nhân gây thiệt hại cho tôm nuôi chủ yếu do bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp. Diện tích thiệt hại do bệnh đốm trắng lại có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả giám sát bệnh vi bào tử trùng tại các ao nuôi bị thiệt hại và trên tôm giống cho thấy tỷ lệ dương tính khá cao (18,64% số mẫu giám sát).

Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh và ứng phó kịp thời đối với tôm nuôi, ngay từ đầu năm Chi cục Chăn nuôi – Thú y Sóc Trăng đã triển khai các chương trình giám sát dịch bệnh chủ động và bị động tại kênh cấp và vùng nuôi. Kiểm tra tôm giống nhập tỉnh nhằm xác định tác nhân gây bệnh để thông tin cảnh báo kịp thời đến người nuôi tôm chủ động trong sản xuất.

Sắp tới, cán bộ thú y tại địa phương khuyến cáo cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng bệnh đối với các bệnh trên để hạn chế diện tích tôm nuôi bị thiệt hại.

Sản xuất tôm giống. Ảnh: Tép Bạc

Một câu hỏi khó cho người nuôi tôm ở ĐBSCL vào thời điểm này, nhất là phần nhiều hộ nuôi tôm nhỏ lẻ đặt mua tôm giống của các đơn vị sản xuất bán giống từ tỉnh Bình Thuận đưa về. Người nuôi tin cậy vào giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan chuyên ngành. Còn một số trại nuôi tôm lớn ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu chọn các công ty lớn có thương hiệu để bảo chứng chất lượng tôm giống.

Tuy nhiên, vì sao tình trạng tôm thả nuôi sau một thời gian lại bị nhiễm bệnh chậm lớn? Đối với hộ nuôi tôm nhỏ lẻ bị thiệt hại tự gánh chịu vì khó đổ lỗi cho ai. Trong khi một vài trại nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cũng thừa nhận xảy ra bệnh tôm tương tự nhưng chưa khắc phục được.

Một chủ một trại nuôi tôm quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh chia sẻ, từng thành công nhiều vụ nuôi trước đây nhờ có quy trình kiểm soát chặt chẽ các giai đoạn tôm nuôi, nhưng vụ nuôi tôm mới đây rất đau đầu về tình trạng con giống tiềm ẩn mầm bệnh.

Hiện đường vận chuyển tôm giống vào các tỉnh có vùng nuôi tôm ở ĐBSCL cần có giấy kiểm dịch tại gốc. Đội kiểm tra liên ngành, trong đó có cán bộ thú y, thủy sản kiểm tra thủ tục hành chính, nếu không có giấy kiểm dịch sẽ bị phạt theo quy định. Nếu nghi ngờ chất lượng giống sẽ bốc lấy mẫu kiểm tra, tuy nhiên điều này khó vì xe vận chuyển tôm giống không được phép giữ quá 10 giờ.

Hữu Đức

Nguồn: Nongnghiep.vn

Tin mới nhất

T6,22/11/2024