Giải quyết những thách thức ngành hàng tôm đang phải đối mặt

Những người làm nghề nuôi thủy sản Việt Nam mong các chuyên gia, nhà mua hàng và bạn bè quốc tế chia sẻ các tiến bộ, khoa học trong sản xuất con giống, thức ăn, quản lý môi trường, dịch bệnh.

Đầm nuôi tôm ở Quảng Ninh. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 25/7, Hội nghị Thượng đỉnh Ngành tôm (Shrimp Summit 2023) do Trung tâm Thủy sản có Trách nhiệm, Liên minh Thủy sản toàn cầu, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và Hội Nghề cá Việt Nam đồng tổ chức đã khai mạc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội nghị là sự kiện có quy mô lớn nhằm giải quyết những thách thức mà ngành hàng tôm ở châu Á và trên toàn cầu đang phải đối mặt, từ sản xuất trì trệ đến vấn đề đảm bảo sinh kế cho người nuôi tôm, với trọng tâm xuyên suốt là “tính bền vững” và “thích ứng Biến đổi Khí hậu.”

Phát biểu tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ. Ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới trong suốt 2 thập kỷ qua.

Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40-45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5-4,3 tỷ USD. Hiện nay tôm Việt Nam được xuất khẩu đến 100 quốc gia; trong đó 5 thị trường lớn nhất gồm châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Cho đến nay, Việt Nam đã có khoảng 200 nhà máy chế biến tôm được Ủy ban châu Âu phê duyệt với các cuộc kiểm tra thực địa định kỳ ngay tại Việt Nam. Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.

Theo ông Phùng Đức Tiến, nhìn lại quá trình hình thành và phát triển trong hơn 20 năm vừa qua, ngành tôm Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công, mở rộng các thị trường xuất khẩu, giữ được mức tăng trưởng ổn định gần 7%. Nhưng ngành tôm cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trở ngại về dịch bệnh, thị trường. Điển hình phải nói đến như dịch EMS giai đoạn 2012-2014, dịch EHP từ 2021 đến nay, biến động thị trường giai đoạn 2016-2017, biến động thị trường do tác động từ đại dịch COVID-19 năm 2021 hay suy thoái kinh tế toàn cầu từ cuối năm 2022 đến nay.

Ngành tôm Việt Nam đã tham gia sâu, rộng và thị trường thương mại tôm toàn cầu; do đó những biến động từ thị trường đều gây ra những tác động không nhỏ tới toàn bộ chuỗi sản xuất ngành hàng tôm trong nước. Xác định ngành hàng tôm giữ vai trò chủ lực, theo định hướng phát triển bền vững; Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chương trình, đề án chương trình, đề án nhằm định hướng, giải pháp đảm bảo ngành hàng tôm của Việt Nam ngày càng phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào thị trường tôm toàn cầu.

“Shrimp Summit 2023 với sự có mặt của đông đảo các nhà khoa học, các nhà mua hàng quốc tế, các chuyên gia, các quốc gia có sản xuất tôm lớn trên thế giới, các doanh nghiệp, các tổ chức chứng nhận, các đối tác quan trọng tham gia chuỗi ngành hàng tôm… tạo ra một diễn đàn mở để thảo luận về những vấn đề quan trọng của ngành tôm thế giới. Cụ thể như dự báo về sản lượng, nhu cầu thị trường tôm, cập nhật các tiêu chuẩn về sản phẩm, về phát triển bền vững, quản lý dịch bệnh tôm, chương trình chọn giống, quản lý con giống, các đổi mới sáng tạo trong quản trị trang trại nuôi. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng sẽ chú trọng cập nhật thông tin về thị trường tôm hiện tại, hệ thống tiếp thị mới; cơ chế tài chính cho công ty quy mô lớn, vừa và nhỏ; cũng như hỗ trợ trang trại quy mô nhỏ để tiếp cận thị trường,” ông Phùng Đức Tiến cho biết.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, chia sẻ hiện nay, ngành thủy sản có trên 5 triệu lao động; trong đó ngành tôm chiếm trên 1 triệu lao động. Những năm vừa qua lao động ngành tôm đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước, khai thác hiệu quả tài nguyên đất và nước ven biển tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tuy có những đóng góp lớn lao cho đất nước và xã hội nhưng lao động ngành tôm/người nuôi tôm đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức về dịch bệnh, thiếu vốn trong sản xuất; mùa vụ bấp bênh; biến đổi khí hậu và môi trường, hạn chế trong áp dụng công nghệ mới, tiên tiến và sản xuất.

Thông qua Shrimp Summit 2023, những người làm nghề nuôi thủy sản Việt Nam mong muốn các chuyên gia, nhà mua hàng và bạn bè quốc tế chia sẻ các tiến bộ, khoa học trong sản xuất con giống, thức ăn, quản lý môi trường, dịch bệnh, quản lý nguồn nước; các công nghệ mới, công nghệ thông minh trong quản lý nuôi tôm. Bên cạnh đó, cũng cập nhật xu hướng và nhu cầu thị trường; các cơ hội hợp tác trong nghiên cứu và liên kết thương mại sản phẩm tôm.

Nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà màng của hộ nông dân Bùi Thị Bích, thôn Bắc Cường, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, Thái Bình. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy Sản Minh Phú, cho biết Việt Nam hiện có hơn 700.000ha nuôi tôm với nhiều mô hình khác nhau từ nuôi tôm thuần, nuôi tôm quảng canh, nuôi tôm thâm canh, nuôi tôm công nghệ cao cho đến siêu thâm canh công nghệ cao có thể đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các khách hàng trên 100 quốc gia khác nhau.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang phát triển các mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ vừa có giá trị cao vừa đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững.

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Ngành tôm 2023, sau phiên thảo luận tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu cũng tham gia khảo sát khu sản xuất tôm giống công nghệ cao, vùng nuôi tôm sinh thái và gặp gỡ, kết nối giữa với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản tại tỉnh Cà Mau./.

Xuân Anh

Nguồn: Vietnamplus.vn

Tin mới nhất

T6,22/11/2024