Tôm khát nước sạch

Trước vấn nạn ô nhiễm môi trường vùng nuôi tôm ngày một trầm trọng, câu chuyện về quy hoạch và đầu tư hệ thống thủy lợi cấp, thoát nước cho vùng nuôi càng trở nên cấp bách. Đó cũng là chủ đề chính của buổi hội thảo “Giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm” do Báo Tuổi Trẻ phối hợp UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức ngày 21/7.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hữu – Phó Phòng Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản) cho biết, diện tích nuôi tôm nước lợ đã tiệm cận với Quyết định số 79/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025, nhưng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thì chỉ mới đạt gần 50%. Nguyên nhân là do thiếu nguồn nước sạch làm phát sinh dịch bệnh dẫn đến tỷ lệ tôm nuôi thành công đạt thấp. Ông Hữu nêu thực trạng: “Bùn thải, thức ăn, thuốc, hóa chất thừa, nước thải… từ hoạt động nuôi trồng thủy sản; hạ tầng thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản còn thiếu, chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp… đây là hạn chế và thách thức lớn đối với ngành tôm hiện nay, ảnh hưởng đến giá trị ngành tôm”.

Trong các phiên thảo luận, có một điểm chung nhất được các đại biểu mang đến, đó chính là hầu như tất cả các vùng nuôi tôm nước lợ ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và bán đảo Cà Mau nói riêng đều chưa có hệ thống kênh cấp, thoát nước riêng biệt mà nhiều đại biểu nói vui là “chung một dòng sông”. Không những thế, một số vùng còn sử dụng chung với hệ thống kênh thủy lợi vốn trước đây được đầu tư chỉ để phục vụ cho việc trồng lúa. Điều này, cùng với sự phát triển quá nóng của nghề nuôi tôm và sự thiếu ý thức trong bảo vệ môi trường của một số người nuôi đã khiến sức tải môi trường tại hầu hết các vùng nuôi trong khu vực đều lâm vào tình trạng quá tải, ô nhiễm ngày một nghiêm trọng, làm phát sinh dịch bệnh và thiệt hại tôm nuôi.

Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến đề xuất phải tăng cường đầu tư hạ tầng thủy lợi cho đồng bằng sông Cửu Long, nhất là vùng bán đảo Cà Mau. Tuy nhiên, để có được hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh cần rất nhiều thời gian lẫn kinh phí, nên vấn đề trước mắt là làm sao tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ vướng mắc tồn đọng về quá tải môi trường trước sự phát triển “nóng” của ngành tôm; các công nghệ quản lý, xử lý môi trường tiên tiến trong nuôi tôm siêu thâm canh; các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong xử lý nguồn nước thải, chất thải từ các mô hình nuôi tôm… Theo ông Lê Văn Sử – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, trong khi chờ có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, người dân và doanh nghiệp có thể áp dụng triệt để việc xử lý nước trong khuôn viên hộ nuôi thì mới giải quyết được bài toán ô nhiễm trước mắt, đồng thời cũng giúp chính quyền trong bối cảnh nguồn lực có hạn.

Máy ép phân tôm, một trong những giải pháp được ứng dụng tại Bạc Liêu giúp hạn chế ô nhiễm môi trường nuôi tôm. Ảnh: TÍCH CHU

Liên quan đến giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường, ông Võ Quan Huy – Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) đề xuất, cần xây dựng thành quy chuẩn nuôi tôm siêu thâm canh, công nghệ cao, mà ở đó có hệ thống thu gom, xử lý chất thải, nước thải nhằm bảo vệ môi trường. Còn theo ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), giải pháp mà công ty đang áp dụng là sử dụng vi sinh xử lý chất thải, nước thải và chừa một diện tích rất lớn trong tổng diện tích nuôi để làm khu lắng cặn, hạn chế chất thải ra môi trường. Với diện tích nuôi tôm hơn 500ha, nên Công ty Sao Ta đang cố gắng tìm giải pháp tốt hơn nữa để nước đầu ra đạt quy định chung. Về lâu dài, ông Sử đề xuất: “Việc đầu tư hạ tầng thủy lợi là rất cần trong bối cảnh hiện nay. Trước mắt nên có dự án thí điểm bằng hình thức đối tác công tư (PPP) để đầu tư hệ thống hạ tầng thủy lợi một cách đồng bộ, tập trung để những người có nguyện vọng nuôi tôm siêu thâm canh đăng ký vào nuôi”.

Phát biểu với hội thảo qua hình thức trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, thị trường tôm là một chuyện; nguồn cung, vùng nuôi cũng là chuyện quan trọng không kém. Ô nhiễm nguồn nước, giống, thức ăn thời gian qua đã ảnh hưởng đến môi trường nuôi rất nhiều. Theo Bộ trưởng, vấn đề môi trường hay vấn đề giá thành tôm nuôi đều rất cần có sự hợp tác, liên kết để nâng quy mô vùng nuôi, đưa khoa học công nghệ tiên tiến vào hoặc đầu tư hệ thống thủy lợi mới được thuận lợi, hạn chế tình trạng phát sinh xung đột lợi ích giữa các bên liên quan. Do đó, Bộ trưởng gợi ý: “Để ngành tôm phát triển bền vững nhất thiết phải hợp tác và liên kết một cách thực chất và hiệu quả. Tôi đề nghị các doanh nghiệp nên chuyển từ tư duy mua bán sang tư duy hợp tác dài hạn để hỗ trợ nhau, cùng nhau đi xa hơn. Tôi cũng đề nghị thành lập hiệp hội ngành nuôi tôm của đồng bằng sông Cửu Long. Vì khi chúng ta có hiệp hội thì mọi chuyện sẽ khác đi. Chúng ta cần cấu trúc lại một ngành hàng có trách nhiệm, phải hướng tới sản xuất minh bạch, bền vững và có trách nhiệm”.

TÍCH CHU

Nguồn: Baosoctrang.org.vn

Tin mới nhất

T6,22/11/2024