Một số giải pháp giúp người nuôi tôm vượt qua những khó khăn do giá tôm nguyên liệu liên tiếp bị giảm giá như hiện nay

06 tháng đầu năm 2023, Ngành nông nghiệp đạt tăng trưởng 3,72% góp phần cho tăng trưởng chung của tỉnh đạt 6,93% và ngành nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò là “trụ đỡ” trong nền kinh tế của tỉnh. Sản lượng nuôi trồng đạt 134.856 tấn (đạt 34,7% so với KH và tăng 9,09% so với CK), trong đó sản lượng tôm 74.585 tấn (đạt 30,2% so với KH và tăng 13,03% so với CK).

Tham quan mô hình trình diễn: Hệ thống nuôi thủy sản tuần hoàn cho tôm thẻ chân trắng thâm canh tại Trường Thủy sản – Đại học Cần Thơ.

Lĩnh vực thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đặc biệt mô hình nuôi tôm siêu thâm canh là điểm nhấn, tạo bước đột phá trong nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Tính đến tháng 6/2023 trên địa bàn tỉnh có tổng số có 25 tổ chức và và 832 hộ dân đang đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh 2 – 3 giai đoạn với diện tích là 4.607 ha. Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, cho năng suất tăng từ 10 – 15 lần so với nuôi tôm truyền thống; trong chuyển dịch cơ cấu, mô hình canh tác tôm – lúa đều tăng qua từng năm về diện tích, năng suất và giá trị gia tăng, đây là mô hình được nhiều tổ chức (trong và ngoài nước) đánh giá phát triển bền vững, lợi nhuận cao hơn 15 – 30% so với độc canh cây lúa. Đến thời điểm hiện, trên địa bàn tỉnh có 16 doanh nghiệp, hợp tác xã được chứng nhận ASC, GLobalGap, BAP và Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

06 tháng đầu năm 2023, biến động giá tôm theo chiều hướng giảm, đặc biệt đối với tôm chân trắng đã tác động rất lớn đối với nghề nuôi tôm của tỉnh. Trong những tháng đầu năm 2023 (từ đầu tháng 3 đến nay), giá tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh giảm từ 4 – 18% tùy vào thời điểm so với cùng kỳ, và so với thời điểm giá tốt nhất trong năm 2023, cụ thể:

So với quý trước, trong quý II/2023, giá tôm thẻ chân trắng giảm từ 18.000 – 49.000 đồng/kg; so với cùng kỳ năm trước giảm từ 11.000 – 36.000 đồng/kg. Giá tôm sú cũng giảm từ 35.000 – 55.000 đồng/kg; so với cùng kỳ năm trước, loại 20 con/kg ổn định, loại 30 con/kg giảm 35.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giảm 45.000 đồng/kg. Tổng số cơ sở nuôi tôm được cấp xác nhận đến nay 6.396 cơ sở, (đạt 13%) cơ sở với diện tích 11.577,47 ha (16.838 ao).

Nguyên nhân giá tôm liên tiếp sụt giảm là do hiện tại đang vào mùa vụ nuôi tôm chính không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước khác như: Ecuador, Ấn Độ và Indonexia nên sản lượng tôm cung cho thị trường là rất lớn. Bên cạnh đó, sau tác động của dịch bệnh Covid-19, các nền kinh tế lớn như: Mỹ và Châu Âu lạm phát ở mức cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, sức tiêu thụ hàng hóa giảm, dẫn đến cung vượt cầu, theo quy luật thị trường thì giá tôm giảm là điều tất yếu.

Khi tôm giảm giá, tâm lý người dân lo ngại nên việc thả tôm nuôi có chiều hướng giảm trong những tháng cuôi năm, vì vậy theo nhận định các chuyên gia, các nhà khoa học giá tôm sẽ có chiều hướng tăng, dự kiến, đến tháng 8 năm nay, nhập khẩu tôm của Mỹ mới có thể sôi động trở lại.

Trước thực trạng trên, Chi cục Thủy sản đã chủ động, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện một số giải pháp như:

1. Tiếp tục chỉ đạo các giải pháp triển khai kế hoạch phát triển ngành tôm nước lợ năm 2023 tại Thông báo Kết luận số 1626/TB-BNN-VP ngày 23/3/2023; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, phân bổ nguồn lực thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi tôm nước lợ tập trung, kịp thời khuyến cáo người dân chủ động kế hoạch sản xuất, thực hiện các giải pháp kỹ thuật phù hợp để nuôi tôm hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, không để bùng phát bệnh dịch; tăng cường thông tin, tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để nhân rộng các mô hình nuôi nhiều giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi tôm lúa, tôm rừng, tôm hữu cơ, nuôi tôm công nghệ cao,… để giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

2. Khuyến cáo người dân ổn định tâm lý, tránh thu hoạch tôm nuôi ồ ạt, duy trì thả nuôi ổn định với mật độ thả nuôi thưa hơn, kéo dài thời gian nuôi để tăng kích cở tôm thu hoạch size lớn, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, tăng giá bán từ đó tăng hiệu suất đầu tư.

3. Chủ động phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan nắm bắt tình hình diễn biến giá tôm nguyên liệu, phân tích hiệu quả sản xuất từng cỡ tôm thu hoạch, dự báo diễn biến nhu cầu của thị trường tiêu thụ, kịp thời thông tin đến chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nuôi có kế hoạch thả giống và giải pháp phù hợp trong tổ chức sản xuất; quản lý chặt chẽ trước hiện tượng đại lý thu mua tung tin thất thiệt, ép giá người nuôi.

4. Tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nuôi tôm tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, tối ưu hoá chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; nghiên cứu xây dựng mô hình thí điểm cung cấp tín dụng qua liên kết chuỗi để triển khai thực hiện.

5. Thực hiện các biện pháp nhằm duy trì ổn định diện tích thả nuôi tôm sinh thái, tôm lúa, tôm rừng, tôm quảng canh cải tiến kết hợp để phát huy lợi thế sản phẩm tôm sú. Phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng và kiểm soát tốt các khâu sản xuất; hướng dẫn kỹ thuật, khuyến cáo người nuôi thực hiện tốt việc cải tạo ao đầm nuôi đảm bảo thời gian ngắt vụ và mật độ thả nuôi hợp lý.

6. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền hướng dẫn về các qui định của Luật Thuỷ sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn; tiếp tục tăng cường công tác tập huấn về BVMT trong nuôi trồng thủy sản.

7. Khuyến cáo các công ty thức ăn nuôi tôm, các công ty cung ứng vật tư đầu vào đồng hành cùng người dân để giảm giá thành trong nuôi tôm, cụ thể một số công ty giảm giá thức ăn 500 – 1.000 đồng/kg hoặc có các chính sách khuyến mãi.

8. Tổ chức thực hiện tốt nội dung Công văn số 1998/UBND-KT ngày 10/6/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh và Công văn số 3636/BNN-TCTS ngày 08/6/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; Kế hoạch số 26/KH-SNN về việc cấp mã số xác nhận cho cơ sở nuôi các đối tượng chủ lực các huyện, thị xã, thành phố thực hiện hoàn thành cấp mã số cơ sở nuôi đến năm 2025. Đến nay, việc đăng ký và cấp xác nhận đối tượng nuôi thủy sản nuôi chủ lực các tổ chức, cá nhân nuôi tôm thực hiện đạt kết quả khá tốt, có nhiều địa phương quan tâm, chủ động xây dựng kế hoạch để lồng ghép các chương trình, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Tổng số cơ sở nuôi tôm được cấp xác nhận đến nay 6.396 cơ sở, (đạt 13%) cơ sở với diện tích 11.577,47 ha (16.838 ao).

Hoàng Xuân

Nguồn tin: snn.baclieu.gov.vn

Tin mới nhất

T6,22/11/2024