Giá tôm thương phẩm đã chạm đáy, xuất khẩu tôm kỳ vọng phục hồi dần từ quý 3/2023

Sau đợt giảm mạnh kéo dài, giá tôm thương phẩm trong nước và trên thế giới hiện được nhận định có thể đã chạm đáy và nhu cầu tại một số thị trường trong điểm có dấu hiệu tích cực, mở ra triển vọng phục hồi cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam trong nửa cuối năm nay.

Giá tôm thương phẩm có thể đã chạm đáy

TS.Hồ Quốc Lực cho biết xuất khẩu tôm đang có tín hiệu phục hồi khi giá tôm thương phẩm tại Việt Nam và trên thế giới có thể đã chạm đáy.

TS.Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu: FMC – sàn: HoSE) vừa nhận định hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nói chung, xuất khẩu tôm nói riêng sẽ tăng tốc trong quý 3/2023. Qua đó, có thể phần nào giúp cải thiện hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sau giai đoạn khó khăn nửa đầu năm nay. Thực phẩm Sao Ta hiện là một trong những doanh nghiệp chế biến – xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho biết kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang phục hồi khá tốt, tháng sau cao hơn tháng trước. Trong tháng 6 vừa qua, xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt gần 800 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái, theo VASEP.

Trong đó, xuất khẩu tôm ước đạt 341 triệu USD, mức cao nhất từ đầu năm tới nay. Tính chung 6 tháng, xuất khẩu tôm đạt gần 1,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với 2022. Đáng chú ý, đà sụt giảm của xuất khẩu tôm đã dần được thu hẹp, từ mức giảm 34% trong tháng 5/2023 xuống chỉ còn 29% trong tháng 6/2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch chiếm từ 40 – 45% tổng giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản.

TS.Hồ Quốc Lực nhấn mạnh “Đây là tín hiệu tốt, là ánh sáng lóe lên trong bối cảnh đầy u ám. Dù tín hiệu này sẽ diễn ra chưa mấy rõ ràng, nhưng có một số yếu tố tạo nên sự hồi phục ban đầu”.

Theo Chủ tịch Thực phẩm Sao Ta, giá tôm thương phẩm trong nước đã giảm xuống mức quá thấp với mức giảm cao hơn nhiều dự tính và có thể đã chạm đáy. Đây được xem là một yếu tố hỗ trợ cho xuất khẩu phục hồi.

Xem thêm bài viết: “Vua tôm” Minh Phú: Tôm Việt Nam không bán được vì giá thành quá cao” trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Chia sẻ về tình hình nguồn cung tôm thế giới, TS. Hồ Quốc Lực cho biết, sản lượng tôm của Ecuador hiện tương đối khả quan nhưng có khoảng 10% hộ nuôi nhỏ đã treo ao vì giá bán thấp, thua lỗ. Hộ nuôi tôm nhỏ của Ecuador tương đương hộ nuôi trung bình, khá của Việt Nam. Tôm nuôi tại đây tập trung vào các trang trại lớn, nhất là các hộ kinh doanh có vốn nhiều, vùng nuôi lớn, có thể cơ giới hóa cũng như ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, giảm giá thành, TS. Hồ Quốc Lực chia sẻ.

Tại Ấn Độ, tình hình sản xuất tôm cũng tương tự như tại Ecuador. Dự kiến sản lượng tôm nuôi năm nay ở đây giảm 20 – 30% do người nuôi giảm thả giống. Đầu quý 3 hàng năm thường là cao điểm thu hoạch tôm của Việt Nam và Ấn Độ; riêng Indonesia và Ecuador đã thu hoạch chính vụ sớm hơn. Nhưng theo tình hình thực tế, nguồn cung tôm thương phẩm tại các nước sẽ đều giảm mạnh, vì giảm thả nuôi vừa qua và hiện nay hoặc cuối vụ, Chủ tịch Thực phẩm Sao Ta cho biết.

Kỳ vọng xuất khẩu tăng tốc từ quý 3/2023

Các sản phẩm tôm tinh chế của Việt Nam được nhận định sẽ hưởng lợi trong thời gian tới khi thị trường thế giới bước vào mùa lễ hội – cao điểm tiêu thụ dịp cuối năm.

Đồng thời, TS.Hồ Quốc Lực nhận định giá tôm trên thế giới đã chạm đáy và ngoài sức chịu đựng của hộ nuôi ở tất cả các quốc gia nuôi tôm lớn, cho thấy giá không thể giảm hơn nữa, đây cũng là nền tảng để các hệ thống phân phối tính toán dự trữ hàng, vì theo quy luật cung – cầu, sắp tới chắc chắn giá tôm thương phẩm sẽ phục hồi từng bước.

Về nhu cầu tiêu thụ tôm, Chủ tịch Thực phẩm Sao Ta đánh giá sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam đang có lợi thế khi thị trường thế giới bước vào mùa lễ hội, nhất là dịp Noel và mừng năm mới cuối năm. Giai đoạn này, người tiêu dùng thường ưa thích các sản phẩm tôm tinh chế thay vì tiêu thụ các sản phẩm sơ chế hoặc chế biến cấp thấp. Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam có năng lực cạnh tranh vượt trội về sản phẩm tôm tinh chế.

Xem thêm bài viết: “Kỳ vọng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Hoa Kỳ nửa cuối năm sẽ tăng 40-50%” trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đồng quan điểm như trên, VASEP hiện dự báo nhu cầu tôm của thị trường Hoa Kỳ sẽ tăng tốc trong những tháng tới đây, tạo điều kiện phục hồi thuận lợi cho ngành tôm Việt Nam. Bên cạnh đó, các thị trường trọng điểm khác cũng đang có tín hiệu tích cực.

VASEP khuyến cáo các doanh nghiệp nên tiếp tục kiên trì thâm nhập thị trường Trung Quốc và chú ý hơn tới các thói quen tiêu dùng của thị trường này để tăng cường xuất khẩu hơn nữa.

“Quý 3 sẽ là quý tăng tốc của ngành thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng. Các doanh nghiệp tôm chắc đều cảm nhận được tình hình và có sự chuẩn bị thấu đáo. Sự tăng tốc này hy vọng sẽ bù đắp phần nào hụt hẫng thời gian qua về doanh số tiêu thụ cho các doanh nghiệp”, TS.Hồ Quốc Lực nhấn mạnh.

VASEP hiện kỳ vọng xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm nay sẽ đạt mức 3 tỷ USD.

Duy Quang

Nguồn: Tapchicongthuong.vn

Tin mới nhất

T7,23/11/2024